Tin thế giới 13/3: Khi nào Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân? Ba nước châu Âu họp thượng đỉnh khẩn; Trung Quốc-NATO đối thoại quân sự

Mỹ viện trợ bổ sung cho Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tự hào về kho vũ khí hạt nhân, ba nước Ba Lan-Pháp-Đức họp thượng đỉnh khẩn cấp, Trung Quốc-NATO đối thoại quân sự lần thứ 8, xung đột ở Gaza... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc phỏng vấn ở Moscow, ngày 12/3. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Ukraine tăng mạnh quân số biên phòng từ 53.000 lên 60.000 người, theo thông báo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Zelensky ghi nhận công lao của lực lượng biên phòng các tỉnh Sumi, Chernihiv và Kharkov trong những ngày gần đây đã đẩy lùi lực lượng tấn công của Nga và củng cố biên giới.

Ông đặc biệt cảm ơn lực lượng biên phòng chiến đấu, phản ứng nhanh, các lữ đoàn "Trả thù" và "Biên giới thép", cũng như đơn vị đặc nhiệm DOZOR vì đã thể hiện tốt trong những tuần qua. (UNN)

* Mỹ công bố gói viện trợ bổ sung 300 triệu USD cho Ukraine vào ngày 12/3, bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp và nhiều loại vũ khí, khí tài khác.

Nguồn tài trợ mới có được nhờ Lầu Năm Góc tiết kiệm từ các hợp đồng vũ khí, khi mua được với chi phí rẻ hơn do đàm phán với nhà cung cấp.

Cùng ngày, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rustem Umerov đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.

Trên kênh Telegram, ông Syrskyi nêu rõ, hai bên đã thảo luận những nhu cầu cấp thiết và trung hạn về vũ khí của Ukraine, trong đó Kiev nhấn mạnh ưu tiên chủ chốt là đạn dược và phòng không. (Reuters)

* Lãnh đạo Pháp, Đức và Ba Lan họp khẩn về Ukraine tại Berlin vào ngày 15/3, theo thông báo của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Ông Tusk cho biết, đây là cuộc gặp thượng đỉnh “khẩn cấp và không có kế hoạch” theo hình thức “Tam giác Weimar” - định dạng hợp tác Pháp, Đức và Ba Lan được thành lập năm 1991.

Theo ông Tusk, ba nước này có nhiệm vụ huy động toàn bộ châu Âu cung cấp viện trợ cho Ukraine. (TVP)

Châu Âu

* Tổng thống Putin tự hào về kho vũ khí hạt nhân Nga: Ngày 13/3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, bộ ba hạt nhân của Nga - kho vũ khí ba mũi nhọn được phóng từ đất liền, trên biển và trên không - "hiện đại hơn bất kỳ bộ ba nào khác. Chỉ có Moscow và Washington mới thực sự có. Và chúng ta đã tiến bộ hơn nhiều".

Khi được hỏi có từng cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không, Tổng thống Putin trả lời rằng điều đó không cần thiết, đồng thời lưu ý rằng, ông không nghĩ thế giới đang hướng tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cảnh báo, dựa trên học thuyết an ninh của đất nước, "Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước Nga, chủ quyền và độc lập của chúng ta”.

Ngoài ra, Tổng thống Nga khẳng định, việc phương Tây gửi quân tới Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường, thậm chí cả việc cung cấp vũ khí "cũng không thay đổi được gì cả". (AP, AFP)

* Nga cảnh báo khả năng điều quân tới biên giới Phần Lan: Ngày 13/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "một bước đi vô nghĩa", xét từ quan điểm đảm bảo lợi ích quốc gia của hai nước Bắc Âu này.

Bên cạnh đó, ông Putin nhấn mạnh, Nga không có quân đội và hệ thống vũ khí hủy diệt ở biên giới Phần Lan, song bây giờ quân đội sẽ ở đó và vũ khí hủy diệt sẽ xuất hiện.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay, phản ứng của Moscow trước việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ phụ thuộc vào những bước đi thực tế mà Stockholm thực hiện để thể hiện tư cách thành viên của tổ chức này. (Reuters, TASS)

