Tín hiệu tích cực trong đầu tư cụm công nghiệp

Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 5.267,25ha. Đến nay, đã có 45 CCN được thành lập (có nhà đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích hơn 1.633ha. Đầu năm 2024, những tín hiệu tích cực đã đến với một số CCN trên địa bàn, kỳ vọng cải thiện dần sự chậm trễ trong đầu tư hạ tầng CCN, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất phát triển sản xuất, kinh doanh.

CCN Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa) được đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư.

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Thọ Nguyên đã chính thức được khởi công tại địa bàn xã Xuân Hồng (Thọ Xuân). Dự án có diện tích hơn 18ha, với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, đây là một trong những dự án trọng điểm về hạ tầng công nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân trong giai đoạn 2021-2025. Với các ngành nghề: May mặc, da giày; chế biến nông sản, thực phẩm, các dự án chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ; cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm kim loại, linh kiện, phụ kiện kim loại, nhóm các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật được quy hoạch rất phù hợp với nhu cầu phát triển và nguồn lao động dồi dào của địa phương. Ngoài việc góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch xây dựng, tạo sức hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, dự án còn tạo cơ hội di chuyển các cơ sở sản xuất vào CCN để quản lý vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, tăng thu ngân sách và tạo thêm việc làm cho khoảng 10.000 lao động địa phương.

Mới đây, tại huyện Hậu Lộc, có thêm CCN Thuần Lộc chính thức được thành lập với diện tích gần 24ha, tổng mức đầu tư hơn 208 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư du lịch T&T làm chủ đầu tư. Các ngành nghề hoạt động được quy hoạch tại CCN này là: Sản xuất may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phụ tùng ô tô, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng.

Theo quyết định phê duyệt, tiến độ thực hiện đầu tư CCN Thuần Lộc được phân kỳ rất cụ thể. Trong đó, từ quý II/2024, các đơn vị liên quan sẽ bắt tay ngay vào công tác hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng. Từ quý I/2025 sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ GPMB (thủ tục cấp phép xây dựng. Đồng thời, triển khai xây dựng đường giao thông nội bộ, vỉa hè, hệ thống điện cao thế, điện hạ thế dùng cho các đơn vị sản xuất và dịch vụ thương mại, hệ thống điện chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ... Từ quý I/2027 đến hết quý III/2027, dự án sẽ hoàn thành xây dựng khu điều hành quản lý CCN; tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trong CCN; hoàn thành công trình, vệ sinh và bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Theo Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), đến nay, toàn tỉnh có 2 CCN đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng CCN, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là CCN Thái Thắng (Hoằng Hóa) và CCN thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa); có 3 CCN đã hoàn thành hạ tầng CCN theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp là CCN Bắc Hoằng Hóa (Hoằng Hóa); CCN Hòa Lộc (Hậu Lộc); CCN thị trấn Quán Lào (Yên Định). Ngoài ra, có 9 CCN đã cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư, đã hoàn thành GPMB toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, đang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 13 CCN đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành GPMB; 15 CCN đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa thực hiện GPMB. Đáng chú ý, có một số CCN chưa tích cực triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, một số CCN hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên không triển khai các thủ tục để tiến hành bồi thường GPMB để đầu tư xây dựng do nhiều khó khăn liên quan tới nguồn vốn, năng lực triển khai dự án.

Cũng theo Sở Công Thương, để khắc phục tình trạng chậm trễ trong đầu tư hạ tầng CCN vì lý do chủ quan của chủ đầu tư, cùng với đôn đốc nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đã được chấp thuận chủ trương, đơn vị đang tăng cường công tác xúc tiến đầu tư các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm. Đồng thời, trong công tác thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, trong đó chú trọng yếu tố liên quan đến năng lực nhà đầu tư, sự phù hợp của các quy hoạch và vị trí liên kết với hạ tầng giao thông, điện, nước... Sở cũng tăng cường giám sát nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo đúng các giai đoạn phân kỳ, tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần để thu hút nhà đầu tư mới.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tin-hieu-tich-cuc-trong-dau-tu-cum-cong-nghiep-212882.htm