Tín chỉ carbon tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Tiềm năng không chỉ từ rừng

Năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2), thu về khoảng 51,5 triệu USD (1.250 tỷ đồng). Việc hình thành, phát triển thị trường carbon vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa mang lại nguồn lợi tài chính rất lớn cho cả nước, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận đang có rất nhiều tiềm năng trên thị trường này.

Vườn quốc gia mũi Cà Mau. Ảnh: Sơn Nam

Vườn quốc gia mũi Cà Mau. Ảnh: Sơn Nam

Không chỉ từ rừng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích toàn châu thổ là 36.000 km2, trong đó có khoảng 347.500ha rừng các loại. Không chỉ được xem như “lá phổi xanh” cho toàn vùng, đây còn được xem là nguồn tiềm năng rất lớn trong hình thành và phát triển thị trường carbon.

Theo các chuyên gia, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động của dự án giảm phát thải khí nhà kính, đồng nghĩa với giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tái tạo thảm thực vật. Chủ rừng có thể quy đổi lượng hấp thụ khí CO2 từ diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra tín chỉ carbon.

Không chỉ bán tín chỉ carbon từ rừng, với việc áp dụng canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam còn có thể bán tín chỉ carbon từ… lúa. Đặc biệt, mới đây Chính phủ vừa triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khi hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Thực hiện đề án này, Việt Nam còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Khi đạt được chứng chỉ carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia, bên cạnh diện tích rừng tự nhiên và diện tích lúa, đối với cây dừa cũng được xem là nguồn tiềm năng, lợi thế trong việc hình thành thị trường carbon trong tương lai gần.

Với diện tích khoảng 188.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long. Ước tính, với diện tích dừa đang có cùng khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, ngành dừa có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (với giá bán tương tự như tín chỉ carbon rừng là 5 USD/tấn CO2).

Phải có cách làm phù hợp

Riêng tại Cà Mau, địa phương đang sở hữu 143.000ha rừng, lãnh đạo tỉnh cho biết, để triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, mỗi năm địa phương sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững, phục vụ công tác quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp.

Từ năm 2020, chính quyền và ngành chức năng một số tỉnh trong vùng đã tổ chức các buổi gặp gỡ để người dân, chủ rừng, doanh nghiệp nghe chuyên gia nói chuyện, tư vấn các vấn đề liên quan đến thị trường carbon. Còn tại tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết, khoảng giữa năm 2024 sẽ tổ chức một cuộc hội thảo quy mô lớn về chủ đề phát triển, bảo vệ diện tích dừa gắn với tín chỉ carbon.

Ở tầm vĩ mô, cuối năm 2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL đã ký cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là "nỗ lực giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi".

Cụ thể, từ năm 2023, chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi tại khu vực ĐBSCL theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí mê tan và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong và ngoài nước tham gia giảm phát thải khí mê tan. Từ năm 2024, chấm dứt việc đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua việc cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình công nghệ.

Đến năm 2025, cam kết đạt chỉ tiêu giảm tổng lượng phát thải khí mê tan trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến năm 2030, cam kết đạt chỉ tiêu giảm tổng lượng phát thải khí mê tan tại ĐBSCL trong trồng trọt và chăn nuôi.

Cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Ảnh: Sơn Nam

Cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Ảnh: Sơn Nam

Phân tích về những thuận lợi trong khai thác carbon ở lĩnh vực sản xuất lúa, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hoạt động sản xuất lúa đang chiếm khoảng 50% lượng khí thải nhà kính và Việt Nam đang giải quyết bài toán giảm phát khí thải nhà kính về mức thải ròng bằng 0 theo cam kết.

Ngoài ra, Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững với các quy trình canh tác được tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo ông Thòn, quy trình, hướng đi đã có, vấn đề còn lại là nhà quản lý phải tập hợp, tổ chức làm sao để nông dân sản xuất theo định hướng trên. Làm được như vậy, việc khai thác tín chỉ carbon trong sản xuất lúa sẽ đem lại hiệu quả lớn trong tương lai.

Theo các chuyên gia, với việc áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác nhằm giảm chi phí đầu vào, sử dụng nước hiệu quả, đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL hướng đến mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái, nâng tầm thương hiệu và giá trị hạt gạo của Việt Nam. Đây cũng được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn, nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trọng tâm của việc phát triển nông nghiệp xanh, khai thác lợi thế thị trường tín chỉ carbon là tập trung triển khai có hiệu quả đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL.

Để hướng đến tăng trưởng xanh, được chi trả tín chỉ carbon nhờ phát thải thấp, vùng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của ĐBSCL sẽ thực hiện giảm lượng lúa giống còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới trên 30%.

Đồng thời, tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 100%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 100% diện tích thu hoạch.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-chi-carbon-tai-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-tiem-nang-khong-chi-tu-rung-150744.html