'Tiểu thịt tươi' không còn là mẫu chàng trai vạn người mê ở Trung Quốc

Ngày nay, mẫu đàn ông lý tưởng ở đất nước tỷ dân đã thay đổi so với trước kia.

Gần đây, bộ phim hình sự "Cuồng phong" đang nổi như cồn ở Trung Quốc, trở thành tâm điểm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Các nam diễn viên ngoài 40 tuổi là Trương Tụng Văn và Trương Dịch trong bộ phim đều nhận được sự mến mộ cuồng nhiệt của khán giả. Sự đón nhận tích cực với những "nam thần" trung niên của công chúng cho thấy người dân xứ Trung đang tìm kiếm sự khác biệt với "tiểu thịt tươi".

Trước đây, "tiểu thịt tươi" là xu hướng phát triển của làng giải trí Trung Quốc. Đây là cụm từ để gọi những người đàn ông có vẻ ngoài thanh tú, trắng trẻo, mang vẻ đẹp phi giới tính. Mặc dù vậy, theo tờ Jing Daily, hiện nay những nam diễn viên có hình ảnh chững chạc, trưởng thành đang là lựa chọn an toàn hơn so với các idol trẻ tuổi.

Bộ phim "Cuồng phong" với dàn diễn viên lớn tuổi.

Thời của những "ông chú"

Chen Liang, đối tác quản lý của công ty tiếp thị éClair, tin rằng sự gia tăng của những gương mặt trung niên cũng được chính quyền khuyến khích bởi diễn viên thực lực cần được công nhận và phát triển hơn những thần tượng lưu lượng. Trong thời gian qua, nhiều idol trẻ ở xứ Trung đã bị "ngã ngựa" bởi lối sống lệch lạc và phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp.

Những nhân vật nổi tiếng trong độ tuổi 40 mang đến sự lựa chọn an toàn hơn cho các nhà sản xuất phim và các thương hiệu muốn tiếp cận thị trường rộng rãi với tệp khách hàng đa dạng. Với danh tiếng được xây dựng từ lâu, Cổ Thiên Lạc và Hồ Binh đều nhận không ít hợp đồng quảng cáo dù tuổi của họ đã "quá dừ".

Công chúng Trung Quốc giờ đây cũng theo xu hướng thích những người đàn ông chững chạc, nam tính và trưởng thành. Họ được mặc định là những người sống có trách nhiệm, kinh tế ổn định và vững vàng.

Các "ông chú" nhận được sự tin tưởng nhiều hơn.

"Khủng hoảng nam tính" ở Trung Quốc

Hình ảnh các "tiểu thịt tươi" trắng trẻo, trang điểm đậm đã khiến xã hội Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng mà báo chí gọi là "khủng hoảng nam tính". Chính quyền địa phương hiện đang kêu gọi các trường học nên tăng cường các lớp giáo dục thể chất để giúp thanh thiếu niên khỏe mạnh và "nam tính hơn".

Năm 2018, một trường trung học cơ sở ở Hàng Châu đã mở các lớp học leo núi bởi hiệu trưởng tin rằng: "Các em học sinh nam quá yếu, chúng cần một môn thể thao nam tính hơn".

Trung Quốc muốn nam giới phải mạnh mẽ, nam tính hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh việc thế nào mới gọi là người đàn ông "nam tính". Trong khi chưa tìm được câu trả lời dứt khoát cho điều này thì việc chọn các ngôi sao nam ở độ tuổi trung niên, mang vẻ ngoài từng trải đầy mạnh mẽ là giải pháp hàng đầu hiện nay.

Nó cũng phản ánh phần nào xã hội của đất nước tỷ dân đang dần thay đổi cách nhìn về “tiểu thịt tươi” và chuyển sang sự lựa chọn an toàn, hợp tình hợp lý hơn.

Ngọc Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/34-tieu-thit-tuoi-34-khong-con-la-mau-chang-trai-van-nguoi-me-o-trung-quoc-a595654.html