Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9: Truyền thụ kinh nghiệm từ thực tiễn

Là lực lượng kiêm nhiệm cứu hộ, cứu nạn (CHCN) của Quân khu, thời gian qua, Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 chú trọng huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm cho hạ sĩ quan-binh sĩ (HSQ-BS).

Hoạt động này giúp các đối tượng nắm chắc cấu tạo, tính năng, vận hành máy móc, trang bị CHCN an toàn, hiệu quả; qua đó đơn vị luôn có đội ngũ kế thừa chất lượng, sẵn sàng mọi mặt, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Tiểu đoàn Vượt sông 4 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu sập đổ công trình; dò tìm, thu gom, xử lý bom mìn. Vì vậy, đơn vị biên chế nhiều trang bị tiên tiến, hiện đại, tuy được chuyển giao công nghệ nhưng lực lượng vận hành không nhiều nên HSQ-BS là đối tượng tập trung huấn luyện đáp ứng yêu cầu khi có tình huống. Như Trung sĩ Kim Sựa, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 10 chia sẻ: “Những kiến thức bổ ích qua các lần tập huấn, bồi dưỡng giúp tôi sử dụng máy cắt bê tông, kìm banh cắt... trong các trường hợp như quan sát địa hình, kiểm tra máy, kê các khối bê tông trước khi cắt, yếu tố đảm bảo an toàn bản thân và nạn nhân… Không những vậy, tôi còn truyền đạt kinh nghiệm, nâng cao ý thức cho anh em trong tiểu đội”.

Sự thuần thục kỹ năng, nắm chắc các phương án cứu hộ, cứu nạn của hạ sĩ quan-binh sĩ là nhờ những cán bộ có kinh nghiệm truyền đạt.

Trung sĩ Nguyễn Hữu Tài, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 9, Đại đội 12 tốt nghiệp chuyên ngành Vượt sông Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh có nhiều lợi thế khi tập huấn CHCN. Hữu Tài cho biết: “Học ở trường, được tiếp cận nhiều trang bị nên khi chỉ huy hướng dẫn, tôi không gặp nhiều khó khăn trong sử dụng. Điều quan trọng là sức khỏe tốt để mang vác thiết bị, cơ động nhanh đến vị trí CHCN”.

Sự thuần thục kỹ năng, nắm chắc các phương án CHCN của HSQ-BS là nhờ những cán bộ có kinh nghiệm truyền đạt. Thượng úy Trần Thế Quang, nhân viên Lái xe Đại đội 12 kể: “Ngoài lái xe, tôi còn học lớp cơ khí và thường xuyên tham gia tập huấn CHCN do Binh chủng Công binh tổ chức. Năm 2007, tôi bắt đầu tham gia CHCN từ vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ với nhiệm vụ cắt bê tông, chuyển thương. Với nhiều năm kinh nghiệm tôi được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ cùng đơn vị tham gia CHCN tại hiện trường và thực hành diễn tập khu vực phòng thủ các địa phương. Riêng HSQ-BS là lực lượng trẻ, khỏe nên truyền đạt kinh nghiệm cho anh em là cần thiết, giúp xử trí các tình huống nhanh hơn. Chủ yếu huấn luyện anh em sử dụng phương tiện cầm tay như lắp ráp thang 3 đoạn, máng trượt trên tầng cao cứu người bị thương, đóng cọc, bắt dây cáp chuyển người nhanh, an toàn nhất”.

