Tìm thuốc đặc trị bệnh sợ trách nhiệm

Trong hai ngày Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm 'nóng' nghị trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những kiến nghị để có giải pháp mạnh xử lý triệt để tình trạng này, tránh cản trở sự phát triển đã được đưa ra.

Không làm gì cũng là vi phạm pháp luật

Trong đánh giá về những hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ để chỉ ra “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...” gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo các đại biểu (ĐB) Quốc hội, vấn đề đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, mà đến nay mới xuất hiện, không những thế còn lan rộng từ T.Ư đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư…

ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị "bệnh" một cách hiệu quả. ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”; cán bộ sợ sai rồi còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người khác.

Đồng thời đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phụ trách các đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức, cơ quan, đơn vị được phân công. "Phạt 3 thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu như cứ phạt thẻ đỏ thì phải đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nghiêm trọng; còn ít nghiêm trọng chúng ta có cách xử lý khác” - ĐB nói và cũng lưu ý hết sức tránh việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Thực tế, tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi đã gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân và DN làm cho người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và DN.
ĐB Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa)

Ở một góc nhìn khác, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chỉ ra 3 nhóm cán bộ không dám làm: Thứ nhất là không biết gì để làm; thứ hai là không có lợi thì không làm; thứ ba là biết nhưng sợ không làm.

“Cả 3 nhóm đều không thực hiện nghĩa vụ mà Nhà nước và Nhân dân trao cho cũng là vi phạm pháp luật. Vi phạm thì phải xử lý nhưng đáng tiếc các cấp, ngành thấy cán bộ không dám làm mà không xử lý” – ĐB nêu ý kiến.

Đồng thời ĐB phân tích, phải xem xét tính chất, mức độ, hậu quả để xử lý, thậm chí không làm gì mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. “Bác sĩ không cứu người dẫn đến chết người thì khởi tố. Chủ tịch tỉnh không làm gì khiến kinh tế đình trệ, không phát triển, khiến DN lao đao, người dân gặp khó khăn thì hậu quả lớn hơn cả vị bác sĩ kia. Do đó phải xử lý nghiêm các trường hợp này”- ĐB nêu.

“Thay thế ngay vì chúng ta không thiếu cán bộ tốt”

Nhiều giải pháp để xử lý tình trạng này đã được các ĐB đưa ra. Theo ĐB Trần Quốc Tuấn, đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, giải pháp cấp thiết cần làm ngay là ưu tiên thay thế cán bộ đó bằng những cán bộ có đủ tâm huyết, trách nhiệm.

“Tôi cho rằng, ngay trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như thế này, thì giải pháp cấp thiết, cần phải làm ngay đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt” – ĐB nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ĐB đề nghị, ngoài Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân là vì các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện.

Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật, đặc biệt là văn bản dưới luật, bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó có thể triển khai thực hiện được ngay.

Các ĐB cũng cho rằng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa. Xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Dưới góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng nhận định, dù nguyên nhân nào thì phải thống nhất rằng hiện tượng này là vi phạm, sai phạm quy định của Đảng và Nhà nước cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu. Bởi cùng một cơ chế nhưng nhiều nơi quyết tâm và làm tốt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chứ không phải đổ hết cho cơ chế, thể chế là khó khăn, là rào cản, là không làm được.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó cho biết, Bộ Nội vụ hoàn thành Dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, bộ ngành, chuyên gia, Bộ Tư pháp thẩm định nhưng còn có vấn đề vướng về pháp lý, thẩm quyền, nên tiếp tục báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền. Cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm thì mới khuyến khích, bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ở khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh đến việc phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, bởi năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân.

“Chúng ta chưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định, hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ; nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng, lúc sai cho nên không hiệu quả, năng suất thấp” – ĐB nêu ý kiến.

Đồng thời cho rằng, Chính phủ cũng khó đưa ra được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì công chức cần làm theo các quy định, không nên sáng tạo ngoài quy định. Quy trình sáng tạo khi cần có sự thay đổi tốt hơn cả vẫn là các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu mổ xẻ, có quy trình hội thảo phản biện, đánh giá tác động đầy đủ, chín muồi rồi áp dụng.

Tình trạng các địa phương gửi công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo của bộ, ngành không phải hiếm gặp khi luật, các văn bản dưới luật còn chồng chéo. Tình trạng này càng trở lên phổ biến khi các địa phương xin hướng dẫn thì được phúc đáp theo kiểu trích dẫn khoản nọ, điều kia. Nên thành lập Tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương, và ban hành bộ quy tắc, quy chuẩn xử lý những vấn đề phổ biến gặp phải để địa phương tra cứu, áp dụng thay vì gửi công văn rồi chờ đợi công văn trả lời mà vẫn bối rối như hiện nay.
ĐB Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình)

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-thuoc-dac-tri-benh-so-trach-nhiem.html