Tín hiệu gì từ chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Ấn Độ?

Bắc Kinh mong muốn nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ để Thủ tướng Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới tại Trung Quốc.

Chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Ấn Độ vào ngày 25 tháng 3 đã cho thấy những cách tiếp cận khác nhau rõ rệt của hai nước nhằm bình thường hóa quan hệ song phương. Trong khi Trung Quốc muốn tạm gác vấn đề tranh chấp biên giới để bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ thì New Delhi cho rằng không thể bình thường hóa nếu tình hình biên giới không ổn định.

Tranh chấp biên giới giữa hai nước đã diễn ra trong một thời gian dài và nhiều cuộc xung đột đã nổ ra từ năm 1962 đến nay. Gần đây nhất, vào tháng 4 - tháng 5 năm 2020, hai bên xung đột dữ dội tại Thung lũng Galwan vào tháng 6 năm đó và kể từ đó hai bên rơi vào thế bế tắc quân sự căng thẳng. Cho đến nay, 15 vòng đàm phán quân sự và tám cuộc thảo luận ngoại giao đã diễn ra và mặc dù những cuộc đàm phán này đã dẫn đến việc quân đội hai nước rút lui khỏi Galwan, Pangong Tso và Hot Springs, nhưng thỏa thuận về việc rút quân khỏi các điểm nóng tranh chấp khác vẫn còn chưa đạt được.

Tạm gác lại tranh chấp

Chuyến thăm của ông Vương Nghị là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Ấn Độ kể từ khi bế tắc diễn ra vào năm 2020.

Tại New Delhi, ông Vương Nghị được cho là đã đưa ra một đề xuất gồm ba điểm. Ông nói: "Đầu tiên, cả hai bên nên nhìn nhận quan hệ song phương từ một tầm nhìn dài hạn. Trung Quốc và Ấn Độ nên "đặt sự khác biệt của họ về các vấn đề biên giới ở vị trí thích hợp trong quan hệ song phương." Thứ hai, hai nước "nên xem sự phát triển của nhau với tinh thần cùng có lợi" và thứ ba, họ "nên tham gia vào tiến trình đa phương với tư thế hợp tác", hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc đưa tin.

Ấn Độ đang rất nghiêm túc muốn giải quyết sớm tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons.

Ấn Độ đang rất nghiêm túc muốn giải quyết sớm tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons.

Nói cách khác, Trung Quốc muốn Ấn Độ gác lại cuộc khủng hoảng hiện tại ở biên giới và làm việc với Trung Quốc về các vấn đề khác. Ấn Độ không nên trì hoãn hợp tác rộng rãi hơn cho đến khi tranh chấp biên giới được giải quyết. Thay vào đó, nước này nên hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển kinh tế, như trong Sáng kiến Vành đai và Con đường và củng cố lập trường chung với Bắc Kinh tại các diễn đàn toàn cầu.

Đề xuất ba điểm của ông Vương Nghị không phải là mới. Vào năm 1988, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã gợi ý rằng Ấn Độ và Trung Quốc nên để tranh chấp biên giới "cho các thế hệ tương lai giải quyết". Ấn Độ đã đồng ý với đề xuất này, hy vọng rằng hợp tác trong các lĩnh vực khác sẽ xây dựng lòng tin song phương, mở đường cho việc giải quyết tranh chấp biên giới.

Tuy nhiên, trong khi hợp tác, đặc biệt là thương mại, phát triển nhanh chóng, thì tranh chấp biên giới vẫn trở nên căng thẳng và ngày càng phức tạp. Thương mại tăng cường, vốn nghiêng nhiều về phía Trung Quốc, chỉ làm tăng sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc.

Đề xuất ba điểm của ông Vương Nghị, nhắc lại cách tiếp cận cũ của Trung Quốc là ưu tiên bình thường hóa quan hệ hơn giải quyết tranh chấp biên giới, do đó, hiện nay Ấn Độ chưa chấp nhận điều đó.

Ấn Độ cứng rắn về vấn đề biên giới

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã nhấn mạnh rằng "khôi phục bình thường" trong quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ "sẽ yêu cầu khôi phục hòa bình và yên tĩnh ở biên giới". Nói rõ hơn về vấn đề này tại cuộc gặp với giới truyền thông ngay sau cuộc hội đàm với ông Vương Nghị, ông Jaishankar nói: "Nếu vẫn còn những đợt triển khai rất lớn ở các khu vực biên giới" vi phạm các thỏa thuận Ấn Độ - Trung Quốc năm 1993 và 1996, "thì tình hình khu vực biên giới là không bình thường".

Ngoại trưởng Ấn Độ nói: "Những xích mích và căng thẳng nảy sinh từ việc Trung Quốc triển khai lực lượng [dọc đường kiểm soát thực tế ở Ladakh] kể từ tháng 4 năm 2020 không thể dung hòa được với một mối quan hệ bình thường giữa hai nước láng giềng".

Bắc Kinh muốn tuyên bố mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ là bình thường. Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tiếp vào cuối năm nay và sẽ quan tâm đến việc đảm bảo hội nghị thượng đỉnh thành công. Điều này yêu cầu các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên BRICS phải có mặt tại cuộc họp.

Ông Vương Nghị đã tới New Delhi với mong muốn nhận được sự bảo đảm rằng Thủ tướng Narendra Modi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, do đó, ông Vương Nghị ưu tiên bình thường hóa quan hệ và kêu gọi Ấn Độ tạm gác cuộc khủng hoảng biên giới lại.

Vào năm 2017, Ấn Độ và Trung Quốc đã rơi vào tình trạng bế tắc quân sự kéo dài 73 ngày tại Doklam, ngã ba Bhutan-Trung Quốc-Ấn Độ. Sau đó, vào ngày 28 tháng 8 năm đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc "nhanh chóng giải tán lực lượng biên giới tại địa điểm đối đầu ở Doklam." Động thái này đã dọn đường cho sự tham gia của ông Modi tại hội nghị thượng đỉnh BRICS doTrung Quốc tổ chức ở Hạ Môn vào ngày 3-5 tháng 9 cùng năm.

Vậy liệu đề xuất ba điểm của ông Vương có giúp tạo thuận lợi cho ông Modi tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới không?

Không thể loại trừ khả năng ông Modi tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS. Vì cũng sẽ đến lượt Ấn Độ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và G-20 vào năm tới và Ấn Độ cũng muốn Chủ tịch Tập Cận Bình có mặt tại các hội nghị thượng đỉnh này.

Ấn Độ có thể sẽ làm tốt trách nhiệm của mình giống như những gì đã diễn ra tại Doklam sau khi thỏa thuận ngày 28 tháng 8 năm 2017 được ký kết. Theo thỏa thuận đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã thực sự nhanh chóng rút quân khỏi địa điểm đối đầu ở Doklam. Tuy nhiên vài tháng sau, các bức ảnh vệ tinh công khai cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một số công trình quân sự, bao gồm cả một khu phức hợp quân sự chính thức, sân bay trực thăng và chiến hào gần nơi hai bên tranh chấp.

Như vậy, tuyên bố "khôi phục tình trạng bình thường" là điều mà Trung Quốc muốn đạt được nhưng New Delhi cũng không muốn "bình thường" cho đến khi mối đe dọa quân sự đối với họ dọc biên giới Himalaya vẫn chưa giảm bớt.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tin-hieu-gi-tu-chuyen-tham-cua-ngoai-truong-trung-quoc-toi-an-do-2022033009484516.htm