Tìm thế đứng ở thị trường châu Âu

Với việc nhiều nước châu Âu từng bước mở cửa thị trường do kiểm soát tốt dịch Covid-19, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tới khu vực tiếp tục có tăng trưởng khá. Tuy nhiên, để đứng vững ở thị trường 'khó tính' này, doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng mới.

Sản xuất giày da xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (huyện Đan Phượng). Ảnh: Trần Việt

Xuất khẩu duy trì đà tăng

21h ngày 12-6 vừa qua, 1 tấn vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã được Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Pháp qua đường hàng không. Trước đó, hôm 7-6, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên của Công ty cổ phần Pacific Foods cũng đã “cập bến” Cộng hòa Séc. Theo kế hoạch, từ nay tới cuối mùa vải, mỗi tuần hai đơn vị này sẽ xuất khẩu một số lô vải sang thị trường châu Âu.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, chỉ sau 3 ngày lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris (từ ngày 13 đến 16-6), 1 tấn vải thiều Thanh Hà đã được tiêu thụ hết. Từ kết quả tích cực này, các nhà nhập khẩu Pháp đã lên kế hoạch đặt hàng cho mùa vải năm 2022. Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, đơn hàng vừa qua đã khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung tại thị trường châu Âu.

Cùng với vải thiều, từ đầu năm 2021 đến nay hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang châu Âu có nhiều khởi sắc. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 tới thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày đã có đơn hàng đến quý III-2021, thậm chí là hết năm nay, do nhu cầu tiêu dùng của thị trường EU tăng mạnh khi kinh tế phục hồi. Trưởng ban Chính sách và Xúc tiến thương mại (Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam) Lê Xuân Dương cho biết, Việt Nam xuất khẩu trực tiếp giày dép và túi xách sang khoảng 20 nước EU. Trong đó, lượng nhập khẩu nhiều nhất thuộc về các nước có cảng biển quốc tế lớn như Đức, Bỉ, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ tháng 8-2020 đến tháng 3-2021 đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang EU tăng.

Hay như với nhóm hàng thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nhu cầu của thị trường EU sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình dần mở trở lại. Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho rằng, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, cùng với mức thuế giảm còn 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU sẽ còn tăng nhanh.

Để đứng vững ở thị trường châu Âu

Tuy nhiên, ngoài những tín hiệu tích cực, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức khi tiếp cận và giữ được thế đứng ở thị trường rất tiềm năng này. Không chỉ là đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, xu hướng tiêu dùng của người châu Âu đang thay đổi nhanh hơn kể từ khi xảy ra dịch bệnh. Người mua hàng ưu tiên chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và bảo đảm lợi ích cho người lao động. Do đó, để xuất khẩu bền vững tới châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu, áp dụng những chính sách phù hợp, trên cơ sở hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường.

Dành 3 năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho xuất khẩu trái vải sang EU, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Facific Foods Lê Bá Linh chia sẻ kinh nghiệm: “Thị trường EU luôn muốn trải nghiệm những nông sản đến từ Việt Nam. Song để vươn tới thị trường này, nông sản Việt Nam phải được trồng, chăm sóc theo quy trình, tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ, đặc biệt không dùng phân bón hóa học và bảo đảm không có dư lượng kháng sinh”.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại cũng đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu Phan Đăng Đương thông tin, Thương vụ đã triển khai hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Trong đó tập trung quảng bá cho các ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày. Còn đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho hay, ngay cuối tuần này, sự kiện “Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021” được Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức tại thủ đô Paris sẽ tạo cơ hội quảng bá hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh chính quyền sở tại cho phép mở lại các sự kiện ngoài trời.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đang tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất, nhập khẩu, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu với các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch. Từng thị trường cũng được theo dõi sát để xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu lớn.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1003246/tim-the-dung-o-thi-truong-chau-au