Tìm động lực cho chứng khoán bứt phá 6 tháng cuối năm

Bước sang 6 tháng còn lại của năm, thị trường được kỳ vọng tiếp tục hồi phục mạnh khi những chính sách Chính phủ ban hành thẩm thấu vào nền kinh tế, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

6 tháng đầu năm 2023, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng 11,2%, trở thành thị trường hồi phục tốt nhất khu vực Đông Nam Á nhờ nhiều chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Bước sang 6 tháng còn lại của năm, thị trường được kỳ vọng tiếp tục hồi phục mạnh khi những chính sách Chính phủ ban hành thẩm thấu vào nền kinh tế, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Trình bày báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giữ vững hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn, mặc dù trải qua nhiều biến động mạnh. Xét về tổng thể, tình hình kinh tế - xã hội phát triển khả quan, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là những yếu tố tạo nền tảng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau khi bục đáy trở thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới vào giai đoạn cuối năm 2022, VN-Index đã lội ngược dòng thành công, vượt qua tất cả các thị trường chứng khoán khác ở Đông Nam Á về mặt tăng trưởng điểm số.

Tính đến ngày 30/6, VN-Index đạt 1.120 điểm tương ứng tăng 11,2% so với đầu năm, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 227,32 điểm, tăng 10,7%. Trong khi đó, chỉ số PCOMP của Philippines giảm 0,7% so với đầu năm, chỉ số STI của Singapore giảm 1,8%, chỉ số JCI của Indonesia giảm 2,7% chỉ số FBMKLCI của Malaysia giảm 7,1% và chỉ số SET của Thái Lan, giảm 10,7% so với đầu năm.

CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TĂNG CAO NHẤT KHU VỰC

Đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi ba yếu tố chính gồm: Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm mạnh lãi suất điều hành; hàng loạt quy định được Chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế; Chính phủ mở rộng chính sách tài khóa bằng cách thúc đẩy đầu tư công và giảm hoặc hoãn thuế.

Xét theo nhóm ngành, dịch vụ tài chính trở thành nhóm tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp theo là thép và dầu khí. Theo đó, từ đầu năm 2023, dịch vụ tài chính tăng 42,8%, thép tăng 37,0%, dầu khí tăng 29,1% và xây dựng tăng 26,5%. Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính tăng giá mạnh nhất do việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ cải thiện triển vọng ngành thông qua giảm chi phí vốn và thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường, giúp cải thiện thu nhập từ phí. Dầu khí tăng 29,1% so với đầu năm nhờ kỳ vọng các hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) sôi động hơn, giá dịch vụ thượng nguồn (chẳng hạn như khoan) tăng và phân phối xăng dầu phục hồi.

Mặt khác, các ngành du lịch và giải trí giảm 7,1% so với đầu năm, đồ uống giảm 4,2%, sản xuất thực phẩm giảm 4,0% và cung cấp nước và khí đốt giảm 4,0% là những ngành có hiệu suất kém nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.

Sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn cá nhân trong nước. Dòng vốn nội trỗi dậy mua ròng mạnh kể từ tháng 4 ngay khi Ngân hàng Nhà nước có đợt cắt giảm lãi suất điều hành đầu tiên vào cuối tháng 3/2023.

Theo đó, trong tháng 4, cá nhân trong nước đã mua ròng 3.474 tỷ đồng, tự doanh mua ròng 699 tỷ đồng, tổng cộng hai nhóm này mua ròng 4.173 tỷ đồng. Từ tháng 4 đến tháng 6, cá nhân trong nước mua ròng 12.508 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm giá trị ròng 8.037 tỷ đồng do tháng đầu năm nhóm này bán ròng mạnh 4.878 tỷ đồng.

Cùng với việc mạnh tay mua ròng, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 104.624 tài khoản trong tháng 5, đây mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Con số này tiếp tục được duy trì tăng trưởng trong tháng 6 với 145.856 tài khoản được mở mới. Tính đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số.

Trái ngược với xu thế mua bán của nhà đầu tư cá nhân trong nước, vốn ngoại sau khi mua ròng gần 7.000 tỷ đồng trong quý 1 đã chuyển sang bán ròng 5.193 tỷ đồng trong quý 2 do dòng vốn ngắn hạn có xu hướng rút khỏi thị trường Việt Nam khi mặt bằng lãi suất tại Việt Nam quay đầu giảm và trở nên kém hấp dẫn hơn so với một vài khu vực và thị trường phát triển khác. Việc đẩy mạnh bán ra trong quý 2 đã đưa giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn vỏn vẹn 191 tỷ đồng trong 6 tháng qua.

Trong bối cảnh vốn nội ồ ạt trở lại thị trường, tỷ trọng thanh khoản của nhà đầu tư nước ngoài giảm từ 11,1% vào tháng 1/2023 xuống còn 7,8% vào tháng 6/2023.

NỖ LỰC CHO MỤC TIÊU NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG

Về hoàn thiện khung pháp lý, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý theo đúng chương trình đề ra.

Theo đó, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước; đã hoàn thiện dự thảo 02 Thông tư: (i) về hướng dẫn hình thức đóng góp, mức đóng góp, trích lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán, quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý và (ii) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.

Đồng thời, UBCKNN đã tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn để có đánh giá, tổng kết thi hành và kiến nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hoạt động mới của thị trường.

Về công tác giám sát, thanh kiểm tra trên thị trường chứng khoán, trong 6 tháng năm 2023, trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, kết quả thanh kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó xử phạt hai trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng; một số vụ việc xử phạt đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Về hoạt động tổ chức thị trường, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả là, về năng lực tài chính của các công ty chứng khoán, tính đến hết quý 1/2023, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán là 230.134 tỷ đồng, tăng 27,4%; tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; đối với các công ty quản lý quỹ, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các công ty quản lý quỹ thống kê tại thời điểm hết tháng 5/2023 ước tính khoảng 600 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm cuối năm 2022, hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ là ổn định và có lãi.

Riêng đối với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh là nhiệm vụ cần sự đồng thuận và phối hợp triển khai không chỉ của riêng thị trường chứng khoán mà còn cả sự tham gia của các bộ, ngành liên quan.

Việc thống nhất về quan điểm giữa các bộ, ngành để triển khai hoặc sửa đổi quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện cho công tác nâng hạng thị trường là yếu tố rất quan trọng.

Trong các vấn đề còn vướng mắc để nâng hạng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong thẩm quyền của mình đã và đang triển khai đồng thời các giải pháp tháo gỡ, đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tháo gỡ hai vấn đề trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng.

BA ĐỘNG LỰC CHÍNH CHO CHỨNG KHOÁN CUỐI NĂM 2023

Nếu như 6 tháng đầu năm 2023, thị trường hồi phục chủ yếu nhờ Chính phủ tiếp tục quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Ngân hàng Nhà nước hạ mặt bằng lãi suất và các cơ quan chức năng cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục hồi phục nhờ các chính sách này thực sự thẩm thấu vào nền kinh tế.

Theo đó, sẽ có ba động lực chính cho thị trường từng bước thiết lập các vùng đỉnh cũ.

Động lực thứ nhất là đầu tư công. Sau hàng loạt giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công của Chính phủ, mới đây nhất, Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2022 đạt 25,68% kế hoạch và đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So sánh với tháng trước, tính riêng trong tháng 6 vừa qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước đó. Về con số tuyệt đối cũng cao hơn, trên 65.000 tỷ đồng so với con số giải ngân trong nửa đầu năm 2022...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

An Nhiên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tim-dong-luc-cho-chung-khoan-but-pha-6-thang-cuoi-nam.htm