Tìm giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển. Dù còn rất nhiều dư địa, nhưng đến nay vì nhiều lý do nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Nhằm tìm giải pháp khai thác tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có để phát triển bền vững nuôi biển, sáng 25/11, báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Chưa hết dư địa nuôi biển

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế. Dù vậy, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ, điều kiện tự nhiên và môi trường biển của Việt Nam khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn. Đối tượng nuôi biển hiện cũng khá phong phú. Ngoài các loài cá biển có giá trị cao (cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, cá giò, cá hồng), còn có tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển…

2 năm trở lại đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thủy sản vẫn đứng vững và phát triển. Tăng trưởng từ đầu năm 2023 đến nay duy trì tương đối ổn định, giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 28% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp.

Năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, với tổng sản lượng đạt gần 750.000 tấn. Dự kiến trong năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn. Nuôi biển mang lại giá trị kinh tế lớn cho các thành phần kinh tế, đóng góp quan trọng vào mục tiêu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thủy sản, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Mặc dù vậy, phát triển nuôi biển biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp. Trong đó, nổi cộm là vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ.

Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế. Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường) chưa phát triển đồng bộ…

Sản lượng thủy sản Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 800.000 tấn.

Sản lượng thủy sản Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 800.000 tấn.

Chuyển hướng nuôi biển công nghệ cao

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

“Để phát triển bền vững nuôi biển, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, kiểm soát thủy sản giống nuôi biển vận chuyển lưu thông trong nước, phát hiện và xử lý nghiêm các trường xuất bán giống ra ngoài tỉnh không đăng ký kiểm dịch theo quy định…” - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh.

Theo đó, chủ trương phát triển ngành thủy sản là “Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Để thúc đẩy phát triển nuôi biển, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Hoan kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn cơ sở nuôi biển, về kỹ thuật các lồng, bè nuôi trên vùng biển để các địa phương có cơ sở pháp lý trong quản lý. Đồng thời, xây dựng cơ chế liên kết giữa hoạt động nuôi biển với các ngành kinh tế khác.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với ngư dân về khai thác thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với ngư dân về khai thác thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT định hướng phát triển ngành nuôi biển theo hướng công nghiệp, với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới.

Một trong những giải pháp để cụ thể hóa định hướng trên là Bộ NN&PTNT sẽ tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa với nuôi trồng và chế biến hải sản. Đồng thời, yêu cầu, giám sát các hệ thống nuôi biển phải có công nghệ hòa hợp với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các Hội, Hiệp hội đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, người nuôi và nhà khoa học, để từ đó phát huy lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển nuôi biển, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản nói chung và phát triển nuôi biển nói riêng.

“Bộ NN&PTNT cam kết luôn đồng hành cùng các địa phương, tổ chức, cá nhân, Hội, Hiệp hội cùng các đơn vị liên quan để thúc đẩy nhanh các nhiệm vụ, đưa nuôi biển là khâu đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030…” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-nuoi-bien-viet-nam.html