Tin thế giới 18/3: Tổng thống Putin tái đắc cử, tính ngay vấn đề ở Ukraine, Afghanistan-Pakistan căng nhau; Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại trụ sở chiến dịch tranh cử của ông ở Moscow vào ngày 17/3, sau khi có kết quả thắng cử với tỷ lệ áp đảo. (Nguồn: AFP)

Châu Âu

* Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm: Ngày 18/3, sau khi Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) kiểm đếm 99,43% tổng số phiếu bầu, ứng cử viên độc lập Vladimir Putin giành được 87,32% số phiếu ủng hộ.

Kết quả này đồng nghĩa với việc Tổng thống đương nhiệm Putin, 71 tuổi, sẽ tiếp tục nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm và trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm nếu ông hoàn thành nhiệm kỳ đó.

Theo Điện Kremlin, kết quả bầu cử "là lời xác nhận hùng hồn nhất về mức độ ủng hộ của nhân dân trong nước đối với Tổng thống và khối đoàn kết của họ xung quanh ông ấy”.

Tại trụ sở chiến dịch tranh cử, nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới tương tự các nhiệm vụ chính cho sự phát triển đất nước đã được ông nêu ra trong Thông điệp liên bang gần đây.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga nhắc lại rằng, trước hết, Moscow cần giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố lực lượng vũ trang của đất nước.

Ông hy vọng về một nước Nga hùng mạnh, độc lập, có chủ quyền và kết quả bầu cử sẽ cho phép ông cùng người dân Nga đạt được tất cả các mục tiêu đó.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo các nước Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Tajikistan, Triều Tiên... đã gửi lời chúc mừng đến ông Putin. (TASS)

* Cách duy nhất để bảo vệ Moscow là tạo vùng đệm với Ukraine, theo tuyên bố của Điện Kremlin ngày 18/3, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ khả năng thiết lập khu vực như vậy để bảo vệ các vùng biên giới đang liên tục hứng chịu tấn công từ Ukraine.

Trong buổi họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lập luận: “Trong bối cảnh những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo kích vào lãnh thổ của chúng tôi, phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ những vùng lãnh thổ này".

Theo quan chức Nga, chỉ có thể bảo đảm an toàn cho các vùng này "bằng cách tạo ra một loại vùng đệm nào đó để bất kỳ phương tiện nào mà kẻ thù sử dụng để tấn công chúng tôi đều nằm ngoài tầm bắn”. (Reuters)

* EU cân nhắc phê duyệt gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Ngày 18/3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hy vọng, các nước thành viên sẽ phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 5 tỷ Euro (5,45 tỷ USD) cho Kiev tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Kế hoạch này đã được thảo luận trong nhiều tuần và tuần trước, các nước thành viên EU đã nhất trí về gói viện trợ trên. (AFP)

* EU cam kết chi 7,7 tỷ Euro (8,39 tỷ USD) ban đầu cho viện trợ nhân đạo trong năm 2024, ít hơn so với năm 2023 và ít hơn cam kết là 8,4 tỷ Euro, mặc dù nhu cầu tăng vọt ở Dải Gaza và các nơi khác.

Phát biểu khai mạc hội nghị về nhân đạo kéo dài 2 ngày ở Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu phụ trách quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic nêu rõ: "Tôi cho rằng đây là số tiền lớn... nhưng nó có thể tốt hơn".

Hiện EU chưa đưa ra lý do dẫn tới sự giảm sút này. (Reuters)

* Ngoại trưởng Bulgaria Mariya Gabriel nhất trí thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Nikolai Denkov từ chức hôm 5/3.

Ngoại trưởng Mariya Gabriel, thuộc đảng trung hữu Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB) tuyên bố: "Tôi tiếp nhận nhiệm vụ ủy quyền thành lập chính phủ với tinh thần trách nhiệm vì Bulgaria cần sự ổn định".

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, bà Gabriel sẽ tiếp quản vị trí Thủ tướng sau khi ông Denkov đảm nhận vị trí này trong 9 tháng. (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Căng thẳng leo thang giữa Afghanistan và Pakistan: Ngày 18/3, chính quyền do Taliban lập nên tại Afghanistan tuyên bố đã tiến hành bắn vũ khí hạng nặng nhằm vào các binh sĩ Pakistan ở khu vực dọc theo biên giới hai nước nhằm trả đũa 2 cuộc không kích của Islamabad khiến 5 phụ nữ và 3 trẻ em thiệt mạng.

Taliban tuyên bố, Afghanistan không cho phép việc sử dụng lãnh thổ nước này nhằm mục đích gây tổn hại an ninh quốc gia.

Trước đó cùng ngày, Islamabad tiến hành không kích nhắm vào các vị trí nghi là nơi ẩn náu của nhóm Taliban ở Pakistan (TTP) bên trong lãnh thổ Afghanistan, tại các tỉnh Khost và Paktika. (AFP)

Malaysia tái khẳng định quan điểm về mối quan hệ với các cường quốc

* Triều Tiên phóng các tên lửa đạn đạo về vùng biển phía Đông nước này, vào lúc 5h44 và 6h21 ngày 18/3 (giờ Việt Nam). Mỗi tên lửa đã bay 350 km ở độ cao tối đa khoảng 50 km.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng Mỹ đã lên tiếng phản đối các vụ phòng này. (Kyodo)

* Hàn-Mỹ tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên: Ngày 18/3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken có cuộc hội đàm tại Seoul, trong đó, hai quan chức tái khẳng định cam kết chung về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên.

