Tìm dư địa ở các thị trường triển vọng

Gần nửa đầu năm 2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm có quy mô lớn của Việt Nam đều sụt giảm đã tác động lớn đến các DN ở trong nước.

Sản phẩm găng tay cao su của Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) đang tìm đường để xuất khẩu qua thị trường Úc. Ảnh: V.Gia

Sản phẩm găng tay cao su của Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) đang tìm đường để xuất khẩu qua thị trường Úc. Ảnh: V.Gia

Để bù đắp cho sự sụt giảm đó, cộng đồng DN đang nỗ lực tìm thị trường mới, đồng thời tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, nhất là với những ngành hàng và thị trường có triển vọng.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Xuất khẩu đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu trên thế giới là điều đã được dự báo từ trước. Tình hình này đã bắt đầu vào những tháng cuối của năm 2022 và có khả năng còn kéo dài đến hết năm nay nếu các nền kinh tế lớn, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chưa thoát khỏi suy thoái.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, phần lớn nhóm ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn chưa hồi phục. Cụ thể như, tính từ đầu năm đến ngày 15-6, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,9 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, giảm 18,9%; xuất khẩu hàng dệt may đạt 14,1 tỷ USD, giảm 15,3%...

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ được 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, các sản phẩm gỗ chế biến sâu giảm tới 38%.

Tương tự, tại Đồng Nai, xuất khẩu trong tháng 5 đạt hơn 1,8 tỷ USD, cộng dồn 5 tháng là hơn 8,5 tỷ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của các khối DN, Nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều giảm do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn. Những mặt hàng không thiết yếu bị ảnh hưởng mạnh hơn vì xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu được điều chỉnh lại.

Theo Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP.HCM (VCCI HCM) Trần Ngọc Liêm, qua khảo sát tại nhiều DN ở các địa phương trong khu vực cho thấy mức sản xuất của nhiều công ty giảm gần một nửa. Theo ông Liêm, sau thời gian dài bám trụ, các DN đang rất khó khăn, đứng trước sự tồn vong. DN cần được hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, tìm kiếm đơn hàng.

* Khai thác các thị trường và mặt hàng có mức tăng trưởng tốt

Trong tổng thể bức tranh chung thì khó khăn vẫn còn tiếp diễn song cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn cho kỳ vọng tăng trưởng trở lại. Đơn cử như trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đã có sự tăng nhẹ với hơn 3,1% so với tháng 4-2023.

Đặc biệt, nhìn lại tình hình xuất khẩu có thể thấy, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngược dòng sụt giảm chung, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đều có sự tăng trưởng, nhất là xuất khẩu rau, củ, quả. Mới đây, Đồng Nai đã tổ chức lễ xuất khẩu 360 tấn sầu riêng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Sầu riêng là mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của Đồng Nai.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An (H.Tân Phú) Phạm Văn Nhanh kỳ vọng với diện tích 200ha sầu riêng đã đạt chuẩn VietGAP, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua đường chính ngạch sang Trung Quốc của HTX nói chung và các xã viên sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi nếu các DN nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và chủ động kịch bản thích ứng để tận dụng tốt hơn các cơ hội xuất khẩu. DN cần tận dụng tối đa ưu đãi của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi tại 60 thị trường lớn trên thế giới.

Giám đốc VCCI TP.HCM Trần Ngọc Liêm nhận định, thị trường Trung Quốc, đặc biệt là Úc, khu vực Trung Đông đang có triển vọng tốt, bù đắp cho sự sụt giảm ở khu vực Âu - Mỹ. Do vậy, các DN cần nhạy bén để tìm các đối tác hợp tác.

Đối với ngành Công thương, theo Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh, ngành đã triển khai nhiều giải pháp khai phá điểm nghẽn đầu ra cho sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tập trung cho việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tìm đơn hàng mới, mở rộng thị trường. Bộ xác định những thị trường mới, còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, ASEAN... sẽ có các giải pháp để hỗ trợ DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại, bán hàng.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/tim-du-dia-o-cac-thi-truong-trien-vong-3170141/