Tín hữu Tin Lành ở Cà Mau một lòng xây dựng quê hương ấm no hạnh phúc

Với phương châm 'sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc', các tín hữu theo đạo Tin Lành ở tỉnh Cà Mau vươn lên phát triển kinh tế gia đình và kinh tế tập thể, cùng nhau thi đua lao động sản xuất để góp phần xây dựng quê hương ấm no hạnh phúc, trở thành công dân tốt, người có đạo tốt.

Chị Dương Thị Hồng Phương, trú ở ấp Tân Đức, xã Tân Đức thuộc huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) là một tín hữu theo đạo Tin Lành. Chị cũng là một tấm gương điển hình về phụ nữ lao động sản xuất giỏi ở địa phương.

T hợp tác nha đam “ăn nên làm ra”

Cách đây 3 năm, Tổ hợp tác trồng nha đam ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức được thành lập do chị Phương làm tổ trưởng. Tổ hợp tác chọn giống nha đam Việt Nam để trồng, bởi vì so với các giống khác thì cây dễ trồng, dễ chăm sóc, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Tổ hợp tác nha đam ấp Tân Ðứcđang “ăn nên làm ra” với sự góp sức quan trọng của tín hữu Tin Lành.

Nhờ được thị trường ưa chuộng, Tổ hợp tác trồng nha đam Tân Đức không ngừng phát triển ngày càng mở rộng quy mô canh tác. Hơn nữa, Các chị em phụ nữ ở xã Tân Đức đã tận dụng phần đất trống quanh nhà trồng nha đam để bán nhằm góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Đến nay tổ hợp tác đã lên tới 19 thành viên, đa số là các chị em phụ nữ, tín hữu Tin Lành trong ấp. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi hoặc có đơn đặt hàng, các thành viên lại tập hợp tại nhà chị Phương để gọt rửa, sơ chế và sản xuất nha đam thành phẩm.

Số lượng đơn đặt hàng ngày các tăng nên các hộ đều mở rộng diện tích trồng để cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến cho tổ hợp tác. Mỗi ngày tổ hợp tác cung cấp cho thị trường từ 30 – 40kg nha đam thành phẩm. Với giá bán ổn định, việc trồng nha đam đã mang lại cho chị Phương và các thành viên tổ hợp tác nguồn thu nhập khá.

Chị Phương cho biết, sắp tới tổ hợp tác sẽ tiến hành nhân rộng số lượng nha đam, đồng thời thu mua thêm của các hộ dân trong vùng để đảm bảo hoàn thiện các tiêu chí cũng như đáp ứng đơn hàng lớn.

Thương hiệu nha đam Cô Ba Gần của tổ hợp tác này đã được xã Tân Ðức lựa chọn là mô hình tiêu biểu tham gia chương trình OCOP. Nhờ sự sáng tạo mà sản phẩm nha đam Cô Ba Gần của Tổ hợp tác trồng nha đam Tân Đức đã đạt chuẩn 3 sao OCOP của tỉnh Cà Mau vào năm 2021.

Chồng chị Phương là anh Huỳnh Văn Hóa, ngụ ấp Tân Đức, cũng là một tín hữu Tin Lành nhiều năm nay. Với bản chất siêng năng, cần cù, hơn 40 công đất nuôi tôm quảng canh, gia đình anh nhiều năm trúng mùa và có thu nhập ổn định.

Cùng nhau thi đua lao động sản xuất

Anh Huỳnh Văn Hóa cho biết: “Ngày nay, được Nhà nước tạo điều kiện cho người dân tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo, ai cũng vui mừng. Bà con nơi đây luôn thực hiện tốt các điều răn dạy của Chúa, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau thi đua lao động sản xuất, chăn nuôi, để trở thành công dân tốt, người có đạo tốt”.

Nuôi tôm quảng canh giúp cho nhiều tín hữu ở huyện Đầm Dơi có cuộc sống ổn định.

Nuôi tôm quảng canh giúp cho nhiều tín hữu ở huyện Đầm Dơi có cuộc sống ổn định.