Thượng úy Thạch Chai, nhân viên Lái ca nô Đại đội 12 cũng là một trong những cán bộ đa năng khi anh còn biết lái xe bánh xích, sử dụng máy phát điện và vật chất CHCN mới. “Khả năng bao quát công việc của HSQ-BS còn hạn chế, đôi khi chủ quan. Do vậy, tôi truyền thụ công tác an toàn, nhắc nhở anh em luôn cẩn trọng khi CHCN. Quá trình huấn luyện, tôi hướng dẫn anh em sử dụng thiết bị dễ tháo lắp, mang vác, nêu rõ tình huống để không lúng túng. Ví như trước khi sử dụng máy phát điện phải kiểm tra động cơ, nhiên liệu, bố trí đường dây hoặc thấy nạn nhân bị kẹt thì kê, chống an toàn mới đưa nạn nhân ra. Đồng thời, nếu gặp trục trặc có nhiều phương án thay thế thiết bị”, Thượng úy Thạch Chai chia sẻ.

Tiểu đoàn Vượt sông 4, Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9 thao diễn ứng cứu nạn nhân trong vụ sập đổ công trình. Ảnh: NGỌC THUẬN

Ở Đại đội 10, Thượng úy Lê Văn Bé Ngân, nhân viên Lái xe Trung đội 4 được chỉ huy giao nhiệm vụ “trợ giảng”, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ sử dụng và quy tắc bảo đảm an toàn. Theo Thượng úy Lê Văn Bé Ngân, ngoài lái xe, anh còn kiêm nhiệm quản lý, sử dụng xe CHCN đa năng với nhiều thiết bị hiện đại. Khi hướng dẫn anh em, anh đưa ra nhiều tình huống thực tế để mọi người thao tác hiệu quả nhất. Với thiết bị đệm khí nhảy cứu người từ nhà cao tầng, anh huấn luyện cách nhảy và hướng dẫn người bị nạn nhảy xuống an toàn nhất”. Thượng úy Đinh Tấn Tài, Phó Đại đội trưởng Đại đội 10, cho biết: “Không phải lúc nào cũng đủ lực lượng chuyên môn nên phải sử dụng HSQ-BS thực hiện nhiệm vụ; vì vậy, chúng tôi bố trí đồng chí kinh nghiệm và đồng chí mới cùng xử trí tình huống khi tập huấn, bồi dưỡng”.

Bên cạnh chương trình huấn luyện theo kế hoạch, đơn vị tranh thủ thời gian nghỉ giai đoạn huấn luyện bổ sung cho HSQ-BS những vấn đề cần thiết CHCN. Trung tá Đặng Như Hiền, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 4 chia sẻ: “Chúng tôi tập trung huấn luyện khai thác sử dụng trang bị mới cho các đối tượng; đồng thời, cập nhật hình ảnh, clip từ các đợt hội thao CHCN do Bộ Quốc phòng tổ chức giúp anh em thêm thông tin và kinh nghiệm xử trí. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng cơ động khi có lệnh”.

Xác định CHCN là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, Lữ đoàn luôn chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, xây dựng, bổ sung các kế hoạch, phương án phù hợp. Duy trì chặt chẽ các chế độ trực, tổ chức luyện tập, sẵn sàng về mọi mặt trong mọi tình huống. “Với đặc thù là lực lượng Công binh chủ lực của Quân khu, Lữ đoàn được giao quản lý, khai thác một số lượng lớn vũ khí, khí tài, phương tiện và trang bị kỹ thuật đa dạng về chủng loại, phân cấp và niên hạn sử dụng. Đây là tiền đề thuận lợi cho nhiệm vụ CHCN của đơn vị, tuy nhiên cũng đặt ra một số khó khăn trong công tác quản lý, khai thác do lực lượng phân tán, quân số chưa đảm bảo. Do đó, Lữ đoàn thường xuyên tập huấn, truyền thụ kinh nghiệm cho lực lượng kế cận, nhất là HSQ-BS. Cùng với đó, đơn vị làm tốt công tác động viên, chính sách hậu phương quân đội nên anh em an tâm tư tưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng tá Đỗ Văn Trường, Phó lữ đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 25, thông tin.

HỮU TÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tieu-doan-vuot-song-4-lu-doan-cong-binh-25-quan-khu-9-truyen-thu-kinh-nghiem-tu-thuc-tien-738277