Tin thế giới 14/6: Ukraine nói Nga tấn công hạ tầng dân sự, Đức công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới

Tổng thống Belarus dự đoán về Ukraine, Trung Quốc-Palestine thiết lập quan hệ đối tác chiến lược… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Ukraine cho biết Nga vừa tấn công tên lửa vào Odessa. (Nguồn: AP)

Ukraine cho biết Nga vừa tấn công tên lửa vào Odessa. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine: Nga tấn công tên lửa vào hạ tầng dân sự: Ngày 14/6, viết trên Telegram, người phát ngôn của chính quyền quân sự khu vực Serhiy Bratchuk cho hay Nga đã phóng 4 tên lửa Kalibr từ một con tàu ở Biển Đen vào các tòa nhà dân sự ở Odessa, miền Nam Ukraine. Quân đội Ukraine cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 13 người bị thương. Trước đó, ngày 13/6, một cuộc tấn công khác bằng tên lửa vào Kryvyi Rih, thành phố miền Trung và quê nhà của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

Odessa từng là điểm đến nghỉ dưỡng của nhiều người Ukraine và Nga. Tuy nhiên, từ khi xung đột bắt đầu, khu vực này đã nhiều lần bị ném bom. (AFP/Reuters)

* Ukraine thông báo những tiến triển nhỏ trong chiến dịch phản công: Ngày 14/6, viết trên Telegram, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các hoạt động của Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã thành công “một phần”. Quan chức này nói: “Quân đội chúng tôi đang tiến lên trong bối cảnh giao tranh cực kỳ ác liệt, cũng như ưu thế về không quân và pháo binh của đối thủ”.

Bà cho biết hiện giao tranh vẫn tiếp diễn gần làng Makarivka theo hướng thành phố cảng Berdyansk ở miền Nam. Đụng độ cũng đang diễn ra ác liệt ở các khu vực Novodanylivka và Novopokrovsk theo hướng thành phố Mariupol. (Reuters)

* Nga: Mỹ lún sâu vào khủng hoảng Ukraine: Ngày 14/6, trang Telegram của Đại sứ quán Nga tại Mỹ dẫn lời Đại sứ Anatoly Antonov nêu rõ: “Mỹ ngày càng lún sâu vào vực thẳm khủng hoảng Ukraine. Các chiến lược gia Mỹ không hiểu rằng không có số lượng vũ khí hay bất cứ sự tham gia nào của lính đánh thuê nào, có thể xoay chuyển tình thế trong hoạt động quân sự đặc biệt (của Nga)”.

Trước đó, Mỹ đã công bố gói viện trợ trị giá 325 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không và phương tiện quân sự được công bố đúng lúc Kiev lên kế hoạch phản công. (Reuters)

* Tổng thống Belarus: Xung đột ở Ukraine sắp kết thúc: Ngày 14/6, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Rossiya-1 (Nga), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói: “Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc. Có những điều kiện tiên quyết tuyệt vời cho việc này. Tuy nhiên sau đó, phương Tây tạo ra quá nhiều vấn đề. Nếu như họ vượt qua lằn ranh này, điều đó sẽ khiến họ tổn hại rất nhiều”.

Theo ông, Belarus sẽ can dự vào tình hình Ukraine nếu bị Kiev gây hấn. Lằn ranh đỏ nhà lãnh đạo này đề cập là một cuộc tấn công tổng lực vào Minsk. (Sputnik)

* Châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc về Ukraine: Ngày 14/6, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy cho biết trong chuyến thăm của Đặc phái viên Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu Lý Huy, châu Âu đã đánh giá tích cực các nỗ lực của Trung Quốc về vấn đề Ukraine.

Ông nói: “Các bên đã đánh giá tích cực nỗ lực của Trung Quốc và tuyên bố họ mong muốn hòa bình chứ không phải xung đột. Họ cũng ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực gìn giữ hòa bình của Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò tích cực trong vấn đề này”.

Trước đó, từ ngày 15-28/5, ông Lý Huy đã thăm Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức, trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Nga, đồng thời tổ chức các cuộc tham vấn chi tiết với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. (Sputnik)

Đông Nam Á

* Indonesia sớm công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu: Thông cáo báo chí ngày 14/6 sau cuộc họp giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan cho biết, nước này sẽ sớm công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu vào cuối tháng.