Theo nhận định của lãnh đạo UBND xã Tân Đức, nhìn chung đời sống của những người theo đạo Tin Lành trên địa bàn xã Tân Đức ngày càng được nâng lên đáng kể.

Ở xã Tân Đức có Nhà thờ Tân Đức là nơi sinh hoạt thường xuyên của khoảng 100 tín đồ theo đạo Tin Lành trong xã, chủ yếu ở hai ấp Tân Đức và Tân Đức A. Đời sống của người dân theo đạo ở nơi đây ngày càng phát triển, có nhiều tín hữu làm kinh tế có hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, các tín hữu trên địa bàn ấp Tân Đức A không còn hộ nghèo.

Gia đình ông Ngô Văn Lợi, ngụ ấp Tân Đức A là một trong những người theo đạo Tin Lành lâu năm. Gia đình ông có 6 người con đều học hành đến nơi đến chốn và kinh tế gia đình rất ổn định.

Với tinh thần một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, vươn lên phát triển kinh tế gia đình và kinh tế tập thể, các tín đồ theo đạo Tin Lành đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Đức.

Hồi tháng 4/2022, UBND huyện Đầm Dơi đã tổ chức lễ công bố xã Tân Đức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Cách đây 2 năm, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 53,81 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,26% và hộ cận nghèo còn 1,88%. Công tác phát triển sản xuất, đặc biệt là mô hình kinh tế tập thể được xã quan tâm làm tốt.

Trên địa bàn xã hiện có 1 HTX và 5 tổ hợp tác sản xuất, ngoài ra, còn có một số mô hình kinh tế có hiệu quả đang được người dân, các tín hữu Tin Lành thực hiện và nhân rộng.

Sốngkính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc”

Cùng với các tín hữu ở Tân Đức, tính đến nay Cà Mau đã có tổng số tín đồ Tin lành Báp-tít là gần 10.000 người. Những tín hữu bình dị, chất phát ở một tỉnh tận cùng phía Nam của tổ quốc như Cà Mau đã không ngừng phát triển về mọi mặt.

Một nhà thờ Tin Lành ở tỉnh Cà Mau.

Như ở Tp. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có hơn 4.300 người theo đạo Tin Lành. Phần lớn, các tín đồ đều có ý thức “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc” và tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Từ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đồng bào các tôn giáo nói chung, đạo Tin Lành nói riêng ở Tp. Cà Mau trong nhiều năm qua luôn ổn định. Qua đó, tạo được tinh thần phấn khởi trong chức sắc, chức việc và tín đồ đạo theo Tin Lành, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa dân tộc với tôn giáo và giữa các tôn giáo với nhau.

Ở phường 2 (Tp. Cà Mau) là nơi tập trung nhiều tín hữu Tin Lành. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào theo đạo Tin Lành trên địa bàn phường tương đối phát triển. Đa phần chịu khó làm ăn và tích cực xây dựng đời sống văn hóa.

“Hầu hết, bà con không tham gia các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền địa phương. Các chương trình an sinh xã hội và thi đua yêu nước đều có tín đồ theo đạo Tin Lành tham gia”, lãnh đạo của UBND phường 2 cho biết.

Hoặc như ở phường 9 (Tp. Cà Mau) cũng tập trung khá đông tín hữu Tin Lành. Mục sư Võ Hoàng Hà, Quản nhiệm Hội thánh Tin Lành phường 9, cho biết: “Chúng tôi luôn hướng tín đồ theo đạo Tin Lành sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tín đồ chuyên tâm lao động, sản xuất cùng chính quyền địa phương xây dựng đô thị văn minh nơi cư trú.

Có thể nói với phương châm “sống phúc âm”, hàng ngàn tín hữu Tin Lành ở Cà Mau một lòng thờ chúa, phụng sự dân tộc. Tin rằng các chức sắc, chức việc và tín hữu Tin Lành sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa trong lao động sản xuất, hoạt động từ thiện - xã hội, tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no hạnh phúc.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/tin-huu-tin-lanh-o-ca-mau-mot-long-xay-dung-que-huong-am-no-hanh-phuc-1093161.html