Tiêu thụ giảm sút, thị trường bia lao đao trong cơn gió ngược

Việt Nam - Một trong những quốc gia nổi tiếng về niềm đam mê đối với bia - đang chứng kiến một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp bia. Những cơn gió ngược của suy thoái kinh tế đã hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng bia và khiến cho ngân sách gia đình chỉ dành cho những nhu cầu thiết yếu.

Việt Nam đã lọt vào top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dưới tác động của suy thoái kinh tế, ngân sách gia đình đang phải cắt giảm ở nhiều mặt hàng, bao gồm cả tiêu dùng rượu bia, mặc dù đây là niềm đam mê của nhiều người Việt.

Tình hình chưa sáng sủa

Các nhà sản xuất bia lớn như Heineken và Carlsberg đã ghi nhận sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng, đặc biệt tại thị trường Việt Nam.

Theo Giám đốc điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink, Heineken đã ghi nhận sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm nay. Nhà sản xuất bia này cho biết kết quả kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam, một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam", ông Dolf nói.

Nhà sản xuất bia Hà Lan đã đề xuất bổ sung thêm 500 triệu USD trong số tiền đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, nơi hãng đang vận hành 6 nhà máy.

Giám đốc điều hành Carlsberg, ông Cees't Hart, cũng cho biết thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý 2 do suy thoái kinh tế.

Những nhà phân tích cho biết nhu cầu mua sắm bia vẫn đang chậm lại. Các doanh nghiệp phải tổ chức chiến dịch khuyến mãi và quảng cáo để bán sản phẩm. Một số đại lý bia cũng cho biết thị trường bia năm nay đặc biệt chậm lại cả ở phân khúc bán buôn và bán lẻ. Sức mua tại các hệ thống phân phối bán lẻ rất yếu so với cùng kỳ năm 2022.

Hai ông lớn ngành bia lao đao nửa đầu năm 2023

Hai ông lớn ngành bia lao đao nửa đầu năm 2023

Tăng trưởng doanh thu của Thai Beverage, công ty mẹ của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn cũng được dự đoán sẽ chậm lại. Sabeco đã ghi nhận giảm 11% trong doanh thu trong nửa đầu năm, và chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, Lisa Lee, cho rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu vẫn chậm trong nửa đầu năm nay và trong thời gian còn lại của năm và năm 2024.

Theo báo cáo tổng hợp, công ty bia miền Bắc Habeco đã ghi nhận doanh thu giảm 2,6% trong quý II so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù công ty đã cố gắng cắt giảm các chi phí như quản lý, bán hàng, quảng cáo và khuyến mại, nhưng giá nguyên vật liệu tăng mạnh đã làm tăng giá vốn hàng bán và giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của Habeco. Do đó, trong quý I, Habeco đã ghi nhận lỗ sau thuế là 3,7 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên công ty ghi nhận lỗ kể từ quý I/2020. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, công ty có lãi 34,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo cả hai công ty này cho biết nguyên nhân chính của sự suy giảm trong kết quả kinh doanh của họ là do thị trường yếu đi. Nhu cầu tiêu dùng đã giảm do áp lực giảm chi tiêu của người dùng có thu nhập thấp trong năm nay, và điều này đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất kinh doanh và tiêu thụ của cả hai thương hiệu bia này. Ngoài ra, Nghị định 100/CP quy định xử phạt người đi xe máy sử dụng rượu bia đã được siết chặt tại các thành phố trọng điểm, đã làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ bia trong những tháng đầu năm 2023.

Lợi nhuận sau thuế của Habeco và Sabeco.

Lợi nhuận sau thuế của Habeco và Sabeco.

Tương lai đầy thử thách

Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, cho biết: "Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10% - 20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Hiệp hội đã đề nghị chính phủ trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống."

Mặc dù giá bia có thể rất rẻ ở Việt Nam, chỉ 10.000-11.000 đồng/cốc nhưng mọi người đang cố gắng cắt giảm chi tiêu. Một số người, như thợ sửa xe Hoàng Xuân Đinh, 52 tuổi, cho biết đã giảm một nửa số lần đi uống bia với bạn bè từ 8 lần xuống chỉ còn 4 lần/tháng.

Chị Nguyễn Thu Hương đang kinh doanh tại một salon nhỏ ở Đội Cấn, chia sẻ: "Tôi đã khuyên chồng bớt uống bia để tiết kiệm mua những thứ thiết yếu như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và tiền điện. Thậm chí tôi còn chủ động mua bia về để chồng uống ở nhà cho tiết kiệm".

Mặc dù tỷ lệ lạm phát vẫn tương đối thấp, dưới 3%, nhưng tình hình kinh tế đang trì trệ khiến nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng. Xuất khẩu cũng đã ghi nhận suy giảm trong 6 tháng liên tiếp do nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm.

Khảo sát của Bloomberg cho thấy mức tăng trưởng 5% trong quý III kết thúc vào tháng 9, tăng so với mức 4,4% trong quý trước. Tuy rằng đây sẽ là quý tăng trưởng thứ hai liên tiếp, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu 6,5% của chính phủ cho cả năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm xuống còn 4,7%. Tổ chức này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài khóa để hỗ trợ hoạt động kinh tế, do những hạn chế trong việc áp dụng chính sách tiền tệ.

Theo S&P Global Market Intelligence, do nhu cầu vẫn yếu, nhiều công ty đã miễn cưỡng tăng cường tuyển dụng, dẫn đến sự giảm nhẹ trong việc làm trong tháng 8. Điều này giải thích tại sao nhiều "quán xá" trên khắp cả nước, nơi mà người dân thường tập trung để uống bia sau giờ làm việc, đang trải qua sự giảm sút trong doanh số bán hàng.

Mỹ Châu

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tieu-thu-giam-sut-thi-truong-bia-lao-dao-trong-con-gio-nguoc-1095642.html