Tin thế giới 22/9: Trụ sở Hạm đội Biển Đen bị tấn công, Nga cảnh giác trước quốc gia này?

Ukraine-Mỹ hợp tác sản xuất vũ khí, khả năng ông Thaksin làm cố vấn chính phủ Thái Lan, Trung Quốc-Syria nâng tầm quan hệ… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hôm 21/9. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga bị tấn công: Ngày 22/9, viết trên Telegram, ông Mikhail Razvozhayev, Thị trưởng Sevastopol, thành phố lớn nhất trên Bán đảo Crimea xác nhận ít nhất một quả tên lửa của Ukraine đã đánh trúng trụ sở Hạm đội Biển Đen, gây ra hỏa hoạn. Lực lượng cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường. Theo ông, có khả năng xảy ra một đợt tập kích khác sau vụ tấn công trên.

Quan chức này viết: “Mọi người chú ý! Một cuộc tấn công khác có thể xảy ra. Vui lòng không đi vào trung tâm thành phố. Đừng rời khỏi các tòa nhà. Những ai ở gần trụ sở Hạm đội (Biển Đen), khi có tiếng còi báo động, hãy đến nơi trú ẩn”.

Kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 và xung đột Ukraine bùng phát tháng 2/2022, Crimea đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU). (AFP/Reuters)

* Ukraine, Mỹ nhất trí sản xuất vũ khí chung: Ngày 22/9, trong phát biểu hàng ngày với người dân Ukraine khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận Ukraine và Mỹ đã nhất trí sản xuất vũ khí chung.

Trong đoạn video đăng tải trên trang web của Tổng thống Ukraine, ông chia sẻ: “Đây là chuyến thăm rất quan trọng tới Washington, (đạt được) kết quả rất quan trọng. Một thỏa thuận lâu dài - chúng ta sẽ phối hợp với nhau để cùng sản xuất các loại vũ khí cần thiết. Hợp tác sản xuất với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng là sự kiện lịch sử”. Ông nhấn mạnh thỏa thuận dài hạn sẽ tạo ra việc làm và cơ sở công nghiệp mới ở Ukraine, nơi nền kinh tế bị cuộc xung đột hiện nay tàn phá.

Đồng thời, nhà lãnh đạo này nêu rõ Bộ Công nghiệp Chiến lược, cơ quan giám sát hoạt động sản xuất vũ khí của Ukraine, đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 hiệp hội, bao gồm hơn 2.000 công ty quốc phòng của Mỹ, mở ra khả năng hoạt động trong tương lai ở quốc gia Đông Âu.

Trong cuộc gặp vừa qua với lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 325 triệu USD cho Kiev. Gói hỗ trợ mới của Washington sẽ hướng tới tăng cường năng lực phòng không, cung cấp đạn dược cho hệ thống pháo binh tên lửa cơ động cao (HIMARS), vũ khí chống tăng, chống máy bay không người lái và các khí tài khác.

Từ tuần tới, Mỹ cũng sẽ chuyển giao các chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams đầu tiên cho Ukraine.

Gói này không bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm xa được trang bị đầu đạn chùm. Song ông Biden không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí này trong tương lai.

Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ phụ trách châu Âu, bà Amanda Sloat cho biết đây là gói viện trợ quân sự thứ 4 của Mỹ cho Ukraine trong 6 tuần. Đồng thời, gói này không liên quan đến gói viện trợ quân sự trị giá 24 tỷ USD chính quyền Tổng thống Biden đang thuyết phục Quốc hội thông qua. (Reuters)

Đông Nam Á

* Khả năng ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn cho chính phủ: Ngày 22/9, phát biểu tại trụ sở chính phủ, Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết ông ủng hộ ý tưởng để cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra làm cố vấn chính phủ. Ông chia sẻ: “Đó sẽ là một điều tốt vì ông ấy đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Quyết định đó sẽ mang lại lợi ích cho đất nước”.

Trước đó hồi đầu tuần, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cũng khẳng định ông Thaksin vẫn có thể phục vụ đất nước và có thể giúp ích khi chính phủ tìm cách thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng 5% mỗi năm. Một nguồn tin khác trong Pheu Thai xác nhận chính phủ liên minh mới do đảng này lãnh đạo có kế hoạch tham vấn ông Thaksin Shinawatra, một khi cựu Thủ tướng Thái Lan được tự do.

