Tìm cách kéo người tiêu dùng Trung Quốc đến với nông sản Việt qua kênh trực tuyến

Việc đưa nông sản của Việt Nam thâm nhập vào các địa phương nằm sâu trong thị trường nội địa ở Trung Quốc thông qua kênh trực tuyến đang được hướng tới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt có sự chuẩn bị kỹ càng (như khâu logistics, tuân thủ các quy tắc, giá cạnh tranh…), tránh tâm lý 'đi ngắn, thu nhanh' để có thể đi đường dài ở thị trường chủ lực này trên nền tảng trực tuyến xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết, vừa rồi có đi khảo sát ở Trung Quốc thì thấy rằng dư địa cho nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này là còn rất lớn.

địa còn rất nhiều

“Nếu như trước đây, 90% nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ ở 3 tỉnh là Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, còn hiện nay khi đi sâu vào các tỉnh, thành phố ở quốc gia này, từ Hà Nam, Thượng Hải cho đến Triết Giang, Hồ Bắc…sẽ thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân ở đây đối với nông sản Việt như sầu riêng, xoài cùng những loại trái cây khác còn rất nhiều”, ông Tiến nói.

Dư địa cho trái cây của Việt Nam thâm nhập vào các địa phương nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc là rất lớn.

Dư địa cho trái cây của Việt Nam thâm nhập vào các địa phương nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc là rất lớn.

Qua cuộc khảo sát này, theo chia sẻ của ông Tiến, đã có được những dữ liệu rất tốt để các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam có thể livestream (phát sóng trực tiếp) trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nhằm bán nông sản vào thị trường Trung Quốc.

Để làm điều này, phía Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp đã thí điểm hướng tới thuê kho ngoại quan ở các địa phương nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Để từ đó đưa các sản phẩm của Việt Nam sang tập kết tại hệ thống kho này, trước hết là tập trung ở các mặt hàng nông sản chế biến như yến, trái cây chế biến, rau củ quả, gạo, cà phê….Sau đó, khi đẩy mạnh được hệ thống logistics tốt hơn thì sẽ mở rộng sang sản phẩm trái cây tươi.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp TMĐT ở Trung Quốc ở các tỉnh nằm sâu trong đất liền đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Cho nên, khi DN của Việt Nam đưa nông sản nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng TMĐT sẽ rất phù hợp với xu thế tiêu dùng của Trung Quốc. Điều này cũng giúp các DN được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định.

Cho nên, việc hỗ trợ DN Việt đẩy mạnh bán nông sản trên nền tảng TMĐT ở Trung Quốc là rất cần thiết trong lúc này. Nhất là khi 2/3 người dân Trung Quốc đang có xu hướng mua hàng trực tuyến (online).

Cũng theo ông Tiến, để thích ứng với xu thế TMĐT, trong năm 2024 sắp tới sẽ kết nối để đưa nông sản Việt lên các nền tảng mạng xã hội lớn của Trung Quốc như Tiktok, Douyin…

Cần nhắc thêm, hồi tháng 7/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp của Việt Nam đã có buổi làm việc trực tiếp với một tập đoàn về TMĐT ở Trung Quốc nhằm hợp tác xây dựng và vận hành “Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội tại Trung Quốc.

Hoặc như hồi đầu tháng 12/2023, nhiều DN, HTX là chủ thể OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của một địa phương có thế mạnh về nông sản ở vùng Đông Nam Bộ đã tham gia vào một sự kiện tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua TMĐT do Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức.

Thông qua đó, trong thời gian tới những sản phẩm phù hợp ở địa phương này sẽ được lựa chọn giới thiệu, kết nối vào kho ngoại quan tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) với hệ thống kho trải rộng khắp nội địa Trung Quốc, giúp cho việc xuất khẩu (XK) nông sản hiệu quả sản phẩm qua hình thức TMĐT xuyên biên giới.

