Tìm giải pháp giao dịch vật liệu nhựa và dệt may thứ cấp qua nền tảng thương mại điện tử

Chiều ngày 11/4, tại Hà Nội, UNDP Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn 'Giao dịch vật liệu nhựa và dệt may thứ cấp qua nền tảng thương mại điện tử'.

Sự kiện với sự tham dự của các đại biểu đến từ: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội tái chế Việt Nam, đơn vị tái chế, thu gom, sản xuất cùng các chuyên gia đến từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, GIZ; các doanh nghiệp công nghệ, chủ đầu tư nền tảng thương mại điện tử

Hiện mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa, và khoảng 33% trong số đó được tái chế. Quản lý rác thải nhựa không hiệu quả, từ khâu thu gom đến xử lý, sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất và biển, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, tập trung mạnh mẽ vào định hướng tái chế, xem chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên.

Được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường (EPR) 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tái chế chất thải, đặc biệt là vật liệu nhựa.

Toàn cảnh hội thảo tham vấn

Tuy nhiên, ngành tái chế Việt Nam đang đối mặt sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung đầu vào đối nhựa PET, PP và PE. Nguồn phế liệu nhựa trong nước pha tạp phế liệu hỗn hợp và chất lượng thấp, trong khi chi phí thu mua lại cao do hạn chế về cơ sở hạ tầng thu gom, thực thi phân loại rác tại nguồn kém hiệu quả và thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng cho ngành tái chế.

Trước thực trạng trên, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đặt mục tiêu thúc đẩy các thị trường trực tuyến cho nguyên liệu thứ cấp ở Việt Nam, khởi đầu đối với ngành nhựa và dệt may.

Sáng kiến này được tài trợ từ Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức (BMZ) và được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ. Với vai trò là sáng kiến đối tác công - tư của UNDP và Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam sẽ đóng vai trò kết nối các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, hiệp hội và các tác nhân khác, hỗ trợ phát triển các nền tảng thị trường cũng như chia sẻ kiến thức và phổ biến các hội thảo của dự án đến Mạng lưới.

Hội thảo nhằm tham vấn các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, xác định nhu cầu của các đơn vị để định hướng phát triển một thị trường minh bạch và được đón nhận rộng rãi; Tạo không gian để các nhà đầu tư và công ty công nghệ khám phá các cơ hội đầu tư và đổi mới công nghệ, phục vụ quá trình xây dựng thị trường trực tuyến. Đồng thời, rà soát các quy định hiện hành cho một thị trường trực tuyến về vật liệu nhựa và dệt may thứ cấp, mở đường cho việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho phép thúc đẩy giao dịch vật liệu thứ cấp an toàn và hiệu quả thông qua các nền tảng kỹ thuật số.

Trước đó, tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2227/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước. Theo đó, nhựa phế liệu chỉ được nhập khẩu tái chế đến hết ngày 31/12/2024. Điều này khiến nguồn cung ngoài nước bị siết chặt trong tương lai gần.

Tình trạng nguồn cung phế liệu không ổn định đã cản trở việc mở rộng quy mô thị trường và làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm từ vật liệu tái chế.

Ông Patrick Haverman Phó trưởng đại diện Thường trú, UNDP Việt Nam cho hay: "Nhu cầu về vật liệu nhựa trong nước, dù là nhựa nguyên sinh hay tái chế, mới chỉ được đáp ứng khoảng 20%. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược chuyển đổi số mang đến các giải pháp đầy hứa hẹn trên toàn chuỗi giá trị tái chế, đơn giản hóa việc tái chế cho người tiêu dùng, tăng cường thu gom, cải thiện nhận diện vật liệu, hỗ trợ tuân thủ quy định và tạo ra thị trường cho các vật liệu tái chế".

Theo ông Patrick Haverman, Việt Nam vẫn thiếu vắng thị trường trực tuyến uy tín và minh bạch nhằm thúc đẩy việc trao đổi, mua bán nguyên vật liệu thứ cấp. Những nền tảng hiện có thường không đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng và tính bền vững của vật liệu; trong khi đó, các tập đoàn lớn - các đơn vị có nhu cầu vật liệu tái chế cao - lại yêu cầu khắt khe đối với nguyên vật liệu đầu vào nhằm đáp ứng các chiến lược cung ứng có trách nhiệm và bền vững.

Do đó, thị trường trực tuyến dành cho ngành nhựa và dệt may được triển khai thí điểm là giải pháp kịp thời, giải quyết các khoảng trống hiện tại và tận dụng các cơ hội từ quy định EPR và nhu cầu tái chế dệt may toàn cầu.

Nền tảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch phế, phụ phẩm nhựa và may mặc trên cơ sở trực tuyến thông qua việc kết nối người bán và người mua. Đồng thời, nền tảng sẽ giúp gia tăng tính minh bạch của giao dịch và hỗ trợ xác minh nguồn gốc các sản phẩm tái chế được sản xuất từ các nguyên liệu này.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-giai-phap-giao-dich-vat-lieu-nhua-va-det-may-thu-cap-qua-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-314182.html