Tìm dư địa tăng trưởng những tháng cuối năm

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi thì mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8,5% của Đồng Nai trong năm 2023 rất khó đạt được.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom). Ảnh: V.Gia

Từ cuối quý II-2023 đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn, song với mức tăng trưởng thấp của nửa đầu năm, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp (DN) để tìm dư địa tăng trưởng dựa trên những lĩnh vực có tính khả thi cao.

* Áp lực lớn

Trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP của tỉnh tăng 4,01%, đây là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng lâu nay luôn là thế mạnh của tỉnh, nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,8%. Bước sang tháng 7, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tiếp tục khó khăn như các tháng đầu năm, đơn hàng sản xuất vẫn còn thiếu. Các DN đang phải rất nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm để duy trì sản xuất.

Giám đốc Công ty CP ICD Tân Cảng Long Bình
(TP.Biên Hòa) Phan Anh Tuấn cho hay, đơn vị làm dịch vụ xuất - nhập khẩu cho các DN. Đến thời điểm hiện tại, sản lượng hàng qua cảng cạn giảm khoảng 20% so với năm trước. Theo ông Tuấn, trong bối cảnh khó khăn của DN và sụt giảm của tổng cầu thế giới thì việc giữ được mức như hiện nay cũng đã là nỗ lực lớn, gần đây đã có những dấu hiệu hồi phục.

Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam thì không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Khảo sát tại nhiều DN cho thấy một thực tế là khó khăn không chỉ đơn lẻ ở lĩnh vực nào, mà kéo theo cả dây chuyền. Điều đó thể hiện rõ khi số lượng DN tạm dừng hoạt động, phá sản tăng cao, gần bằng số DN thành lập mới.

Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN đang gặp nhiều ách tắc về vấn đề pháp lý, tiếp cận vốn. Một số lĩnh vực chủ lực như: dệt may, da giày, chế biến gỗ phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh, Chi hội trưởng Hội Doanh nhân trẻ Biên Hòa Phạm Thế Linh chia sẻ, đối với các chủ DN, ưu tiên trước hết là duy trì được sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn từ mọi phía, thị trường chưa tốt hơn thì buộc DN phải tìm cách thích nghi, nếu không sẽ rất khó để tồn tại chứ chưa nói đến việc hồi phục.

* Khai thác những lĩnh vực thế mạnh

Đánh giá chung về triển vọng kinh tế những tháng cuối năm, các chuyên gia đều cho rằng, năm 2023, Việt Nam muốn tăng trưởng đạt 6,5% thì cần nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực khi mặt bằng lãi suất đang được “hạ nhiệt”, các chương trình thúc đẩy đầu tư công vào giai đoạn tăng tốc. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô cũng sẽ là điều kiện để có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong gần 7 tháng của năm 2023, tổng vốn đầu tư trong nước là 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 14 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng đầu tiên của quý III-2023, đã có những tín hiệu tích cực hơn. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có 3 tháng liên tiếp tăng trưởng. Tháng 7-2023, xuất khẩu của Việt Nam gần 29,7 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Tính đến ngày 20-7-2023, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần của DN nước ngoài trên địa bàn cả nước là hơn 16,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đồng Nai, trong tháng 7-2023, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng hơn 0,85% so với tháng trước; thương mại, dịch vụ tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng. Trong đó, trái sầu riêng, chuối có nhiều tiềm năng để mở rộng xuất khẩu khi được cấp mã số vùng trồng... Dù còn nhiều khó khăn, song đây vẫn là những dấu hiệu tích cực.

Hiện các DN đang đẩy mạnh liên kết, xúc tiến đầu tư để có thêm đơn hàng duy trì sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Trong đó, DN tập trung khai thác những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và tìm kiếm thị trường mới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh Nguyễn Thị Hoàng lưu ý, trong những tháng cuối năm phải tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, các sở, ngành làm rõ những khó khăn cụ thể; chủ động rà soát hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn và tiếp cận được những chính sách ưu đãi. Trong đó, việc hỗ trợ về thị trường, thương mại được coi là giải pháp mà DN rất cần trong giai đoạn hiện nay.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202308/tim-du-dia-tang-truong-nhung-thang-cuoi-nam-3173273/