* Đan Mạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 5,9 tỷ USD trong 5 năm tới, theo kế hoạch mà chính phủ nước này đưa ra. Số tiền này sẽ bổ sung cho khoản 22,72 tỷ USD Đan Mạch đã cam kết trong năm 2023 để đầu tư cho quốc phòng trong 10 năm tới.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định, nước này "sẽ không tái vũ trang vì mục đích chiến tranh, hủy diệt hay đau khổ, mà đang làm điều đó ngay lúc này để tránh chiến tranh và vì một thế giới trong đó trật tự quốc tế đang bị thách thức". (Reuters)

* EU thúc đẩy đàm phán gia nhập cho Bosnia & Herzegovina, theo lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Bà von der Leyen nhấn mạnh, Bosnia & Herzegovina vẫn cần phải đạt được tiến bộ hơn nữa để gia nhập EU, nhưng họ "đang chứng tỏ có thể đáp ứng các tiêu chí thành viên và đáp ứng nguyện vọng của người dân trở thành một phần của gia đình EU". (EC)

* Ba Lan mua hơn 1.700 tên lửa của Mỹ: Ngày 12/3, nhân chuyến thăm chính thức Washington của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt đề xuất bán cho Warsaw hàng nghìn tên lửa.

Cụ thể, Mỹ sẽ bán 821 tên lửa đất đối không AGM-158B JASSM có tầm bắn gần 1.000 km với tổng trị giá 1,77 tỉ USD, 745 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C trị giá 425 triệu USD và 232 tên lửa chiến thuật không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder Block II trị giá 54,75 triệu USD.

Các gói cung cấp ba loại tên lửa nêu trên cũng bao gồm cả các thiết bị bổ sung liên quan tên lửa và việc hỗ trợ hậu cần. (Anadolu)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Phái đoàn quân đội Trung Quốc thăm Maldives, Sri Lanka và Nepal từ ngày 4-13/3 và tổ chức các cuộc gặp với Tổng thống Maldives và bộ quốc phòng ba nước.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, phái đoàn hợp tác quân sự quốc tế của quân đội nước này đã có các cuộc thảo luận sâu về hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhiều đồng thuận, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. (Reuters)

* Trung Quốc đối thoại quân sự với NATO lần thứ 8 về chính sách an ninh tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 13/3, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Theo tuyên bố, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng giữa Trung Quốc và NATO, cũng như tình hình quốc tế và khu vực. (Reuters)

* Hàn Quốc nhấn mạnh việc huấn luyện để vô hiệu hóa mối đe dọa từ Triều Tiên: Ngày 13/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik kêu gọi quân đội làm chủ các hệ thống vận hành để vô hiệu hóa mạng lưới hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Lời kêu gọi được đưa ra trong chuyến thăm tới Bộ chỉ huy ở Seongnam, phía Nam Seoul, trong bối cảnh tập trận Hàn-Mỹ mang tên Lá chắn Tự do đang diễn ra.

Ông Shin Won-sik cũng kêu gọi quân đội "tăng cường khả năng tác chiến lên cấp độ tiếp theo để áp đảo đối phương trên mọi lĩnh vực". (Yonhap)

* Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí, chiếm 9,8% doanh số bán vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2019-2023, giảm nhẹ so với 11% ở giai đoạn 2018-2022, theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nga tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ - chiếm 36% lượng nhập khẩu vũ khí của New Delhi, tiếp theo là Pháp (33%), Mỹ (13%), Saudi Arabia (8,4%), Qatar (7,6%), Ukraine (4,9%), Pakistan (4,3%), Nhật Bản (4,1%), Ai Cập (4%), Australia ( 3,7%), Hàn Quốc (3,1%) và Trung Quốc (2,9%).

Báo cáo chỉ ra rằng Pakistan chứng kiến nhập khẩu vũ khí tăng 43% trong giai đoạn 2019-2023 và 82% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan có nguồn gốc từ Trung Quốc. (SIPRI)

* IAEA tiếp tục giám sát việc xả thải tại Fukushima (Nhật Bản), theo lời Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi .

Theo ông Grossi, việc xả thải chỉ là giai đoạn đầu của một quá trình lâu dài cần nhiều nỗ lực, đồng thời nhấn mạnh vai trò của IAEA với tư cách là bên giám sát độc lập.