Theo ông Widodo, Jakarta tiếp tục hoàn thiện các quy trình thủ tục cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác trước khi tiến trình chuyển đổi nêu trên được công bố vào cuối tháng này. Trước đó, chính phủ Indonesia đã tham vấn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, về kế hoạch tuyên bố dịch Covid-19 là bệnh đặc hữu trong năm 2023. (TTXVN)

Nam Thái Bình Dương

* New Zealand nghiên cứu quan hệ đối tác mới với NATO: Ngày 14/6, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết nước này đang đàm phán thiết lập một kiểu quan hệ đối tác mới với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo đó, NATO đang chuyển tất cả các thỏa thuận hợp tác sang một mô hình mới gọi là Chương trình Đối tác được thiết kế riêng (ITPP) và New Zealand hiện đang nghiên cứu chi tiết. Bà nêu rõ: “ITPP của chúng tôi sẽ ghi nhận các lĩnh vực cùng có lợi lâu dài giữa New Zealand, NATO và các cơ hội có thể hợp tác khác”.

New Zealand là đối tác của NATO từ năm 2012 song không phải là thành viên của tổ chức này. Tuyên bố của NATO tháng Hai vừa qua cho biết, New Zealand và NATO đang tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh chung. (Reuters)

Nam Á

* Nga muốn mở rộng quan hệ với Pakistan: Ngày 13/6, trong video kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Moscow và Islamabad, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, xứ sở bạch dương coi Pakistan là “đối tác quốc tế quan trọng trong nỗ lực chung chống các thách thức và mối đe dọa an ninh chung, bao gồm tội phạm xuyên biên giới và khủng bố”.

Ông cũng nêu rõ: “Chúng tôi biết về sự quan tâm và tôn trọng to lớn mà nhân dân Pakistan dành cho Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Chúng tôi đánh giá rất cao tình cảm đó”.

Ngoài ra, nhà ngoại giao này khẳng định, Nga sẵn sàng hợp tác để gắn kết hơn nữa với đất nước, nhân dân Pakistan, tăng cường quan hệ cùng có lợi trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, giáo dục, văn hóa, nhân đạo và lĩnh vực khác.

Trước đó, lô hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga đã đến Karachi hôm 11/6 sau khi hai bên ký kết thỏa thuận hồi tháng Tư vừa qua. Ngày 12/6, Pakistan đã bắt đầu vận chuyển số dầu này đến một nhà máy lọc dầu ở Karachi, hướng tới hỗ trợ người dân đang gánh chịu ảnh hưởng từ tình trạng lạm phát tăng vọt. (PTI)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc, Palestine thiết lập quan hệ đối tác chiến lược: Ngày 14/6, hội đàm ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược.

Nhà lãnh đạo nước chủ nhà nêu rõ hai bên đã ký một loạt văn kiện hợp tác song phương, trong đó có thỏa thuận hợp tác về kinh tế và công nghệ. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy cuộc thương lượng về thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cho hay Trung Quốc ủng hộ Palestine trở thành thành viên của Liên hợp quốc cũng như sẽ tiếp tục đứng về phía Palestine tại các diễn đàn đa phương. Đồng thời, Bắc Kinh khẳng định luôn sẵn sàng nắm bắt cơ hội thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với phía Palestine trong mọi lĩnh vực.

Về vấn đề Palestine, ông Tập Cận Bình cho rằng giải pháp cơ bản là thiết lập một Nhà nước độc lập trên cơ sở đường biên giới năm 1967, lấy Đông Jerusalem làm thủ đô. Đồng thời, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực, giúp nhà nước Palestine giành được sự công nhận của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy hòa đàm. (Reuters/Tân Hoa xã)

Châu Âu

* Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg khai mạc tại Nga: Ngày 14/6, Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 đã khai mạc tại trung tâm triển lãm Expoforum ở thành phố lớn cùng tên của Nga. Báo chí cho biết hơn 17.000 người từ khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận tham gia SPIEF. Chủ đề của SPIEF năm nay là “Sự phát triển có chủ quyền là nền tảng của một thế giới công bằng: Hợp lực vì các thế hệ tương lai”.

