Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - nguồn cội sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Du khách tham quan Ðền Hùng. Ảnh: MINH NGUYỆT

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước, tạo lập ra quốc gia, dân tộc; biểu hiện của lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước, trở thành nguồn cội sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Từ huyền thoại đến tín ngưỡng

Huyền thoại nổi tiếng Lạc Long Quân - Âu Cơ là một bản anh hùng ca mở nước, mở đất và bản tình ca bất hủ về sự sinh thành ra con cháu đất Việt. Sự gặp gỡ của chàng Lạc Long Quân, nàng Âu Cơ diễn ra ở vùng ngã ba Hạc huyền thoại, nơi tụ thủy của ba dòng sông lớn: sông Hồng - sông Lô - sông Đà (tỉnh Phú Thọ). Đó cũng là nơi tụ nhân, tụ thủy, khởi nguyên của một sự linh diệu: sự xuất hiện con người và cũng là sự khởi nguồn nền văn minh của người Việt cổ. Vùng lưu vực ngã ba sông Bạch Hạc còn là nơi chia tay có hẹn ước của Lạc Long Quân - Âu Cơ và là một huyền thoại đặc sắc trong các huyền thoại thời dựng nước. Lạc Long Quân đem 50 người con xuống biển, Âu Cơ đem 49 người con lên núi để lại người con trưởng làm vua đóng đô trên đất Phong Châu. Đó cũng là một huyền thoại mở đầu cho 18 đời cha truyền con nối đều gọi là Hùng Vương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được lắng đọng trong dân gian truyền miệng qua nhiều thế hệ trước để đến thời Lý, thời Trần vụt sáng, được ghi lại trong Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền soạn năm 980; Lĩnh Nam trích quái thế kỷ XIII (thời Trần); nhà Lê thế kỷ XV soạn Hùng đồ thập bát diệp thanh vương ngọc phả cổ truyền. Ngọc phả chép: Thục Phán dựng cột đá thề đời đời hương khói Vua Hùng…

Theo dòng sử học, nhà Nguyễn Gia Long tháng 11 năm Gia Long thứ 2 (1803) lập miếu thờ Lịch đại đế vương tại Huế. Giỗ Tổ năm 1946, Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Huỳnh Thúc Kháng về cáo Tổ, mang theo một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm khẳng định quyết tâm giữ nước. Năm 1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ kính cáo tổ tiên tại ngôi đền thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Người căn dặn đoàn quân tiên phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân của con cháu đất Việt đối với các bậc tiền nhân có công dựng nước…

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ dân gian đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, trở thành nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa Việt được kế tục qua mọi thời đại lịch sử, là biểu tượng nguồn cội sức mạnh đại đoàn kết dân tộc duy nhất của Việt Nam.

Nguồn cội sức mạnh

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương về nhà nước mở đầu mạch quốc thống với tư tưởng độc lập (xưng đế). Đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt, xây dựng nhà nước hùng mạnh phương Nam. Trong lịch sử Việt Nam, Đinh Tiên Hoàng xưng đế, sau khi dẹp được 12 sứ quân, ở Việt Nam tư tưởng xưng đế như một dòng chảy theo suốt chiều dài lịch sử, bắt đầu từ nhà nước đầu tiên của các Vua Hùng. Lý Thường Kiệt viết: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt, nhà Trần, nhà Lê vẫn giữ quốc hiệu Đại Nam. Nguyễn Trãi cũng viết trong Bình Ngô đại cáo: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945, đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”…

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa trụ cột trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là thờ vị Vua Tổ - Thánh Tổ Hùng Vương - Tổ của cả dân tộc, mà các nước trong khu vực và trên thế giới không đâu có. Đây là một di sản văn hóa đặc biệt, một di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam được nhân dân ta gìn giữ qua bao thăng trầm lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nguồn cội khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và ý thức độc lập tự chủ. Giá trị nhân văn và ý nghĩa lịch sử tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã vượt thời gian, không gian địa lý Việt Nam, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 12/2012. Đây là di sản đầu tiên ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch, mỗi người dân đất Việt ở trong và ngoài nước; từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam, nhất là những người con sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Tổ sống xa quê luôn nhớ đến câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao như lời nhắc nhở mỗi người dân đất Việt báo đáp công lao của tổ tiên - nguồn cội, và còn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam với lòng thành kính và tự hào về tổ tiên, anh em thuận hòa, đoàn kết cộng đồng tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc hùng mạnh, chống giặc xâm lăng, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền độc lập dân tộc.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/273018/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-nguon-coi-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc.html