Tiết kiệm điện thể hiện sự văn minh quốc gia

Trước tình trạng khủng hoảng năng lượng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đối mặt với nguy cơ thiếu điện trước các đợt nắng nóng như thiêu đốt, nhiều quốc gia đã phát động các 'chiến dịch tiết kiệm điện', coi đó là nét văn hóa thể hiện sự văn minh của người dân.

Hành vi tiết kiệm điện gồm hai khía cạnh cơ bản là hành động theo thói quen như cắt giảm trực tiếp và điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen sử dụng, đầu tư vào thiết bị công nghệ tiết kiệm điện mà không thay đổi lối sống. Điển hình như người tiêu dùng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho các thiết bị có gán nhãn tiết kiệm điện.

Thế hệ trẻ cần thấm nhuần văn hóa tiết kiệm điện.

Trong khi các biện pháp tiết kiệm của các quốc gia khi triển khai nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân thì một số đã phản đối. Theo những thiểu số này việc tiết kiệm điện, như tắt ánh sáng nơi công cộng, sẽ gây mất an ninh, ngăn cản du lịch, kéo theo là “bóng tối, nghèo đói và hiu quạnh”. Số khác thì cho rằng, tiết kiệm điện của mỗi cá nhân không phải là giải pháp căn cơ, không khả thi mà phải có chiến lược dài hạn của chính phủ như xây dựng nhà máy, chuyển đổi hệ thống năng lược quốc gia, áp dụng công nghệ “xanh”…

Để thay đổi và điều chỉnh hành vi tiết kiệm điện của người dân, chính phủ các nước đã tăng cường tuyên truyền và khuyến khích người dân thực hiện tiết kiệm điện. Hơn thế nữa, hành vi tiết kiệm điện nói riêng, năng lượng nói chung còn được coi như một nét văn minh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Nhật Bản được đánh giá là quốc gia thành công trong nỗ lực kêu gọi và thuyết phục người dân tiết kiệm điện. Chính phủ Nhật Bản thường xuyên kêu gọi các gia đình và các ngành công nghiệp thúc đẩy tiết kiệm điện trong mùa hè cao điểm. Nổi tiếng phải kể đến chiến dịch "Cool Biz" (Công sở mát mẻ) do Thủ tướng Koizumi phát động vào mùa hè năm 2005, theo đó, khuyến khích các nhân viên ăn mặc những bộ quần áo đơn giản, mát mẻ và giảm sử dụng điều hòa trong những tháng mùa hè.

Thủ tướng Koizumi đã cam kết sẽ không đeo cà vạt trong suốt chiến dịch, ngoại trừ những cuộc họp cấp cao. Trong chiến dịch Cool Biz lần thứ nhất, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng.

Nhật Bản khuyến khích các nhà hàng, văn phòng trồng các loại cây xanh để tạo bóng râm và làm mát không phí bên trong. Sử dụng các thiết bị điện thông minh, tiết kiệm năng lượng là lựa chọn được đa số người dân Nhật Bản lựa chọn. Số đông người dân Nhật xem việc tiết kiệm nhiên liệu là trách nhiệm cá nhân và họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các loại máy móc, vật dụng “sạch”.

Nhật Bản cũng có sự chênh lệch lớn về nhu cầu điện năng giữa giờ cao điểm và thấp điểm. Giải pháp điều chỉnh chiến lược của quốc gia này là sử dụng thủy điện tích năng, nghĩa là nước được bơm lên cao vào ban đêm bằng điện dư thừa vào giờ thấp điểm và cho chảy xuống phát ra điện vào giờ cao điểm. Để giảm đỉnh phụ tải, các công sở ở Tokyo cho nhân viên đi làm vào ngày nghỉ để tránh tình trạng điện cao điểm và nhân viên cũng được nghỉ trưa dài hơn. Đặc biệt, chính quyền thành phố Gifu, tỉnh Gifu (Nhật Bản) cũng đã yêu cầu tất cả các nhân viên văn phòng trong thành phố nghỉ làm việc từ 13h-16h hàng ngày nhằm giảm lượng điện tiêu thụ trong những ngày hè.

Thú vị hơn, gần đây các công ty điện lực Nhật Bản đưa ra các phần thưởng để khuyến khích các hộ gia định giảm sử dụng điện. Theo báo chí địa phương, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thưởng khoảng 2.000 yên (14,5 đô la Mỹ) cho các hộ gia đình tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm điện thể hiện sự văn minh của Việt nam.

Hàn Quốc - quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào dầu nhập khẩu - đã đưa ra những quy định mạnh mẽ trong việc tiết kiệm điện. Theo đó, các tòa nhà tư nhân không được điều chỉnh máy điều hòa dưới 26 độ C và nhiệt độ tại các tòa nhà văn phòng công cộng cũng bị giới hạn ở trên 28 độ C từ tháng 6 đến tháng 9. Các tòa nhà tư nhân sử dụng hơn 100 kWh sẽ bị giới hạn nhiệt độ như các doanh nghiệp tiêu dùng 2.000 tấn dầu quy đổi năng lượng mỗi năm. Đối tượng nào vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won.