Ông Thaksin, 74 tuổi, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, đã trở lại Thái Lan hồi tháng trước và ngay lập tức bị bỏ tù vì cáo buộc hối lộ và lạm quyền. Tuy vậy, ngay trong đêm đầu tiên thụ án, ông đã được đưa tới bệnh viện của cảnh sát vì lý do sức khỏe và hiện ông vẫn đang được điều trị tại cơ sở y tế này. Ít lâu sau đó, ông đã được Nhà vua Thái Lan ân xá và chỉ phải thụ án 1 năm tù. Tuy nhiên, theo một quan chức Cục cải huấn Thái Lan, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra có thể tự do sau khi thụ án 6 tháng tù giam, tức tháng 2 năm sau. (Bangkok Post)

Nam Á

* Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc vi phạm tinh thần ASIAD: Ngày 22/9, Ấn Độ ngày 22/9 đã hủy bỏ chuyến đi của Bộ trưởng Thể thao nước này tới Trung Quốc để tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) tại Hàng Châu. New Delhi cáo buộc Bắc Kinh đã từ chối nhập cảnh 3 vận động viên Wushu đến từ bang Arunchal Pradesh, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc vi phạm cả tinh thần của ASIAD lẫn quy định về cách ứng xử, trong đó nghiêm cấm phân biệt đối xử đối với vận động viên đến từ các quốc gia thành viên”. (AFP/Reuters)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc: Mỹ cần ngừng ủng hộ Nhật Bản hành xử vô trách nhiệm”: Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng chính khách liên quan của Mỹ nên ngừng việc ủng hộ và đồng lõa với cách hành xử vô trách nhiệm của Nhật Bản”. Trước đó cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Tokyo Rahm Emanuel cáo buộc Bắc Kinh “cưỡng ép” kinh tế khi bày tỏ thái độ về vụ Tokyo quyết định xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. (Reuters)

* Hàn Quốc: Nga nên “giải thích rõ ràng” về thỏa thuận với Triều Tiên: Ngày 22/9, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Nếu (Nga) không tham gia hoạt động hợp tác quân sự đáng lo ngại như vậy với Triều Tiên thì Moscow nên giải thích rõ ràng (về các thỏa thuận của nước này với Bình Nhưỡng) để cộng đồng quốc tế thấy có thể chấp nhận sự thật đó”. Phát biểu trên được đưa ra nhằm đáp lại tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Hàn Quốc hôm 21/9 sau bài phát biểu của Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này, trong đó chỉ trích việc hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moscow.

Trước đó, ngày 13/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ tại Trung tâm vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông (Nga). Sự kiện này làm dấy lên lo ngại tại Seoul và phương Tây rằng Bình Nhưỡng có thể đã đạt thỏa thuận cung cấp đạn dược cho hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine để đổi lấy lương thực và công nghệ vũ khí. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận thông tin này. (Yonhap)

Trung Á

* Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho Armenia không tôn trọng các thỏa thuận với Azerbaijan: Ngày 21/9, Nhật báo Milliyet (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler nhận định: “Armenia đã ký thỏa thuận ngừng bắt sau chiến dịch kéo dài 44 ngày trước đó. Họ phải tuân thủ thỏa thuận này.

Các phần tử khủng bố đứng chân tại đó (Nagorno-Karabakh). Chúng đang phớt lờ cảnh báo, phong tỏa các tuyến đường và thực hiện những hành vi phá hoại ở đó. Trong 10-15 ngày gần nhất, chúng đã liên tiếp nhận được cảnh báo yêu cầu ngừng hành động, song chẳng có thay đổi nào. Cuối cùng, Azerbaijan đáp trả. Sau 1 ngày (diễn ra chiến dịch), chúng tuyên bố sẽ đầu hàng, hạ vũ khí và rời đi”.

Theo ông Guler, “Nga đã tuyên bố mọi vùng đất (ở Nagorno-Karabakh) đều thuộc về Azerbaijan”. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá chiến dịch chống khủng bố của Baku “sẽ là bước tiến đến nền hòa bình lâu dài… Đặc biệt là nếu Armenia thực hiện thỏa đáng các nghĩa vụ của họ và những điều khoản trong thỏa thuận hòa bình được thực thi một cách sớm nhất có thể. Sau đó, bầu không khí hòa bình và yên ổn sẽ được thiết lập trong khu vực”.