Hai bên tuyên bố “những hành động của Triều Tiên sẽ chỉ càng tăng cường sự phối hợp giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng như với cộng đồng quốc tế”. (Yonhap)

* Malaysia khẳng định chính sách đối ngoại: Ngày 18/3, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư có lợi cho quốc gia mà không can thiệp vào tình hình địa chính trị của bất kỳ nước nào, bởi Malaysia là "quốc gia nhỏ mong muốn phát triển và ưu tiên phúc lợi của người dân".

Ông Ibrahim nhấn mạnh, đầu tư tích lũy từ Mỹ vẫn là số một và Malaysia không có vấn đề gì với các nhà đầu tư Mỹ. Bên cạnh đó, Malaysia cũng không muốn khơi dậy các vấn đề với Trung Quốc mặc dù có thể có những khác biệt nhỏ về quan điểm, nhưng những vấn đề như vậy vẫn được thảo luận một cách thân thiện.

Ông chia sẻ thêm, "vì vậy, khi tôi được hỏi về vấn đề bài Trung Quốc, câu trả lời của tôi là không có lý do gì để thù địch và chống lại bất kỳ ai cả". (Bernama)

* Trung Quốc muốn tăng cường đối thoại chiến lược với New Zealand về các vấn đề quốc tế và khu vực trước tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, theo cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng giữa hai nước ngày 18/3.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp New Zealand Winston Peters kể từ khi quốc gia châu Đại Dương thành lập chính phủ vào tháng 10/2023.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Peters đánh giá cuộc gặp là “cơ hội để đánh giá về những thách thức và cơ hội đang ở trước mắt chúng ta”. (AP)

Trung Đông-châu Phi

* Israel sẽ đề xuất ngừng bắn 6 tuần, đổi lấy 40 con tin, theo nguồn tin từ giới chức Israel được Reuters dẫn lời.

Cụ thể, Israel sẽ cử phái đoàn đàm phán tới Doha (Qatar) mang theo đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn trên và khả năng cuộc đàm phán sẽ kéo dài ít nhất 2 tuần, do khó khăn trong tiếp xúc với đại diện của Hamas. (Reuters)

* EU cáo buộc Israel gây ra nạn đói ở Dải Gaza và lợi dụng vấn đề này làm vũ khí trong xung đột.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị về viện trợ nhân đạo cho Gaza ở Brussels (Bỉ), Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Joseph Borrell nêu rõ: “Ở Gaza, chúng ta không còn ở bên bờ vực nạn đói nữa, chúng ta đang trong nạn đói, ảnh hưởng đến hàng nghìn người. Tình trạng này là không thể chấp nhận được”. (Reuters)

* Liên hợp quốc (LHQ) quan ngại về tình hình Syria: Ngày 17/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen nêu bật những thách thức của quốc gia Trung Đông này liên quan an ninh, kinh tế và tiến trình chính trị.

Nhấn mạnh tình hình ở Syria hiện nay cực kỳ khó khăn khi nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng, trong bối cảnh các nguồn tài trợ giảm sút, ông Pedersen khẳng định, LHQ sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng nguồn tài trợ cho Syria nhằm giúp nước này giải quyết những thách thức.

Đề cập tình hình leo thang gần đây giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập, ông Pedersen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận giữa hai bên, nhằm “mang lại hy vọng cho người dân Syria”. (The New Arab)

* Hội đồng Tổng thống Libya ủng hộ vai trò của LHQ nhằm thúc đẩy bầu cử: Ngày 17/3, Phó Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Abdullah Al-Lafi đã có cuộc gặp Đặc phái viên của LHQ kiêm người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại nước này (UNSMIL) Abdoulaye Bathily.

Hai bên cũng trao đổi về tình trạng bế tắc chính trị hiện nay và những nỗ lực triệu tập một hội nghị quốc gia quy tụ sự tham gia của tất cả các phe phái ở Libya, nhằm thúc đẩy một lộ trình chính trị.

Về phần mình, ông Bathily nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với Hội đồng Tổng thống Libya, nhằm đạt được sự hòa giải dân tộc ở quốc gia này. (THX)

Châu Mỹ

* Chính phủ Haiti gia hạn lệnh giới nghiêm ở khu vực phía Tây thủ đô Port-au-Prince đến ngày 20/3. Khu vực này vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 3/4.

Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 19h-5h và không ảnh hưởng đến các thành viên của lực lượng công đang làm nhiệm vụ như lính cứu hỏa, tài xế xe cứu thương, nhân viên y tế và nhà báo được cấp phép.

Thông báo do Bộ trưởng Tài chính Michel Patrick Boisvert, người đang giữ chức Thủ tướng lâm thời của Haiti trong khi Thủ tướng Ariel Henry vắng mặt, ký ngày 17/3, nhấn mạnh rằng, các cuộc biểu tình bị cấm cả ngày lẫn đêm trong khu vực nêu trên. (Laprensa Latina)

* Cuba yêu cầu Mỹ không can thiệp nội bộ: Ngày 18/3, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla yêu cầu chính phủ Mỹ và đại sứ quán nước này tại Havana không can thiệp công việc nội bộ của Cuba cũng như kích động gây mất trật tự xã hội.

Trong thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Rodríguez Parrilla khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm “trực tiếp và tàn khốc” trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Cuba, bởi các biện pháp bao vây cấm vận về kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ đơn phương áp đặt kể từ năm 1962.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-183-tong-thong-putin-tai-dac-cu-tinh-ngay-van-de-o-ukraine-afghanistan-pakistan-cang-nhau-trieu-tien-phong-ten-lua-dan-dao-264604.html