Ông cũng tái khẳng định lập trường của tổ chức về việc duy trì thận trọng trong suốt quá trình này. (Kyodo)

Trung Đông-châu Phi

* Israel tung cảnh sát đến Jerusalem, quyết tâm tiêu diệt Hamas: Ngày 12/3, cảnh sát Israel cho biết sẽ triển khai hàng nghìn sĩ quan của lực lượng này dọc theo khu phố cổ Jerusalem trong ngày cầu nguyện thứ 6 đầu tiên của tháng lễ Ramadan, ngày 15/3, tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng sẽ tiến hành tấn công tại Rafah, một thành phố lớn gần biên giới Gaza và Ai Cập, để "tiêu diệt các tiểu đoàn Hamas còn lại".

Nhà lãnh đạo khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas, giải phóng con tin và đảm bảo rằng Gaza sẽ không bao giờ gây ra mối đe dọa cho Israel nữa". (RT, Times of Israel)

* Hamas chấp thuận đề xuất sửa đổi của Mỹ về lệnh ngừng bắn ở Gaza, theo lời một quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas.

Đại diện của Hamas dự kiến sẽ tới thủ đô Cairo của Ai Cập trong những ngày tới, để thảo luận về các chi tiết cuối cùng và việc thực hiện thỏa thuận. (Al Arabiya)

* Tàu quân sự Hy Lạp bắn 2 UAV ở Biển Đỏ và đẩy lùi 2 máy bay này trong ngày 12/3, theo lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hy Lạp. Tàu quân sự của Hy Lạp hiện phục vụ trong sứ mệnh hải quân của EU ở Biển Đỏ, được đặt tên là Aspides.

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, lực lượng Houthi đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm gần từ các khu vực do phong trào này kiểm soát ở Yemen về phía tàu chiến USS Laboon ở Biển Đỏ, song không trúng tàu và không gây ra thương vong hay thiệt hại nào. (Reuters)

* Liên minh châu Phi (AU) tái khẳng định cam kết thực hiện thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hai năm ở miền Bắc Ethiopia.

Lời khẳng định được đưa ra trong cuộc họp đánh giá chiến lược đầu tiên về việc thực hiện Thỏa thuận chấm dứt thù địch vĩnh viễn (COHA) tại Ethiopia vào ngày 11/3. Cuộc họp do Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat triệu tập. (THX)

* Tổng thống Angola João Lourenço thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 15-17/3, dự kiến sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Chương trình nghị sự của chuyến đi bao gồm các cuộc gặp giữa Tổng thống João Lourenço với các lãnh đạo nước chủ nhà gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường và với Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Angola sẽ ký kết các văn kiện pháp lý mới nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc. (Angola Press)

Châu Mỹ

* Khủng hoảng ở Haiti: Tình trạng bạo lực băng nhóm tội phạm tiếp diễn ở Haiti, trong bối cảnh nước này chưa thể sớm thành lập được Hội đồng chuyển tiếp đại diện cho nhiều thành phần khác nhau của xã hội để bổ nhiệm một thủ tướng lâm thời và thành lập hội đồng bầu cử lâm thời, sau khi Thủ tướng Ariel Henry từ chức.

Mỹ hối thúc Haiti thành lập Hội đồng chuyển tiếp trong khoảng từ 24-48 giờ tới và hội đồng này sẽ đồng ý bổ nhiệm Thủ tướng mới.

Trong khi đó, Kenya tuyên bố hoãn triển khai 1.000 cảnh sát đến hỗ trợ Haiti do lo ngại thiếu vắng lãnh đạo quốc gia.

Giữa lúc dư luận đang mong chờ một Sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia để lập lại trật tự ở quốc gia Caribbean này, chính phủ Mexico tuyên bố, Haiti cần một giải pháp lâu dài, không cần sự can thiệp bên ngoài ngoại trừ sự hỗ trợ mang tính xây dựng từ cộng đồng quốc tế.

* Bầu cử Mỹ 2024: Sáng 13/3 (giờ Việt Nam), cả hai ứng cử viên tiềm năng của hai đảng Công hòa và Dân chủ lần lượt là ông Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden đều đã đủ số phiếu cần thiết để giành đề cử đại diện đảng tham gia cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, ông Trump và ông Biden sẽ một lần nữa đối đầu nhau sau 4 năm.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-133-khi-nao-nga-san-sang-dung-vu-khi-hat-nhan-ba-nuoc-chau-au-hop-thuong-dinh-khan-trung-quoc-nato-doi-thoai-quan-su-264058.html