Ngày 19/9, căng thẳng bùng phát trở lại ở Nagorno-Karabakh. Azerbaijan tuyên bố triển khai “biện pháp chống khủng bố địa phương” và yêu cầu Armenia rút quân. Đáp lại, Yerevan khẳng định không có lực lượng nào hiện diện ở Karabakh, cáo buộc những gì đang xảy ra là “hành động gây hấn quy mô lớn”. Các cư dân ở thủ đô Yerevan đã tuần hành bên ngoài trụ sở Chính phủ Armenia, đổ lỗi cho giới lãnh đạo và Thủ tướng Nikol Pashinyan về tình hình hiện nay.

Trong một tin liên quan, theo cố vấn David Babayan của ông Samvel Shahramanyan, người đứng đầu Cộng hòa Artsakh tự xưng ở Nagorno-Karabakh, hiện chưa có kết quả cụ thể về bảo đảm an ninh cho những người Armenia hạ vũ khí trước Azerbaijan, hoặc về khả năng ân xá mà Baku đang đề xuất.

Cố vấn Babayan đánh giá tình hình ở Karabakh hiện rất nghiêm trọng. Người dân đói khát, không có điện hoặc nhiên liệu. Tuy nhiên, ông cho biết không có sự di chuyển quy mô lớn của người dân vì khu vực này thực sự đang bị bao vây.

Cùng ngày, ông Hikmet Hajiyev, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan, khẳng định Baku bảo đảm các công dân có thể di chuyển an toàn trên những tuyến đường từ Nagorno-Karabakh tới Armenia. (Reuters/TASS)

Châu Âu

* Nga cảnh giác với các mối đe dọa từ Ba Lan: Ngày 22/9, Moscow cho biết sẽ cảnh giác trước mọi mối đe dọa từ Warsaw, coi đây là quốc gia “hiếu chiến” và là một vấn đề với Belarus, đồng minh của Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng dự báo tình trạng rạn nứt giữa Ba Lan và Ukraine sẽ trầm trọng hơn sau khi Warsaw hôm 21/9 tuyên bố sẽ không gửi thêm vũ khí cho Kiev.

Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định bất đồng về ngũ cốc sẽ không ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ tốt đẹp song phương. Trước đó, Ukraine đã nộp đơn khiếu nại Ba Lan, Hungary và Slovakia lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi 3 nước này cấm nhập khẩu lương thực từ Ukraine. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Trung Quốc, Syria thiết lập quan hệ đối tác chiến lược: Ngày 22/9, đài CCTV (Trung Quốc) đưa tin nước này và Syria sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá sự kiện nâng cấp quan hệ song phương này sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử của cả 2 nước.

Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Tổng thống Assad đang thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ, với mong muốn tìm kiếm hỗ trợ tài chính để tái thiết đất nước. (AFP/Reuters)

* Iran, Djibouti khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm: Ngày 22/9, Iran tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao với Djibouti, 7 năm sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi cùng các nước khác trong khu vực cắt đứt quan hệ với Tehran để ủng hộ Saudi Arabia. Quyết định của Djibouti được đưa ra vài tháng sau khi Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ hồi tháng 3. Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã gặp người đồng cấp Djibouti Mahamoud Ali Youssouf tại New York (Mỹ) bên lề Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (AFP)

* 35 sinh viên bị bắt cócNigeria: Ngày 22/9, ông Mugira Yusuf, người phát ngôn của Thống đốc bang Zamfara, Tây Bắc Nigeria cho biết 24 sinh viên, 10 nhân viên và 1 bảo vệ của Đại học liên bang Gusau đã bị những đối tượng có vũ trang bắt giữ vào sáng cùng ngày.

Các băng nhóm vũ trang đã hoành hành ở khu vực Tây Bắc Nigeria trong những năm gần đây, thực hiện hành vi bắt cóc đòi tiền chuộc, cướp bóc, phá hoại và sát hại dân thường. Nỗ lực ngăn chặn của lực lượng an ninh đạt rất ít thành công. Bắt cóc sinh viên, chiến thuật khét tiếng của các phiến quân Hồi giáo để hăm dọa, đã trở thành “nghề kiếm cơm” để các băng đảng vũ trang đòi tiền chuộc. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-229-tru-so-ham-doi-bien-den-bi-tan-cong-nga-canh-giac-truoc-quoc-gia-nay-243261.html