Tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua 300 hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Trưng bày bao gồm 300 hiện vật, hình ảnh, chia thành 3 nội dung: 'Đường tới Điện Biên Phủ,' 'Điện Biên Phủ - Trận Quyết chiến chiến lược' và 'Hào khí Điện Biên.'

Triển lãm có ý nghĩa giáo dục lịch sử cho công chúng, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 26/4, trưng bày chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật.

Trưng bày được chia thành 3 nội dung: "Đường tới Điện Biên Phủ," "Điện Biên Phủ - Trận Quyết chiến chiến lược" và "Hào khí Điện Biên."

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết cuộc trưng bày giới thiệu tới công chúng những dấu ấn đậm nét về trận quyết chiến chiến lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam.

“Thông qua trưng bày, công chúng cũng thấy được sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ của ngày thành lập 22/12/1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành,” ông Hà phát biểu.

Các em học sinh sẽ có cơ hội hiểu hơn về lịch sử. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Với hơn 300 ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có nhiều ảnh, tài liệu, hiện vật mới được khai thác, sưu tầm và lần đầu tiên đưa ra trưng bày, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Trưng bày khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,” ông Hà nêu rõ.

Chiếc mũ của Bác Hồ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Hai bảo tàng giới thiệu nhiều hiện vật giá trị, chẳng hạn như chiếc mũ cát và chiếc võng dù mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng tại chiến khu Việt Bắc. Theo lời kể của ông Võ Trường, chiến sỹ bảo vệ Bác thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chiếc võng đã được Bác sử dụng trên đường đi công tác từ Tân Trào sang đèo De, đèo Lát, thành Cóc, Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang). Mỗi khi đi công tác, Bác đều mang theo võng để nghỉ trưa.

Hay như bộ lễ phục và đôi giày Bác sử dụng trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp năm 1946 lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm, khẩu súng cacbin Người tặng Trung tướng Phạm Kiệt năm 1950) kèm lời dặn: “Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy.”

Trưng bày kéo dài đến ngày 20/10 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh./.

Máy điện thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng tại Mường Phăng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tim-hieu-ve-chien-dich-dien-bien-phu-qua-300-hien-vat-tai-bao-tang-ho-chi-minh-post942395.vnp