Tin bất động sản ngày 28/7: Thanh tra Chính phủ kiểm tra Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình

Hòa Bình chuyển mục đích sử dụng 29ha đất rừng để xây 3 khu du lịch, nhà ở; Đồng Nai thu hồi 540ha đất bỏ hoang, gây lãng phí nằm trong khu liên hợp gần 2.200ha… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.

Thanh tra Chính phủ kiểm tra Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình

Mới đây, Tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định về kiểm tra Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình trong buổi làm việc cùng đại diện Bộ VH-TT-DL và đại diện Cục TDTT.

Thanh tra Chính phủ kiểm tra Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thanh tra Chính phủ kiểm tra Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo phân công nhiệm vụ, Tổ kiểm tra có 4 thành viên, do Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) - ông Ngô Khánh Luận làm tổ trưởng. Thời gian thực hiện kiểm tra là 10 ngày làm việc thực tế (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

Tổ kiểm tra sẽ kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 106/KL-TTCP ngày 11/5/2021 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình và kế hoạch kiểm tra được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.

Được biết, ngoài Bộ VH-TT-DL, Cục TDTT, Tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ sẽ có buổi làm việc cùng đại diện Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội, Cục thuế thành phố Hà Nội và Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình trong tuần này.

Tại kết luận số 106/KL-TTCP ngày 11/5/2021 về thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ VH-TT-DL là kiểm điểm làm rõ trách nhiệm có liên quan đến các sai phạm, vi phạm của Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình.

Trước đó, theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội, từ tháng 7/2022, số tiền nợ thuế của khu liên hợp đã là 855 tỉ đồng. Lãnh đạo khu liên hợp cho biết sau nửa năm số tiền nợ gốc và lãi đã lên tới cả nghìn tỉ đồng. Khoản nợ khổng lồ này được diễn ra trong khoảng thời gian từ 2009-2018.

Hiện mỗi hợp đồng kinh doanh của khu liên hợp phải đóng 18% tiền thuế, trong đó có 10% thuế giá trị gia tăng và 8% cho khoản nợ 1.000 tỉ đồng mà khu liên hợp đang gánh. Vì thế, khu liên hợp khó có thể kinh doanh, duy trì hoạt động được nếu không được khoanh lại khoản nợ này.

Do đó, đơn vị này khẩn thiết mong được Chính phủ khoanh khoản nợ này, đồng nghĩa với việc tạm thời không làm số nợ tăng thêm theo thời gian.

Đơn vị này cũng xin cho khai thác kinh doanh các khu vực đất đã có sổ đỏ của đơn vị. Việc này sẽ đảm bảo để không làm ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ quan của khu liên hợp đồng thời có tiền để duy trì hoạt động của đơn vị và đóng thuế cho nhà nước.

Tại sao hàng ngàn người dân tại các khu đô thị ở Khánh Hòa chưa được cấp sổ hồng?

Ông Hồ Phùng Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Khánh Hòa, cho biết: Nguyên nhân hàng ngàn người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở (sổ hồng) tại các khu đô thị do các dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh chưa xác định được giá đất.

Theo ông Cường, hiện địa phương ghi nhận có dự án đã thay đổi quy hoạch nhiều lần nên khi thay đổi quy hoạch thì phải xác định lại giá đất. Hiện Sở TN&MT Khánh Hòa đang thuê đơn vị tư vấn hoàn thiện việc xác định giá đất sớm nhất. Sau khi có được giá đất, chủ đầu tư sẽ nộp phần tiền này vào ngân sách Nhà nước và Sở sẽ cấp sổ cấp sổ hồng cho người dân tại các dự án nói trên.

Một lãnh đạo Sở TN&MT Khánh Hòa thông tin thêm, phần lớn các dự án nhà ở tại Khánh Hòa đều vướng chung về xác định lại giá đất. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Khánh Hòa mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang vướng chung. Trong khi Sở này thuê đơn vị tư vấn xác định lại giá đất các khu đô thị thì các đơn vị này đều e ngại hoặc “bỏ cuộc” bởi các dự án đã đi vào hoạt động từ lâu khiến việc xác định cụ thể giá đất tại các thời điểm trở nên khó khăn.

