Tìm lời giải cho doanh nghiệp xuất khẩu trước sóng gió cước phí vận tải

'Chướng ngại vật' mang tên cước vận tải đang bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu ngay trong những ngày đầu năm mới 2024. Các chuyên gia khuyến nghị, trước mắt các doanh nghiệp xuất khẩu nên tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung, nghiên cứu tuyến vận tải thay thế…Về lâu dài, doanh nghiệp cần tìm hướng đi mới, tính đến bài toán chuyển hướng thị trường xuất khẩu, giảm bớt thị phần tại các thị trường đang gặp khó...để tránh rủi ro và xuất khẩu bền vững.

Chướng ngại vật mang tên cước phí vận tải

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang “đau đầu” lo lắng khi vừa trải qua hơn một năm kinh doanh khó khăn, lại phải đối mặt với nhiều “chướng ngại vật” ngay trong những ngày đầu năm mới 2024.

Do xung đột ở khu vực Biển Đỏ, giá cước vận tải biển tăng nhanh, tăng cao Ảnh: TL

Do xung đột ở khu vực Biển Đỏ, giá cước vận tải biển tăng nhanh, tăng cao Ảnh: TL

Thủy sản, dệt may, nông sản, da giày…là những ngành đang gánh chịu tác động nặng nề của cước tàu biển tăng chóng mặt.

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, dệt may đã bước qua năm 2023 với nhiều khó khăn khi đơn hàng và giá đều giảm. Bước sang ngay những ngày đầu của năm 2024, doanh nghiệp ngành này tiếp tục đối mặt với thách thức lớn khi dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động; nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may; khách hàng quốc tế ép giá mạnh…

Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá vận chuyển đường biển giao ngay tăng ở một số tuyến khiến doanh nghiệp xuất khẩu dệt may càng thêm khó. Nguy cơ về tăng chi phí giá thành sản phẩm ảnh hưởng bất lợi đến sức cạnh tranh, thời hạn giao hàng bị chậm, hoạt động xuất khẩu đình trệ, hàng hóa ùn ứ…đang hiện hữu rõ ràng.

Về vấn đề này, doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng khác chia sẻ, ngay từ những ngày đầu tháng 1/2024, giá cước vận tải từ Việt Nam sang một số thị trường xuất khẩu chủ lực tăng phi mã khiến hoạt động xuất khẩu đình trệ và sụt giảm nhiều. Đơn cử, nếu như trước đây, giá cược vận chuyển một container hàng sang Châu Âu khoảng 2.000 USD, thì thời điểm hiện tại đã tăng lên gần 4.000 USD. Thậm chí, giá cước vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ tăng lên đến 70%. Ví như ngành Thủy sản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà có tới 80% lượng thủy sản của Việt Nam xuất đi bờ Đông Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều qua kênh đào Suez. Do những bất ổn tại khu vực Biển Đỏ vòng quay của tàu hàng lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.

Được biết, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về tác động của tình hình phát sinh tại khu vực biển Đỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chuyển hướng xuất khẩu để vượt khó

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tình trạng này kéo dài có thể sẽ khiến các đối tác nhập khẩu tính đến phương án tìm nhà cung cấp thay thế (để không phải đi qua khu vực Biển Đỏ), khiến doanh nghiệp Việt đối diện với nguy cơ mất đơn hàng, hàng hóa sẽ bị ùn ứ nghiêm trọng.

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng. Ảnh: TL

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng. Ảnh: TL

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, giải pháp trước mắt các doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Đồng thời, nghiên cứu tuyến vận tải thay thế, tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Lo lắng với những diễn biến bất lợi do giá cước vận tải biển tăng cao ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước áp lực lớn về chi phí.

Về lâu dài, doanh nghiệp cần tính đến bài toán chuyển hướng thị trường xuất khẩu, giảm bớt thị phần tại các thị trường đang gặp khó như châu Âu và Mỹ, tìm hướng đi mới để duy trì doạt động, tránh gián đoạn dòng chảy hàng hóa.

“Doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nước ta nói chung cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng cũng như mặt hàng để tránh rủi ro trong tương lai”, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo.

Được biết, Cục Xuất nhập khẩu mới đây đã có Công văn số 1116/XNK-TLH về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ. Theo đó đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tim-loi-giai-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-truoc-song-gio-cuoc-phi-van-tai-144065.html