Tìm giải pháp tín dụng để ngành lâm, thủy sản giữ vững vị thế xuất khẩu tỉ USD

Ngày 12/4, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo 'Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD' tại Hải Phòng. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú dự và điều hành Hội thảo.

Cùng dự có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hải Phòng; Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, hiệp hội và lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.

Quang cảnh Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá cao Hội thảo đã đi vào vấn đề cụ thể, bàn đến những vướng mắc thực chất để giải quyết vấn đề. Ông khẳng định: Các lĩnh vực liên quan đến tín dụng ngành nghề rất quan trọng hiện nay, trong đó có chính sách cho vay tín dụng gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản. Để chính sách đi vào cuộc sống thì Ngân hàng Nhà nước cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn để công tác giải ngân đạt kết quả tốt nhất. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức Hội nghị để ngân hàng và doanh nghiệp tin tưởng lẫn nhau, đẩy mạnh việc cho vay.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”

"Gói cho vay tín dụng gói 30.000 tỷ đồng là một trong những cơ chế chính sách rất cụ thể, tích cực, hiệu quả được Chính phủ rất ủng hộ. Sau khi giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng mà đạt hiệu quả, tạo được cú hích cho doanh nghiệp phát triển vươn lên, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng báo cáo Chính phủ, nâng gói này lên có thể là 45.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong cơ chế chính sách nói chung về cho vay tín dụng, sẽ cần phải xây dựng những cơ chế chính sách khác phù hợp để nhanh chóng giải ngân, thúc đẩy phát triển ngành lâm, thủy sản.

Dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,53 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu đạt 3,36 tỉ USD, tăng 96,5%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng lâm sản là 3,61 tỉ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỉ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%...

Để đạt được kết quả ấn tượng này, bên cạnh những nỗ lực từ ngành nông nghiệp, còn có sự đồng hành từ ngành ngân hàng, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời.

Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai dành riêng cho ngành lâm sản, thủy sản đã gỡ nút thắt tài chính cho các doanh nghiệp. Đây là những chính sách vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sau giai đoạn “gồng gánh” khó khăn thời kỳ COVID-19.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng, với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Chỉ sau chưa đầy 1 năm triển khai, gói tín dụng này hoàn thành giải ngân cho trên 6.000 lượt khách hàng. Tốc độ này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm - thủy sản là rất lớn. Đây được xem là giải pháp thiết thực và ý nghĩa, thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng biên tập Báo Lao Động phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận, tìm giải pháp trong việc đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, gỡ các “nút thắt” về tín dụng, đặc biệt với các lĩnh vực như chế biến, xuất khẩu, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển theo hướng bền vững".

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lâm sản, thủy sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, cũng như hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước trình bày tham luận.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2024, tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngày 20/2/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng để trở thành gói 30.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các Ngân hàng thương mại.

Đến nay các Ngân hàng thương mại đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế trên 17.500 tỉ đồng, đạt 58,3% tổng doanh số cam kết cho vay Chương trình (theo quy mô 30.000 tỉ đồng) với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó: Doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỉ đồng, chiếm 74,3% tổng doanh số cho vay với trên 5.000 lượt khách hàng vay vốn, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỉ đồng, chiếm 25,7% tổng doanh số cho vay với trên 1.460 lượt khách hàng vay vốn. Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn đối tượng khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay, khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm 17%.

Việc triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc giúp 2 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gạo, hàng rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ) và đang trên đà phục hồi trong những tháng đầu năm 2024.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận, hiến kế để dòng vốn tiếp tục chạy mạnh vào nền kinh tế, trong đó có ngành lâm, thủy sản, cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn chung của ngành lâm - thủy sản.

Phó Tổng giám đốc Agribank- Phùng Thị Bình tham luận tại Hội thảo

Cụ thể, ngành ngân hàng kiến nghị, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu…, đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng, các dự án khả thi, đủ pháp lý.

Đồng thời các sở, ban, ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt nhu cầu khách hàng, những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp được kịp thời.

Đại Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tim-giai-phap-tin-dung-de-nganh-lam-thuy-san-giu-vung-vi-the-xuat-khau-ti-usd-post291507.html