Bên cạnh đó, các cửa hàng bách hóa, cà phê, quần áo, mỹ phẩm, các phòng giao dịch bảo hiểm, ngân hàng… sẽ bị phạt tiền nếu bật điều hòa mà không đóng cửa. Tên của cơ quan, bộ phận không tuân thủ quy định này sẽ được nêu công khai.

Các công ty tư nhân của Hàn Quốc, vốn nổi tiếng khắt khe trong ăn mặc song cũng bị ảnh hưởng bởi "làn sóng Cool-Biz" từ Nhật Bản. Chiến dịch tương tự dưới tên gọi “Coolmaepsi”, nghĩa là “phong cách mát mẻ” cũng được phát động, giúp Hàn Quốc tiết kiệm điện năng và giảm phát thải khí nhà kính khá lớn.

Một số quốc gia châu Âu còn luật hóa việc tiết kiệm điện. Tại Bỉ, Công cộng Liên bang về Y tế, An toàn chuỗi thực phẩm và Môi trường đã luật hóa việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện như: bắt buộc học các biện pháp thực hành tiết kiệm điện khi sử dụng phương tiện đối với người tham gia giao thông; lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng khi xây dựng và vận hành tòa nhà…

Ngoài gia, Bỉ còn xây dựng trang web năng lượng là Guzzler (www.energivores.be), có chức năng tính toán lượng CO2 nhằm đánh giá hiệu suất năng lượng của các thiết bị/sản phẩm hiện có trong một ngôi nhà, văn phòng hoặc doanh nghiệp; đưa ra lời khuyên về việc sử dụng hoặc thay thế thiết bị tiết kiệm điện; gợi ý giúp người dùng lựa chọn những thiết bị/sản phẩm phù hợp trong không gian sống; tính toán khoản tiết kiệm hàng năm và thời gian hoàn vốn khi sử dụng.

Chính phủ Pháp thì triển khai "Kế hoạch An toàn Năng lượng" nhằm cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng. Nội dung đáng chú ý là quy định nhiệt độ hệ thống sưởi và điều hòa ở mức tương ứng là 19 độ và 26 độ. Ngoài ra, công chức nhà nước được yêu cầu có trách nhiệm hơn, tắt đèn không cần thiết và các thiết bị không sử dụng ở chế độ chờ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng bất cứ khi nào có thể và làm việc từ xa.

Riêng tại Paris, thành phố đưa ra mức phạt 150 euro đối với các doanh nghiệp để mở cửa sổ và cửa ra vào khi đang mở điều hòa. Nổi bật, Pháp còn thực hành tiết kiệm điện bằng “Câu lạc bộ cải thiện nhà ở” - một nền tảng học nghề trực tuyến dành cho các chuyên gia xây dựng áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện.

Công nhân điện lực đang kiểm tra đường điện.

Hiện nay, mặc dù toàn bộ hệ thống điện Việt Nam đang phải căng mình bảo đảm cung cấp điện, song vẫn không thể đáp ứng được hết nhu cầu phụ tải điện trên toàn quốc, do đó tiết kiệm điện vẫn là giải pháp quan trọng và cấp bách. Đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nước có mức lãng phí điện vô cùng lớn, hơn thế nữa nhu cầu điện năng tăng trưởng ở mức cực cao khoảng 8,5%/năm.

Qua kinh nghiệm các nước cho thấy, giải pháp đầu tiên cho Việt Nam trong việc tiết kiệm điện là tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ sự cần thiết của tiết kiệm điện, từ đó tiến tới thay đổi hành vi.

Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện... trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, cơ sở sản xuất.

Quán triệt việc tiết kiệm điện tới toàn thể cán bộ, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ, khen thưởng và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác tiết kiệm điện. Huy động nguồn lực lắp đặt và sử dụng thiết bị thông minh, tiết kiệm điện năng, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Đi kèm với yêu cầu người dân sử dụng điện có trách nhiệm thì các bộ ngành, đơn vị liên quan cũng có trách nhiệm hơn để lo bảo đảm cung ứng điện cho đất nước với tầm nhìn dài hạn, bền vững. Đặc biệt, các cơ quan công quyền phải là đơn vị “làm gương” về tiết kiệm điện. Bất cứ người đứng đầu nào để xảy ra việc lãng phí điện, năng lượng có thể bị khiển trách, thậm chí đánh giá là kém trong quản lý.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tiet-kiem-dien-the-hien-su-van-minh-quoc-gia-687183.html