Tránh tâm lý đi ngắn, thu nhanh

Có thể thấy Trung Quốc hiện đang là điểm sáng trong XK nông lâm thủy sản của Việt Nam giữa bối cảnh XK sang hầu hết các thị trường chủ lực đều gặp khó khăn. Trong năm 2023 này, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn với nông sản Việt, đặc biệt là rau quả (trong đó đáng chú ý như sầu riêng) với nhu cầu tăng từ vài trăm triệu đã lên đến hàng tỷ USD. Điều này càng tạo thêm cơ hội để XK nông sản Việt vào thị trường này qua kênh trực tuyến.

Tính trong 11 tháng năm 2023, trong tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam (ước đạt 4,79 tỷ USD) thì giá trị XK sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng với XK trái cây, trong điểm sáng XK vào Trung Quốc thì rủi ro cũng bắt đầu khi thị trường này mở cửa cho nhiều loại trái cây của Philippines, Malaysia…Một số DN của Việt Nam khi sang Trung Quốc khảo sát thì thấy cách đóng gói của các đối thủ cạnh tranh khác với chúng ta rất nhiều, hệ thống logistics của họ cũng tốt hơn.

Chính vì vậy, để tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng trái cây Việt trước các đối thủ, giới chuyên gia cho rằng ngoài việc tăng thế mạnh thông qua XK trực tiếp theo đường chính ngạch thì một trong những giải pháp là các DN Việt cần có sự chuẩn bị sẵn sàng XK sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình TMĐT xuyên biên giới và phải tuân thủ các quy tắc liên quan của nền tảng TMĐT.

Xét về triển vọng thị trường tiêu thụ trái cây trực tuyến ở Trung Quốc, đứng ở góc độ DN hàng đầu về XK trái cây chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho biết mới đây có một đối tác Trung Quốc đã qua Việt Nam gặp để đề nghị tham gia vào “bệnh viện online trái cây”.

Theo ông Viên, người tiêu dùng Trung Quốc không thích ăn rau, họ thích trái cây hơn và với họ, thì trái cây chính là thực phẩm chữa lành. Đó chính một trong những nguyên do khiến nhu cầu ăn trái cây từ Việt Nam (như sầu riêng) của người tiêu dùng Trung Quốc bùng nổ mạnh trong năm nay.

Các DN Việt cũng cần lưu ý, để nông sản của họ có thể vào các chuỗi hệ thống siêu thị online tại Trung Quốc không dễ. Đầu tiên, họ cần phải làm thương hiệu cho sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc, cách tốt nhất là làm riêng thương hiệu cho thị trường này (giống như cách mà Vinamit làm thương hiệu riêng cho mít sấy).

Để kéo người tiêu dùng nội địa Trung Quốc đến gần hơn với nông sản Việt thông qua kênh trực tuyến thì đòi hỏi các DN Việt phải tạo dựng được thị trường trên các sàn TMĐT ở quốc gia này, nghĩa là họ chỉ bán những thứ mà người tiêu dùng Trung Quốc đã biết tới. Nếu các DN làm được điều đó, thì chính các sàn TMĐT ở Trung Quốc sẽ chủ động đặt vấn đề phân phối trực tuyến.

Thực ra, có không ít DN Việt dù đã có những mặt hàng nông sản chế biến khá tốt và đã có thị trường, nhưng khi đưa lên “chợ online” quốc tế được một thời gian thì phải “hồi hương”. Nguyên nhân do áp lực chi phí lưu kho lớn, nếu càng bán chậm họ sẽ càng lỗ.

Vì thế, khi đã nhắm đến việc đưa nông sản Việt vào sâu thị trường nội địa ở Trung Quốc qua kênh trực tuyến thì các DN Việt cần lưu tâm mặt hạn chế như vậy, nên tránh tâm lý đi ngắn, thu nhanh. Thay vào đó, các DN nên chọn con đường dài, rộng và một cách khôn ngoan (như giảm chi phí thuê kho, giá cạnh tranh, chiết khấu hấp dẫn, chiến lược tiếp thị khôn ngoan, chất lượng tốt..) để bước sâu vào thị trường rộng lớn này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tim-cach-keo-nguoi-tieu-dung-trung-quoc-den-voi-nong-san-viet-qua-kenh-truc-tuyen-1097067.html