TikTok tại Trung Quốc: Kiểm soát, quản lý chặt

Nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang và tiếp tục tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok - ứng dụng phổ biến thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, viện dẫn các mối đe dọa bảo mật, gây ảnh hưởng xấu tới người dùng…

TikTok bị hạn chế ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ

Người dân Trung Quốc nói gì về những sự hạn chế này, cũng như cách để thoát khỏi những video nhảm trên nền tảng này.

TikTok là tên gọi bản quốc tế, ở Trung Quốc, TikTok được viết riêng cho người dùng, mang tên Dou Yin (Đẩu âm), chịu sự giám sát của cơ quan An ninh mạng Trung Quốc. Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Đổng Mộng Dĩnh, 29 tuổi, ở Thành Đô, Tứ Xuyên, đang hành nghề bán hàng online trên các nền tảng bán hàng của Trung Quốc như Alibaba, Tao bao, cho biết lệnh cấm không ảnh hưởng gì đến những người dùng ở Trung Quốc, vì Dou Yin chỉ là một trong nhiều kênh quảng cáo bán hàng mà cô sử dụng. Ngoài ra, theo cô Đổng Mộng Dĩnh, các nội dung trên Dou Yin đều được kiểm soát rất kỹ, quản lý rất chặt, nếu có sai phạm sẽ bị phạt từ 10.000 - 20.000 nhân dân tệ (tùy tình trạng vi phạm) nên không ai muốn đưa các nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng xấu với người khác.

Trong khi đó, anh Triệu Vũ Kiện, 42 tuổi, ở Bắc Kinh, một nhân viên văn phòng, cho biết có 2 vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng: một là, lệnh cấm này chỉ mang tính “chữa cháy”, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Theo kinh nghiệm cá nhân, anh đã từng cấm con trai 10 tuổi chơi game online, nay cháu chuyển sang nghiện Dou Yin; dù đã có kiểm duyệt gắt gao nhưng vẫn có vài clip mang nội dung không phù hợp lứa tuổi, nên kinh nghiệm rút ra từ việc cấm này là cần có ứng dụng hoặc hình thức thay thế lành mạnh hơn. Ngoài ra, cần nhìn nhận về tính hiệu quả của ứng dụng, là nền tảng xã hội nổi tiếng được sử dụng nhiều thứ 6 thế giới với các video ngắn, vui nhộn, thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và 150 triệu người dùng tại Mỹ.

Tính đến nay, có 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên - gồm Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC). 3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn là Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.

Việc gần 300 triệu người dùng TikTok trong độ tuổi từ 10-19 tuổi, gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp TikTok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm 2022, tăng hơn 300% trong vòng 1 năm. Theo anh Triệu Vũ Kiện, khi kiếm được tiền quá nhanh, quá nhiều, quá dễ có thể khiến người ta mắc sai lầm, không quan tâm đến lợi ích người khác, không chia sẻ phúc lợi đến mọi người…

Nhiều nước cấm vì lý do bảo mật

- Australia ngày 4-4-2023: xóa khỏi tất cả thiết bị thuộc sở hữu của Chính phủ liên bang

- Ấn Độ năm 2020: ban hành lệnh cấm đầu tiên. Tháng 1-2021: lệnh cấm vĩnh viễn

- Anh: London công bố lệnh cấm cài đặt TikTok lên thiết bị của chính phủ

- Lãnh thổ Đài Loan tháng 12-2022: cấm trên thiết bị của chính phủ và đang xem xét lệnh cấm rộng hơn

- Mỹ tháng 12-2022: Thượng viện thông qua cấm TikTok trên tất cả các thiết bị của Chính phủ

- New Zealand: Xóa khỏi tất cả các thiết bị được kết nối với mạng không dây của Quốc hội

- Canada tháng 2-2023: cấm ứng dụng này trên các thiết bị của Chính phủ

- EU tháng 2-2023: cấm cài đặt TikTok trên điện thoại của nhân viên thuộc cơ quan mình

- Afghanistan năm 2022: Chính quyền Taliban đã tuyên bố cấm hoàn toàn ứng dụng

Tổng hợp: Lam Điền - Đồ họa: Mỹ Trang

PHƯƠNG AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiktok-tai-trung-quoc-kiem-soat-quan-ly-chat-post685574.html