Tìm phương án tốt để dời nhà ven kênh ở TP.HCM

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đa số nhà ở ven kênh trên địa bàn TP có pháp lý nhà, đất phức tạp không được quy định rõ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngày 13-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo vấn đề nhà ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM. Theo đánh giá của các chuyên gia và địa phương, một trong những khó khăn là đa số hộ dân xây dựng, chuyển nhượng nhà, lấn chiếm bất hợp pháp trên và ven kênh rạch nên thường không có hồ sơ pháp lý.

Vướng mắc do bồi thường tái định cư

Các chuyên gia cho rằng do tính pháp lý nhà ở của họ không có nên không được bồi thường theo chính sách của Nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của TP.

Cụ thể, đánh giá những khó khăn trong công tác di dời nhà ven kênh, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết: Khó khăn là đa số nhà ven kênh hầu như là lấn chiếm, mua bán giấy tay qua nhiều đời chủ. Đa số diện tích không lớn dẫn đến việc không đủ điều kiện để cấp giấy qua các thời kỳ. Ngoài ra, nhiều trường hợp nhà nhỏ, xây nhà sàn trên kênh nhưng đông nhân khẩu, không đủ điều kiện bố trí tái định cư.

Đa số nhà ven kênh trên địa bàn TP có pháp lý nhà, đất phức tạp, không được quy định rõ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ảnh: N.CHÂU

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sở TN&MT TP.HCM, cũng cho biết: “Đặc điểm khi chúng ta di dời nhà ven kênh rạch là những người dân không đủ điều kiện được bồi thường về đất, họ chỉ được hỗ trợ. Nếu theo pháp lý thì có một tỉ lệ hộ dân rất lớn không được bồi thường và hỗ trợ”.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho thấy đa số nhà ven kênh đều có pháp lý nhà, đất phức tạp, không được quy định rõ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (như nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm... dẫn đến việc hiệp thương). Từ đó dẫn đến bồi thường chậm, làm dự án kéo dài.

Dẫn chứng là dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 vẫn còn 88 trường hợp phía đường Phan Văn Khỏe tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch. Ngoài ra còn dự án cải tạo kênh A41, quận Tân Bình (đã bồi thường, di dời được 124/142 căn nhà) đang thực hiện dở dang chủ yếu do vướng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Việc nghiên cứu, phân tích chi tiết sẽ giúp xây dựng cơ chế linh hoạt và có hiệu quả hơn trong việc di dời nhà ven kênh.

Tính toán tái định cư trước cho người dân

Đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch, ThS Vương Quốc Trung đề xuất cần đẩy nhanh việc hỗ trợ cơ chế linh hoạt trong việc di dời nhà ven kênh. Điều này đòi hỏi các cơ quan chính quyền địa phương và các nhà quản lý đô thị phải tiến hành nghiên cứu, phân tích chi tiết về vị trí di dời trước khi thực hiện.

Trong đó, quá trình này bao gồm đánh giá tình hình hiện tại của khu vực ven kênh, xác định những yếu tố cần di dời và ảnh hưởng đến người dân, cũng như xác định các khu vực thích hợp để tái định cư. Việc nghiên cứu, phân tích chi tiết sẽ giúp xây dựng cơ chế linh hoạt và có hiệu quả hơn trong việc di dời nhà ven kênh.

Một giải pháp nữa được ông Trần Minh Thơ đề xuất là cần chuẩn bị quỹ nhà tái định cư trước khi thực hiện dự án. “Cần chuẩn bị nhà tái định cư theo dự án dựa trên quy hoạch, định hướng. Chỉ được thu hồi nhà ở, đất ở sau khi đã có nhà tái định cư. Bên cạnh đó, cần có sự thống kê, đánh giá về đối tượng nhà ven kênh rạch một cách rõ ràng và cụ thể hơn, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho đối tượng yếu thế” - ông Thơ nêu rõ.

Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, đề xuất phương án xây dựng quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án. Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu di dời của các hộ dân.

“Cần chú trọng ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giải pháp bán nhà ở xã hội, cho thuê mua đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dự án” - ông Thành nói.•

Đã di dời 657/6.500 căn nhà ven kênh ở TP.HCM

Tính đến hết quý II-2023, TP chỉ mới bồi thường, di dời được 657/6.500 căn nhà ven kênh. Ảnh: N.CHÂU

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, UBND TP đặt chỉ tiêu đến cuối năm 2021 sẽ bồi thường, di dời 6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch. Tuy nhiên, tính đến hết quý II-2023, TP chỉ mới bồi thường, di dời được 657/6.500 căn nhà. Trong đó, di dời 56 căn nhà tại dự án lắp đặt cống hộp rạch Cầu Sơn, phường 25 (quận Bình Thạnh); bốn dự án khác đã bồi thường, di dời được 601 căn nhà.

Sở Xây dựng cũng cho biết hiện chỉ có bảy dự án đang được tiếp tục bố trí vốn. Điều này cho thấy khả năng cân đối ngân sách của TP và việc bổ sung nguồn vốn cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch từ nay đến năm 2025 là hạn chế. Từ đó cho thấy chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch đã được đặt ra là rất khó thực hiện.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tim-phuong-an-tot-de-doi-nha-ven-kenh-o-tphcm-post761403.html