Tiểu thương chợ truyền thống: Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng hiện đại

Những năm gần đây, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã chủ động thích ứng, thay đổi tư duy kinh doanh, hướng đến cung cấp đa dạng các dịch vụ tiện ích và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Tiểu thương tại chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn khách hàng quét QR Code để thanh toán

Chợ truyền thống là nơi giao thương hàng hóa và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và hoạt động thương mại điện tử đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại chợ truyền thống. Nhiều người tiêu dùng đã có xu hướng mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại hoặc mua trực tuyến thay vì đến chợ. Trước thực tế đó, các tiểu thương tại chợ truyền thống đã từng bước thay đổi, đa dạng hóa cách thức phục vụ, mẫu mã sản phẩm để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Bà Lê Kim Dung, chủ quầy bán đồ gia dụng tại chợ Giếng Vuông, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để có thể giữ chân và thu hút khách hàng, cùng với chú trọng chất lượng sản phẩm, tôi đã chủ động điều chỉnh cách thức bán hàng, cung cấp nhiều dịch vụ hơn như: giao hàng tận nơi; sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, tôi cũng nhập đa dạng mẫu mã, với nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, hiện nay, hoạt động kinh doanh được duy trì ổn định, trung bình mỗi ngày, tôi bán ra được trên 30 sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng Ban quản lý chợ Giếng Vuông cho biết: Hiện nay, chợ Giếng Vuông có khoảng 700 tiểu thương kinh doanh. Trước sự cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường, các tiểu thương chủ động nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các tiểu thương thích ứng với xu hướng thanh toán hiện đại, Ban quản lý chợ đã phối hợp với một số ngân hàng trên địa bàn như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn… hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng và cung cấp mã QR miễn phí cho tiểu thương. Hiện trên 80% tiểu thương kinh doanh tại chợ đều có tài khoản ngân hàng và được trang bị mã QR để thanh toán trực tuyến.

Không chỉ trên địa bàn thành phố, tại khu vực nông thôn – nơi chợ truyền thống vẫn đóng vai trò là kênh mua sắm, trao đổi hàng hóa chủ yếu của người dân, các tiểu thương cũng đã nhanh chóng bắt nhịp và có những thay đổi nhất định trong hoạt động kinh doanh. Điển hình như tại chợ Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia. Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật, Trưởng Ban quản lý chợ Pác Khuông cho biết: Chợ họp 5 ngày một phiên vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 (âm lịch) hằng tháng. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút gần 200 tiểu thương đến kinh doanh. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, có trên 50% tiểu thương có tài khoản ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, một số tiểu thương còn cung cấp các dịch vụ như: giao hàng tận nơi; nhận sơ chế đồ thực phẩm tươi sống… Nhờ đó, hoạt động giao thương tại chợ phát triển ổn định, đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 80 chợ truyền thống với khoảng 6.000 tiểu thương. Theo khảo sát, đánh giá của ngành công thương, với các yếu tố như: sự chủ động của các tiểu thương trong việc bắt kịp xu thế kinh doanh hiện đại, đa dạng dịch vụ và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; nhiều chợ truyền thống được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng; việc mua sắm tại chợ ngày một thuận tiện từ đi lại cho đến các hình thức thanh toán… đã giúp hoạt động giao thương tại chợ truyền thống thời gian qua vẫn diễn ra sôi động.

Chị Hoàng Thị Ngọc Luân, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, khi mua sắm tại chợ, tôi đều phải sử dụng tiền mặt để thanh toán nên đôi khi khá bất tiện. Tuy nhiên hiện nay, chủ sạp hàng tại các chợ, từ hàng bán rau đến quần áo, giày dẹp, đồ gia dụng… đều có tài khoản ngân hàng hoặc mã QR giúp quá trình thanh toán thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng cung cấp các dịch vụ mua sắm theo nhu cầu khiến tôi rất hài lòng.

Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, đa phần tiểu thương tại các chợ truyền thống đều đã có sự thay đổi trong cách thức kinh doanh để phù hợp với xu thế hiện đại. Nhờ đó, góp phần giúp các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả. Đây là yếu tố rất quan trọng để thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu Sở Công Thương triển khai các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng chợ. Đồng thời, phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý trật tự kinh doanh tại các chợ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Có thể thấy, với sự đổi thay về cách thức phục vụ, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén bắt kịp xu hướng tiêu dùng của các tiểu thương đã góp phần tạo ra sức sống mới cho chợ truyền thống. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ.

Hiệu quả kinh doanh từ các chợ truyền thống góp phần đưa hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 được gần 18.347 tỷ đồng, đạt 68,2% kế hoạch, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2022.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/601367-tieu-thuong-cho-truyen-thong-bat-kip-xu-huong-hien-dai-de-kinh-doanh.html