Tin thế giới 23/3: Campuchia chỉ trích báo cáo nhân quyền của Mỹ, Israel-Iran thêm 'nóng'

Liên hợp quốc nói về 'hòa bình công bằng' cho Ukraine, Trung Quốc hối Mỹ ngừng khiêu khích ở Biển Đông… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Mỹ-Trung tranh cãi về sự hiện diện ở Biển Đông của tàu khu trục USS Milius - Ảnh: Tàu khu trục USS Milius ở cảng San Diego, Mỹ năm 2012. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Liên hợp quốc ủng hộ mọi nỗ lực mang lại hòa bình công bằng” cho Ukraine: Trả lời câu hỏi liên quan đến cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao mọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Tất nhiên, trong trường hợp này, chúng tôi sẽ tái khẳng định sự ủng hộ đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được hòa bình công bằng ở Ukraine, phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và nghị quyết được Đại hội đồng thông qua ngày 23/2”. (TASS)

* Ukraine cần 411 tỷ USD tái thiết đất nước: Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Ukraine cần 411 tỷ USD để tái thiết và phục hồi đất nước. Do chính phủ Ukraine, WB, Ủy ban châu Âu và Liên hợp quốc cùng đưa ra, đánh giá trên cũng lưu ý rằng Ukraine cần tới “14 tỷ USD cho những khoản đầu tư vào việc tái thiết, phục hồi ưu tiên và trọng yếu trong năm 2023”. (AFP)

* NATO: Phương Tây cần chuẩn bị hỗ trợ lâu dài cho Ukraine: Trả lời The Guardian (Anh), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “không có kế hoạch hòa bình” cho Ukraine. Do đó, “Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các nước phương Tây khác nên chuẩn bị hỗ trợ Ukraine về vũ khí, đạn dược và phụ tùng thay thế trong thời gian dài”.

Theo ông, nỗ lực hòa giải của Trung Quốc nên đi kèm với tìm hiểu lập trường của Kiev và tương tác trực tiếp với Tổng thống Ukraine. Ông phàn nàn Bắc Kinh chưa chỉ trích thái độ về ‘chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow. (Sputnik)

* Nhật Bản cân nhắc hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine: Ngày 23/3, trong phát biểu trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio nói: “Chúng tôi muốn nghiên cứu khả năng gửi phương tiện và thiết bị xây dựng (đến Ukraine) như một phần của hoạt động viện trợ nhân đạo”. Cả thiết bị và phương tiện trên đều có thể được sử dụng để rà phá bom mìn các khu vực cũng như dỡ bỏ các tòa nhà bị phá hủy hoặc hư hại ở Ukraine. (Sputnik)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc không theo đuổi thặng dư thương mại với Mỹ: Ngày 23/3, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting khẳng định Bắc Kinh không theo đuổi thặng dư thương mại với Washington và kêu gọi Mỹ cần “dỡ bỏ hạn chế thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc càng sớm càng tốt”. Điều này là cần thiết để “tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác và giảm thâm hụt thương mại thông qua đối thoại”.

Quan chức này nói thêm: “Dựa vào nhu cầu thị trường, doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn nông sản, ô tô, khoa học và công nghệ, năng lượng và các sản phẩm hóa dầu… hàng xuất khẩu của Trung Quốc giúp giảm lạm phát ở Mỹ”. (Reuters)

* Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng khiêu khích ở Biển Đông: Ngày 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Mỹ cần chấm dứt ngay các hành động khiêu khích và vi phạm pháp luật. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Trước đó cùng ngày, quân đội Trung Quốc cho biết họ đã đuổi một tàu khu trục Mỹ ở vùng nước quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó Lầu Năm Góc đã bác bỏ thông tin này. Thông cáo từ Hạm đội 7, Hải quân Mỹ nêu: “Tàu USS Milius đang tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông và không bị xua đuổi. Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, điều tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. (Sputnik)

Đông Nam Á

* Campuchia chỉ trích Mỹ “tiêu chuẩn képtrong báo cáo nhân quyền: Ngày 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia nhấn mạnh: “Báo cáo Nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về các quốc gia khác, trong đó có Campuchia, đã phơi bày một cách trắng trợn tiêu chuẩn kép trong thông lệ, đặc biệt là khi thiếu báo cáo của chính nước đó.” Theo quan chức này, cam kết của Phnom Penh nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. (Tân Hoa xã)

Nam Thái Bình Dương

* Thượng nghị sĩ Australia chỉ trích thỏa thuận AUKUS trước Quốc hội: Ngày 23/3, trong phát biểu trước Quốc hội Australia, Thượng nghị sĩ Australia Jordan Steele-John thuộc Đảng Xanh đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Tuyên bố đây là “một trong những quyết định chính sách đối ngoại sai lầm nhất của chính phủ Australia”, chính trị gia này cho rằng khi chi 368 tỷ AUD khi mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Australia sẽ “trở thành bãi rác thải hạt nhân”, mang lại khoản tiền lớn cho các nhà sản xuất quốc phòng của Anh và Mỹ và “trói buộc Australia với Mỹ mãi mãi”.

Trước đó, cựu Thủ tướng Australia Paul Keating cũng gọi AUKUS là “quyết định quốc tế tồi tệ nhất của Công đảng kể từ thời ông Billy Hughes nỗ lực áp dụng luật nghĩa vụ quân sự để tăng cường lực lượng trong Thế chiến I”. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Hàn Quốc muốn tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Czech: Ngày 23/3, Văn phòng Thủ tướng nước này thông báo ông Han Duck Soo đã gặp và trao đổi với Chủ tịch Hạ viện Czech Marketa Pekarova Adamova tại Hàn Quốc.