Được biết, trên địa bàn TP Nha Trang có nhiều dự án khu đô thị, chung cư đã hoàn thành từ nhiều năm, nhưng chậm ra sổ hồng. Việc chậm ra sổ đã ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người dân và khiến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Chẳng hạn như các dự án: Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 của Công ty CP Bất động sản Hà Quang, Chung cư P.H của Công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang…

Một số dự án khu đô thị khác đã hoàn thành từ nhiều năm trước nhưng chậm ra sổ hồng như: Khu đô thị VCN Phước Long, Khu đô thị VCN Phước Long 2, Khu đô thị mới Phước Long... Các dự án này đều bị vướng về thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư hay nghĩa vụ tài chính. UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các sở, ngành trong tỉnh rà soát thủ tục pháp lý của các dự án để kịp thời cấp sổ hồng cho người dân.

Hòa Bình chuyển mục đích sử dụng 29ha đất rừng để xây 3 khu du lịch, nhà ở

HĐND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành ba Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện hai dự án khu du lịch trên địa bàn.

Cụ thể, Nghị quyết số 273 phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 8,7ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng dân tộc tại xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu.

Vị trí rừng chuyển đổi tại Tiểu khu 131, khoảnh 1 và khoảnh 5, gồm 28 lô. Toàn bộ diện tích 8,7ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng. Trong đó, 2,91ha là rừng trồng, 5,79ha diện tích chưa có rừng.

Tiếp đó là Nghị quyết số 275 phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 19,45ha rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu du lịch Lạc Thủy Natural Resort tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.

Vị trí chuyển đổi rừng tại tiểu khu 239, khoảnh 17,21,22 gồm 63 lô. Toàn bộ diện tích 19,45ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, trong đó 9,48ha là rừng trồng, 9,97ha là diện tích chưa có rừng.

Ngoài ra, HĐND tỉnh Hòa Bình cũng ban hành Nghị quyết 274 phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1,036ha đất rừng để thực hiện dự án Khu nhà ở Núi Đũa, Núi Bát (đường vào Trung tâm Văn hoám thể thao và truyền thông huyện Cao Phong) tại Khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong.

Vị trí chuyển đổi rừng tại tiểu khu 5089 gồm 2 khoảnh: khoảnh 2, lô 26; Khoảnh 3 gồm các lô 12, 14, 21.

Đồng Nai thu hồi 540ha đất bỏ hoang, gây lãng phí nằm trong khu liên hợp gần 2.200ha

540ha đất nằm trong đại dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico gần 2.200ha vừa bị UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi do hơn 13 năm không triển khai, bỏ hoang đất, gây lãng phí.

Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định thu hồi diện tích đất 540ha tại phân khu 3B, 3C thuộc dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (huyện Xuân Lộc) do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) làm chủ đầu tư.

Được biết, lý do thu hồi là do dự án đã được giao đất hơn 13 năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, gây lãng phí. Vào năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu chấm dứt hoạt động dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phân khu 3B và 3C tại huyện Xuân Lộc theo Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Dofico.

Dofico được biết đến là một trong những doanh nghiệp nhà nước đang quản lý vốn, quỹ đất đai lớn nhất ở Đồng Nai. Riêng với dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico đã có diện tích lên đến gần 2.000ha.

Dự án này được chia làm 5 phân khu: chăn nuôi tập trung, trồng trọt - chăn nuôi tập trung, trồng trọt - chế biến thực phẩm, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, thương mại - dịch vụ.

Được khởi công từ năm 2010, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng và dự kiến hoàn thiện trong 5 năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phân khu thuộc khu liên hợp này vẫn “dậm chân tại chỗ” suốt 13 năm qua.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-287-thanh-tra-chinh-phu-kiem-tra-khu-lien-hop-the-thao-quoc-gia-my-dinh-690506.html