Các đại biểu từ Nga và các nước sẽ thảo luận về sự phát triển của nền kinh tế Nga dưới các lệnh trừng phạt, chủ quyền công nghệ của nước này, các ưu tiên trong chính sách xã hội và các vấn đề kinh tế thế giới. Ngoài ra, Nga cũng sẽ tổ chức một số cuộc đối thoại kinh doanh song phương liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ấn Độ và Brazil. (Tân Hoa xã)

* EU hạn chế tài trợ cho Kosovo: Ngày 14/6, người phát ngôn của EU về đối ngoại Peter Stano cho biết: “Ngày 13/6, các thành viên EU ngày 13/6 đã ủng hộ một loạt biện pháp liên quan đến Kosovo. Chúng tôi vẫn mong đợi nhà lãnh đạo (Kosovo) Albin Kurti có các bước cần thiết để lập tức giảm leo thang căng thẳng. Gói biện pháp này sẽ dẫn đến các hậu quả về tài chính và chính trị bắt đầu bằng việc đình chỉ các chuyến thăm và liên lạc cấp cao, cùng các sự kiện, cũng như hoạt động hợp tác tài chính của chúng tôi với Kosovo”. (Sputnik)

* Đức: Trung Quốc hành động “đi ngược lại lợi ích của chúng tôi: Ngày 14/6, Berlin đã công bố bản Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên. Tài liệu này nêu rõ: “Trung Quốc đang cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để sắp xếp lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện có, đang khẳng định vị trí thống trị khu vực với sức mạnh hơn bao giờ hết, hành động hết lần này đến lần khác đi ngược lại lợi ích và giá trị của chúng ta”. Văn bản chiến lược này cũng chỉ trích Trung Quốc vì đã đặt sự ổn định khu vực và an ninh quốc tế “dưới áp lực ngày càng tăng”.

Tuy vậy, tài liệu trên thừa nhận rằng, cường quốc châu Á “vẫn là một đối tác mà nếu thiếu, nhiều thách thức và khủng hoảng toàn cầu sẽ không được giải quyết”. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

* Thổ Nhĩ Kỳ: Quân đội vô hiệu hóa53 binh lính người Kurd ở Syria: Ngày 14/6, Bộ Quốc phòng của nước này đã “vô hiệu hóa” 53 binh lính người Kurd ở miền Bắc Syria. Theo đó, các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng pháo mặt đất và máy bay không người lái để trả đũa sau cuộc tấn công của lực lượng người Kurd vào một đồn cảnh sát ở biên giới phía Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần vừa qua. Các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào nơi ẩn náu của binh lính người Kurd ở khu vực Manbij và Tal Rifaat. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thường sử dụng khái niệm “vô hiệu hóa” để chỉ việc hạ gục hoặc làm bị thương binh sĩ của phe đối địch.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công quân sự vào Syria chống lại Lực lượng dân quân người Kurd (YPG). Ankara coi đây là một bộ phận của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ngoài vòng pháp luật, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu đều coi là một tổ chức khủng bố. Hiện Mỹ đã liên minh với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), dẫn đầu là YPG, trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria, gây ra rạn nứt sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)

* Saudi Arabia nêu điều kiện bình thường hóa quan hệ với Israel: Ngày 13/6, người phát ngôn Đại sứ quán Saudi Arabia tại Fahad Nazer tuyên bố Riyadh sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel cho đến khi một nhà nước Palestine được thành lập. Quan chức này cũng nhấn mạnh lập trường của Saudi Arabia về quan hệ giữa Israel-Palestine trong nhiều năm qua luôn rõ ràng và nhất quán.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia. Trước đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan, cũng khẳng định việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ phụ thuộc vào giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine. (Times of Israel)

* Thủ tướng Israel: Mỹ muốn ký thỏa thuận hạt nhân nhỏvới Iran: Ngày 13/6, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhận định Mỹ quyết tâm đạt một thỏa thuận không chính thức để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông, đây là một “thỏa thuận nhỏ” hoặc “bản ghi nhớ”, chứ không phải là một thỏa thuận chính thức được lập thành văn bản.

Một số nguồn tin cho biết theo thỏa thuận Mỹ và Iran đã đàm phán những tuần gần đây thông qua Oman, Tehran sẽ hạn chế làm giàu hạt nhân ở mức 60%. Đổi lại, Mỹ phải miễn trừ các lệnh trừng phạt, cho phép Iraq trả Iran khoản nợ hơn 10 tỷ USD; Hàn Quốc thanh toán 7 tỷ USD cho việc nhập khẩu dầu mỏ của Iran. Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran đã lên tiếng bác bỏ thỏa thuận như vậy. (Times of Israel)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-146-ukraine-noi-nga-tan-cong-ha-tang-dan-su-duc-cong-bo-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-moi-230981.html