Tìm cách giải bài toán thể chế, quản trị và liên kết vùng

Ngày 12/12, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023.

Đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, hàng trăm chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Quang cảnh lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2023

Quang cảnh lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2023

Báo cáo do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fullbright thực hiện. Trưởng nhóm nghiên cứu là TS Vũ Thành Tự Anh và 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia thực hiện. Các dữ liệu kinh tế được thu thập tổng hợp bởi VCCI chi nhánh ĐBSCL từ nhiều nguồn khác nhau.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, cho biết, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng gần như không có sự thay đổi. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do vùng này phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.

Vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn, chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng tuy có cải thiện, song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng. Đáng chú ý tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của ĐBSCL vẫn cao nhất nước, vì thế thu nhập bình quân của ĐBSCL luôn thấp hơn bình quân cả nước. Có 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư - kinh doanh; và cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng.

Báo cáo năm 2023 xác định thể chế, quản trị, và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.

Nguyệt Đỗ

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tim-cach-giai-bai-toan-the-che-quan-tri-va-lien-ket-vung-118835.aspx