Tin ngân hàng ngày 4/11: Ngân hàng Hà Lan muốn cấp gói tín dụng 90 triệu USD cho Lộc Trời

Dư nợ cho vay ngoại tệ ở TP HCM tăng 2,4%; Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn theo cam kết; TCBS đóng hơn 2.900 tỷ đồng tiền thuế năm 2021-2022… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Ngân hàng Hà Lan muốn cấp gói tín dụng 90 triệu USD cho Lộc Trời

Mới đây, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) đã ký kết và trao Ý định thư tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD (hơn 2.100 tỷ đồng) cho CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG).

Khoản tín dụng này được cam kết sử dụng cho hai mục đích ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, tín dụng ngắn hạn dành cho các hạng mục tài trợ vốn liên kết sản xuất lúa gạo bền vững. Tín dụng trung và dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp gồm máy móc, kho chứa tại 10 nhà máy gạo của các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời.

Với nguồn tài trợ 90 triệu USD, Lộc Trời cho biết sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, Lộc Trời ghi nhận 10.249 tỷ đồng doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 17 tỷ đồng, lãi ròng đạt 19 tỷ đồng, giảm lần lượt 92%, 91% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Năm nay, Lộc Trời đặt kế hoạch 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau ba quý, công ty mới thực hiện được 4% mục tiêu đề ra.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 12.181 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 34% lên 2.825 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 1.039 tỷ đồng.

Cuối quý III, tổng nợ vay của Lộc Trời khoảng 7.561 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu (3.070 tỷ đồng), chủ yếu là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 3.070 tỷ đồng, bao gồm 1.215 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Dư nợ cho vay ngoại tệ ở TP HCM tăng 2,4%

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, dư nợ cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng tăng 2,4% so với cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các lĩnh vực kinh doanh là động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được tạo điều kiện tiếp cận với lãi suất cho vay VND và cho vay ngoại tệ.

Mặc dù dư nợ cho vay ngoại tệ tăng, nhưng xét theo giá trị tuyệt đối quy đổi dư nợ cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở TP HCM cũng chỉ đạt 172.000 tỷ đồng so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn hơn 3,3 triệu tỷ đồng trên địa bàn.

Theo quy định hiện hành, cho vay ngoại tệ là một loại hình kinh doanh có điều kiện, ngoài các mặt hàng nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước theo danh mục của nhà nước, các nhà xuất khẩu vay vốn bằng ngoại tệ phải chứng minh được nguồn ngoại tệ thu được bán lại cho ngân hàng mới được sử dụng ngoại tệ tiền vay.

Cũng theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP HCM, tính đến hết tháng 10/2023, khoảng 63% dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có lãi suất phổ biến dưới 9,75%/năm, khoảng 37% dư nợ cho vay lãi suất 10,53%/năm - chủ yếu nằm ở những khoản dư nợ cho vay trung dài, hạn.

Đại diện NHNN thành phố nhìn nhận, kết quả này là hiệu quả tích cực từ cơ chế chính sách lãi suất, tín dụng của NHNN Việt Nam từ đầu năm đến nay và sự đồng hành chia sẻ của các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp thời gian qua.

Ngoài ra, TP HCM cũng có gần 35.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã được ngân hàng cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ xấu hơn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, từ đó tạo điều kiện ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh vượt qua khó khăn.

Chính sách cho phép các tổ chức tín dụng lùi thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp khó khăn hiện vẫn đang thực hiện và sẽ kéo dài đến hết 30/6/2024.

Yêu cầu doanh nghiệp thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn theo cam kết

Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với khối lượng 180.400 tỉ đồng, giảm 45,1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 10/2023, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỉ đồng, tăng 17.000 tỉ đồng so với tháng 9.

Khối lượng mua lại TPDN phát hành riêng lẻ trước hạn là 190.700 tỉ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14.200 tỉ đồng. Khối lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn năm 3 tháng cuối năm 2023 là 61.600 tỉ đồng.

Trước đó, Bộ Tài chính đã một lần nữa khuyến nghị các nhà đầu tư cho quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhà đầu tư cần lưu ý TPDN riêng lẻ là sản phẩm tài chính mà theo quy định của pháp luật chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khi mua và giao dịch TPDN phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro khi mua trái phiếu và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

TCBS đóng hơn 2.900 tỷ đồng tiền thuế năm 2021-2022

Theo văn bản của Tổng cục Thuế hôm 3/11, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) hoàn tất nộp bổ sung hơn 4,1 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước, nâng tổng tiền thuế đã đóng năm 2021-2022 lên 2.904 tỷ đồng.

TCBS đóng hơn 2.900 tỷ đồng tiền thuế năm 2021-2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

TCBS đóng hơn 2.900 tỷ đồng tiền thuế năm 2021-2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ghi nhận TCBS thuộc Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022.

Hàng năm, Tổng cục Thuế căn cứ số liệu về nộp thuế trên hệ thống thông tin quản lý để thống kê danh sách V1000. Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của các doanh nghiệp V1000 năm 2022 chiếm 58,2% tổng thu ngân sách về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế xác định danh sách xếp hạng V1000 trong năm 2022 dựa trên các tiêu chí bao gồm doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp cũng hướng để mục tiêu số hóa nhằm tối ưu trải nghiệm của khách hàng.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, TCBS triển khai chiến lược số hóa công nghệ tài chính (Wealthtech). Từ ngày 1/1 năm nay, doanh nghiệp triển khai chương trình Zero Fee - miễn phí giao dịch chứng khoán trên nền tảng số TCInvest, đồng thời miễn phí chọn tài khoản số đẹp theo sở thích của khách hàng.

Ngoài ra, đại diện TCBS cho biết sẽ hoàn thành hệ thống tích hợp với KRX trước thời hạn quy định của Ủy ban Chứng khoán tháng 12/2023, mang đến các tính năng mới như có thể thực hiện giao dịch trong ngày.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-411-ngan-hang-ha-lan-muon-cap-goi-tin-dung-90-trieu-usd-cho-loc-troi-698445.html