Tiêu cực đăng kiểm: Chỉ thị của Thủ tướng có bị bỏ quên và câu hỏi trách nhiệm?

Cuối năm bao giờ cũng là khoảng thời gian mà các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có những khoảng thời gian 'nóng' nhất trong năm.

Nhưng năm nay cái “nóng” của các trung tâm đăng kiểm lại hoàn toàn khác khi một loạt gương mặt từ cấp cao nhất của cơ quan này từ Trung ương đến các nhân viên tại các xưởng thay nhau “xộ khám”.

Người dân nhiều địa phương đã phải vất vả, mòn mỏi, thức trắng đêm để tìm cho ra một chỗ để làm công việc đăng kiểm, thậm chí lái xe xuyên qua, lòng vòng từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng chỉ cốt xong thủ tục đăng kiểm kịp có xe chạy Tết.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phải thốt lên, chưa bao giờ chứng kiến cảnh người dân phải xếp hàng, vất vả đi đăng kiểm xe như thế này.

Một facebooker đã hài hước, hình như mấy năm gần đây cứ vào dịp cuối năm âm lịch đều phải xếp hàng, hoặc là xếp hàng đợi test Covid, hoặc là xếp hàng đợi đổ xăng. Nhưng không ai nghĩ năm nay lại phải xếp hàng để chờ đăng kiểm xe.

Lời thốt của ông Phó Cục trưởng chỉ đúng một phần. Bởi cũng chưa bao giờ, ngành đăng kiểm xe cơ giới phải chứng kiến những tiêu cực bị phanh phui với nhiều nhân viên bị bắt tạm giam như thế.

Tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra đã thống nhất bổ sung vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho hay vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm "không phải là tham nhũng vặt, mà có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn lắm".

Mới nhất ngày 13/1/2023, Thủ tướng Chính phủ khi đến dự hội nghị ngành Giao thông vận tải đã phải trực tiếp chỉ đạo sau những vụ việc vừa qua với ngành đăng kiểm thì Bộ Giao thông vận tải cần phải nghiêm túc xem lại công tác đăng kiểm ô tô, có những kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tổ chức lại công tác này.

Những tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm được cơ quan chức năng ngoài Bộ Giao thông Vận tải phanh phui trong những ngày vừa qua không phải mới mẻ gì.

Cách đây gần 9 năm, ngày 12/4/2014, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 08/CT-TTg nêu lên các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải.

Trong bản Chỉ thị này đã nêu rõ thực trạng một số cán bộ quản lý, đăng kiểm viên có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ quy trình đăng kiểm, bỏ qua lỗi an toàn kỹ thuật,... nên nhiều phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Đọc lại những dòng trên, không khó để nhận ra là những dòng nhận định này từ gần 9 năm trước tưởng như vẫn có thể được dùng để nói về một thực trạng của công tác đăng kiểm xe hiện tại mặc dù ngay sau 1 tuần có Chỉ thị trên của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp với Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan về dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động và phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm”. Và bản thân Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng giao cho một vị Phó Cục trưởng trực tiếp lo công tác này.

Đăng kiểm xe cơ giới (Ảnh có tính chất minh họa)

Đăng kiểm xe cơ giới (Ảnh có tính chất minh họa)

Đề án đã làm được những gì, chưa làm được những gì? Trách nhiệm của người trong cuộc đến đâu? Dư luận có quyền đặt câu hỏi như thế với Bộ chủ quản.

Ngay ở phần đầu tiên của Chỉ thị nói trên của Thủ tướng, giải pháp với bộ chủ quản đã được nêu rất rõ. Theo đó Bộ Giao thông Vận tải “khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện các quy định về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải…”

Đặc biệt, cần có biện pháp hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm trong thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực hoặc có vi phạm nghiêm trọng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ…”

Người đứng đầu Chính phủ khi đó đã trực tiếp giao Bộ Giao thông Vận tải “chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; luân chuyển, bố trí hợp lý cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực…”.

Đã gần 9 năm từ khi có Chỉ thị của Thủ tướng.

Bản thân ông Nguyễn Tô An cũng thừa nhận những sai phạm của các trung tâm đăng kiểm vừa được phát hiện gần đây tại 13 địa phương trên cả nước như cơn sóng thần “càn” qua lĩnh vực đăng kiểm để lại hậu quả sâu sắc và đau đớn, khiến thành quả hàng chục năm công sức của bao thế hệ trong lĩnh vực đăng kiểm xây dựng bị sụp đổ.

Một thời ngành Đăng kiểm Việt Nam từng rất tự hào khi nơi đây có được một đội ngũ lao động có chất lượng, trình độ cao nhất nhì cả nước. Nay thì niềm tự hào đó chỉ còn là hình bóng một thời thì quả thực không làm sao đau xót cho được.

Ông Phó Cục trưởng đã thông tin rằng, sắp tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có những rà soát để “có cải cách, đột phá để quản lý lĩnh vực đăng kiểm, hạn chế tối đa tiêu cực”.

Nhưng rồi Cục có đủ sức làm được hay không? Và Bộ Giao thông Vận tải - với vai trò chủ quản - có làm được hay không?

Để xây dựng được một hình ảnh mới, một niềm tự hào mới cho ngành Đăng kiểm, không thể không làm.

Và khó mấy cũng phải làm được.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tieu-cuc-dang-kiem-chi-thi-cua-thu-tuong-co-bi-bo-quen-va-cau-hoi-trach-nhiem-239033.html