Trong cuộc thảo luận, phía Czech bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trong các lĩnh vực năng lượng và sức khỏe cộng đồng. Còn ông Han đã đề nghị bà Adamova giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở Czech cũng như hỗ trợ nỗ lực của Seoul để đăng cai World Expo 2030 ở thành phố cảng Busan. (Yonhap)

* Hàn-Nhật cam kết hợp tác chặt chẽ về Triều Tiên: Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết ngày 23/3, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa đã tiếp Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se. Cả hai nhất trí rằng các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên là “những mối đe dọa nghiệm trọng và hiện hữu” đối với an ninh khu vực. Ngoại trưởng Hayashi đề nghị ông Kwon hợp tác nhằm hồi hương các công dân Nhật Bản nghi do phía Triều Tiên bắt cóc những năm 1970, 1980. Quan chức Hàn Quốc bày tỏ sự ủng hộ với vấn đề này.

Ông Kwon Young Se là Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc đầu tiên thăm Nhật Bản kể từ năm 2005. (Kyodo)

Châu Âu

* Thủ tướng Tây Ban Nha sẽ thăm Trung Quốc tuần tới: Ngày 23/3, chính phủ Tây Ban Nha thông báo Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 30/3 trước khi tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình.

Phát biểu với báo giới tại Brussels (Bỉ), nhà lãnh đạo này tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề Ukraine, điều quan trọng nhất là có thể đảm bảo một nền hòa bình ổn định và lâu dài”. Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ là vị lãnh đạo châu Âu thứ hai thăm Trung Quốc sau Thủ tướng Đức Olaf Scholz kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 3 năm.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia TVE, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nghị viện Tây Ban Nha Felix Bolanos nhấn mạnh: “Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong hòa giải giữa Nga và Ukraine, và điều này tất nhiên sẽ là một trong những chủ đề” mà Thủ tướng Sanchez sẽ thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Bolanos nêu rõ: “Xung đột này phải kết thúc. Nga cần nhận ra rằng đây là cuộc xung đột hoàn toàn phi lý và do đó, mọi thứ cần trở lại trạng thái trước đó... Dĩ nhiên chúng tôi muốn một lệnh ngừng bắn ở Ukraine càng sớm càng tốt song cần rất nhiều nỗ lực từ góc độ ngoại giao”. (AFP/Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Iran đánh giá cao quan hệ với Nga: Trả lời phỏng vấn Financial Times (Anh) ngày 23/3, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Iran Ehsan Khandouzi nêu rõ: “Chúng tôi xác định mối quan hệ của chúng tôi với Nga là chiến lược và hai bên đang hợp tác với nhau về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế”.

Theo ông, Nga và Trung Quốc là hai đối tác kinh tế chính của Iran và Tehran sẽ mở rộng mối quan hệ này thông qua việc thực thi các thỏa thuận chiến lược. Bộ trưởng Khandouzi nhấn mạnh, trong giai đoạn tài khóa hiện tại, Nga đã đầu tư 2,76 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Iran, bao gồm công nghiệp, khai thác mỏ cùng vận tải. (Sputnik)

* Israel để ngỏ khả năng tấn công Iran: Ngày 23/3, Axios (Mỹ) dẫn lời quan chức cấp cao của Nhà nước Do Thái cho hay Israel không muốn “lằn ranh đỏ” là làm giàu urani tới 90%, bởi Iran sẽ cho rằng họ có thể bắt đầu dự trữ urani tiệm cận cấp độ vũ khí.

Quan chức này cho biết: “Do đó, Israel đã nói với Mỹ và châu Âu rằng bất kỳ hành động nào của Iran liên quan tới làm giàu urani trên mức 60% sẽ là động thái có thể dẫn tới hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Tehran”. Theo Israel, Iran nhận thức rõ quan điểm của Nhà nước Do Thái về vấn đề này.

Trước đó, trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã yêu cầu người đứng đầu Lầu Năm Góc xúc tiến việc chuyển giao máy bay chở dầu Boeing KC-46 mà Nhà nước Do Thái đã mua trước đó. Các quan chức Israel cho biết nước này cần các máy bay đó để chuẩn bị cho hành động quân sự tiềm tàng trước Iran. (Sputnik)

* UAE cảnh báo nguy cơ phá vỡ Hiệp định Abraham: Theo Đài phát thanh truyền hình Kan (Israel) ngày 23/3, gặp gỡ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ông Khaldoon Al Mubarak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nói rõ: “Hành động của chính phủ Israel gây nguy hiểm tới triển vọng mở rộng hợp tác với UAE và các nước Arab khác. Một số chính trị gia thậm chí còn ủng hộ bạo lực. Điều này đi ngược với tinh thần Hiệp định Abraham và xu hướng hiện tại, gây nguy hiểm tới ổn định khu vực.

Theo đài Kan, chuyến thăm của ông Mubarak nhằm truyền đạt thông điệp trên của Tổng thống UAE, quốc gia đầu tiên ký Hiệp định Abraham thiết lập quan hệ với Israel. (TTXVN)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-233-ukraine-can-400-ty-usd-de-tai-thiet-israel-iran-them-nong-220903.html