Tìm giải pháp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Ngày 9/6, UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành và 150 hội viên tiêu biểu, đại diện cho trên 130.000 hội viên nông dân trong tỉnh. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã tham dự.

Buổi đối thoại nhằm tìm giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đây là dịp để hội viên nông dân bày tỏ nguyện vọng, đóng góp ý kiến về các chủ trương, chính sách và kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Từ đó, tỉnh Trà Vinh có những giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Tại buổi đối thoại, các hội viên nông dân có nhiều ý kiến, kiến nghị đối với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành về cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương; tăng nguồn vốn ủy thác cho Hội Nông dân thực hiện các mô hình, nâng mức vốn vay ưu đãi cho hội viên nông dân thực hiện dự án phát triển kinh tế hộ, nâng mức vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên nông dân, đặc biệt là hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất trồng lúa; nâng phụ cấp tiền lương đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn… Nhiều hội viên kiến nghị tỉnh có chính sách, biện pháp hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ; có biện pháp kiểm soát giá vật tư đầu vào, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giả… Những nội dung này đã được lãnh đạo các sở, ngành liên quan giải đáp cụ thể.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Toàn (thị xã Duyên Hải) Phan Thanh Điền kiến nghị, UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất HĐND nâng phụ cấp tiền lương đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn và nâng mức hỗ trợ cho Chi hội trưởng; đồng thời đề xuất tỉnh có giải pháp thu hút lực lượng trí thức là con em nông dân quay trở về địa phương công tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Trường Giang thông tin đến hội viên về mức phụ cấp, hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp khóm theo quy định của tỉnh. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương nâng mức phụ cấp, hỗ trợ này. Bộ Nội vụ đã ghi nhận ý kiến của địa phương để tổng hợp, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Đông thông tin đến hội viên Nghị quyết 03/NQ-HĐND về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và hướng dẫn nông dân cách tiếp cận; những quy định trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; việc quản lý và xử lý các hộ xả thải từ nuôi tôm công nghệ cao…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: giá cả nông sản không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao, dịch bệnh gia tăng, liên kết sản xuất chưa bền vững, lưu thông hàng hóa bị hạn chế dẫn đến nông sản của tỉnh có giai đoạn bị tồn đọng... Các ngành chức năng và cán bộ, hội viên nông dân đã tích cực, chủ động và có kế hoạch ứng phó, ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân theo các quy định của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh.

Ông Lê Văn Hẳn chỉ đạo Hội Nông dân tiếp thu các phản ánh, đề xuất, ý kiến, kiến nghị cán bộ, hội viên trong tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh phân công các sở, ngành tập trung giải quyết theo thẩm quyền, từng bước tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân cùng cấp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp. Các sở, ban, ngành chủ động, tích cực tham mưu, hướng dẫn thực hiện, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của tỉnh; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách đến với hội viên. Các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay; duy trì hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân đảm bảo công khai, dân chủ, đúng mục đích.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phần lớn sản xuất tự phát không theo nhu cầu người tiêu dùng nên khó đáp ứng thị trường tiêu thụ và yêu cầu xuất khẩu, vì vậy thường xuyên rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”. Để giải bài toán này, giúp tăng giá trị nông sản, Trà Vinh cần sản xuất theo chuỗi giá trị, thắt chặt các liên kết: tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, nhà khoa học, doanh nghiệp tiêu thụ, đơn vị tư vấn pháp luật.

Hiện nay, Trà Vinh chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên khó có lượng hàng hóa lớn tập trung. Vì vậy, tỉnh cần mở rộng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi. Nông dân cần tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Cùng với đó, chính quyền địa phương chọn cây trồng vật nuôi chủ lực để phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, có thể liên kết với các tỉnh lân cận để có lượng hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Thanh Hòa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tim-giai-phap-ho-tro-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung-i696455/