Tín hiệu tích cực từ thị trường

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trải qua một năm 2023 đầy khó khăn với việc đơn hàng sụt giảm, phải cắt giảm lao động, giờ làm… Bước sang năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi.TUYỂN THÊM LAO ĐỘNG

Nhà máy Want Want Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) là một những dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa đưa vào hoạt động trong năm 2022. Sau khi đi vào sản xuất giai đoạn 1, hiện nhà máy đã sản xuất bánh gạo, các loại thực phẩm khô, sữa chua, thức uống giải khát…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Want Want Việt Nam.

Ông Trần Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Want Want Việt Nam cho biết, bên cạnh thị trường châu Á, hiện các sản phẩm của nhà máy đã được xuất khẩu đi Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sử dụng khoảng 1.000 lao động, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 600 lao động đang làm việc. Hiện đơn hàng xuất khẩu của nhà máy nhiều nên công ty đang có kế hoạch ký hợp đồng với đơn vị cung ứng lao động để tăng quy mô sản xuất.

Theo đó, nhà máy sẽ đầu tư thêm 4 chuyền để sản xuất thêm các mặt hàng mới theo đơn đặt hàng của đối tác. Dự kiến đến tháng 4-2024, nhà máy sẽ đi vào vận hành sản xuất các chuyền mới này.

Trong năm 2023, các DN trong lĩnh vực may mặc, giày da gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Bước sang năm 2024, tình hình đơn hàng của các DN đã phục hồi. Đầu năm 2024, Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang) đã có đơn hàng cho cả năm. Lãnh đạo công ty cũng như công nhân, lao động rất phấn khởi.

Công nhân yên tâm làm việc hơn, không phải lo tình trạng thiếu đơn hàng hay bị cắt giảm lao động. Bà Lê Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam cho biết, do sang năm mới lượng đơn hàng nhiều hơn năm trước nên sau tết, DN cho công nhân trở lại làm việc sớm.

Cụ thể, công ty cho công nhân nghỉ tết vào ngày 27 tết và mùng 6 tết đi làm lại. Để đáp ứng lượng đơn hàng lớn trong năm 2024, DN cũng đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 3.000 lao động, ở tất cả các bộ phận. Công nhân không có tay nghề sẽ được công ty đào tạo.

Ngoài lương cơ bản, công nhân còn được hưởng các khoảng phụ cấp, hỗ trợ khác. Khi công nhân giới thiệu người mới vào làm, sẽ được công ty thưởng tiền mặt 300 ngàn đồng/hồ sơ. Hiện công nhân có thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng.

ĐÓN CƠ HỘI MỚI

Nhận thấy những dấu hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ, các DN bắt đầu tính toán những giải pháp để đón những cơ hội mới. Đây cũng là bước đệm quan trọng để các DN tăng tốc trở lại sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và nhiều yếu tố khác tác động.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần May Tiền Tiến.

Ghi nhận thực tế cho thấy, Công ty cổ phần May Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho) hiện đã có đơn hàng cho đến hết quý II-2024 nhưng vẫn đang tiếp tục nhận thêm các đơn hàng mới. Bà Nguyễn Lệ Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho biết, tình hình đơn hàng của năm mới ổn định hơn. Công nhân nghỉ tết từ ngày 27 tết đến mùng 10 tháng Giêng. Hiện công ty có khoảng 2.000 lao động.

Với lượng đơn hàng như hiện tại, sau tết, DN có kế hoạch tuyển thêm khoảng 500 lao động để đủ đáp ứng đủ đơn hàng. “Công nhân ngành may mặc hiện khó tuyển dụng. Do có nhiều công ty may mặc, khả năng cạnh tranh cao, nên công nhân có nhiều sự lựa chọn.

Một phần nguyên nhân là do công nhân dịch chuyển sang ngành nghề khác nên DN tuyển dụng từ có tay nghề đến không có tay nghề. Công ty đang áp dụng các chế độ ưu đãi đầy đủ cho công nhân như: Lương thưởng tết, lương tháng 13, ngày lễ… Hiện thu nhập bình quân của công nhân khoảng 8 triệu đồng/tháng” - bà Thu thông tin thêm.

Ở nhóm ngành thủy sản chế biến xuất khẩu cũng đang có những dấu hiệu lạc quan hơn. Nhìn về yếu tố thị trường xuất khẩu, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo phân tích, 6 tháng đầu năm 2023 gặp không ít khó khăn nhưng 3 tháng gần đây có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, nhất là thị trường Trung Quốc, đã góp phần đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Từ nhiều yếu tố tác động, đối với các chỉ tiêu cơ bản của công ty trong năm 2023 có một vài chỉ tiêu tăng trưởng tốt, số ít chỉ tiêu chưa đạt được, riêng chỉ tiêu lợi nhuận không đạt được mục tiêu đề ra. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết DN.

Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng công ty vẫn xác định thuận lợi vẫn là cơ bản nhờ tín hiệu từ những tháng cuối năm 2023 bước sang năm 2024 thông qua việc thị trường ấm dần lên. Nhờ đó, đơn hàng cho năm 2024 của công ty rất dồi dào và công ty cũng đã ký hợp đồng cho đến 6 tháng đầu năm do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao.

Năm 2023 vừa qua mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố dự báo nhưng tình hình thế giới bắt đầu ổn định, thị trường ấm lên cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên công ty tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy sản phẩm đóng hộp, với giá trị đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, để đón đầu tình hình phục hồi kinh tế thông ra việc chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu hoạt động.

“Với đà như hiện nay, công ty cũng tính toán đặt ra chỉ tiêu năm 2024 là doanh thu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, tiếp tục tăng công suất khoảng 30% khi dự án mới chính thức đi vào hoạt động. Tất nhiên, trước khó khăn chung, công ty sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, đa dạng sản phẩm, đa dạng mặt hàng để tạo cơ hội phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo”- ông Đạo phân tích thêm.

Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, theo Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường, qua công tác nắm tình hình, có hơn 15 DN trong các khu công nghiệp được ghi nhận tình hình đơn hàng đã khởi sắc trở lại.

Đơn hàng tại các DN phục hồi gần 100%, tập trung vào các DN sản xuất các mặt hàng như: Đồng, may mặc, giày da, gia dụng… Đơn hàng sản xuất kéo dài đến hết tháng 6-2024. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về thị trường xuất khẩu của các DN.

A.P - A. THƯ - L. OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202402/tin-hieu-tich-cuc-tu-thi-truong-1003579/