Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khôi phục quýt hồng Lai Vung

ĐTO - Để vực dậy loại cây thế mạnh, UBND huyện Lai Vung đã và đang triển khai Đề án bảo tồn vườn quýt hồng giai đoạn 2020 - 2024 (gọi tắt là đề án) với diện tích hơn 547ha. Với nhiều nỗ lực, đến nay, hầu hết diện tích quýt hồng đã khôi phục và phát triển tốt, góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân tham gia Đề án bảo tồn vườn quýt hồng giai đoạn 2020 - 2024, tích cực thực hiện nhiều giải pháp khôi phục quýt hồng

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo UBND huyện Lai Vung, trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện có 348 hộ đăng ký tham gia đề án với 216,74/546,63ha (đạt 39,7%). Trong đó, diện tích khắc phục khoảng 171/197,71ha (đạt 86,6%); diện tích trồng lại khoảng 45/347,92ha (đạt 13,1%).

Để nâng cao hiệu quả đề án, thời gian qua, UBND huyện Lai Vung phối hợp sở, ngành tỉnh và các chuyên gia đến từ viện, trường tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân như: bình tuyển thêm cây đầu dòng; xây dựng nhà lưới nhân giống sạch; sản xuất và cung ứng giống, phân hữu cơ, nấm Tricodecma cho hộ tham gia đề án. Đồng thời thực hiện tuyên truyền về đề án quýt hồng, lồng ghép tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác quýt hồng...

Tham gia đề án từ khi mới bắt đầu, anh Lê Minh Mẫn ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Phước đã trồng mới 10.000m2 quýt hồng, bao gồm cả nhánh chiết và nhánh ghép. Vụ quýt Tết năm 2024, vườn quýt hồng của anh Mẫn cho trái đầu vụ, trái to, màu sắc bắt mắt nên bán được giá khá cao. Anh Mẫn cho biết: “Trong suốt quá trình canh tác, tôi luôn tuân thủ theo đúng quy trình của đề án và hướng dẫn của ngành nông nghiệp huyện. Với 800 cây quýt chiết và 400 cây quýt ghép trong vườn hiện nay thì cây nhánh ghép có sự sinh trưởng và phát triển mạnh hơn so với cây nhánh chiết”.

Là một trong những nhà vườn đầu tiên và tâm huyết với việc khắc phục dịch bệnh trên cây quýt hồng, anh Huỳnh Văn Mi Suol ngụ ấp Tân Quý, xã Tân Phước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm vực dậy diện tích 6.000m2 vườn. Anh Suol chia sẻ: “Thời gian thực hiện đề án, tôi luôn tuân thủ theo quy trình canh tác cây quýt hồng của các nhà khoa học đưa ra, sử dụng phân hữu cơ tự ủ và các chế phẩm sinh học nên vườn quýt đã phục hồi tốt. Áp dụng canh tác quy trình hữu cơ, mỗi năm, tôi bón phân hữu cơ truyền thống kết hợp với nấm Trichoderma chia làm 3 đợt. Hiện vườn quýt đang phát triển tốt, đất tơi xốp hơn và giảm được 50% chi phí vật tư nông nghiệp so với trước khi tham gia đề án”.

Tiếp tục vực dậy loại cây thế mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua tuyên truyền, hiện nay, nông dân chịu thay đổi từ sử dụng phân hóa học sang phân hữu cơ tự ủ. Hầu hết các diện tích đất thực hiện theo đề án có sự thay đổi lớn theo chiều hướng tích cực. Điều này, giúp vườn quýt hồng dần được khôi phục góp phần giữ vững diện tích và tăng thu nhập bình quân cho nông dân...

UBND huyện Lai Vung tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách để khuyến khích nhà vườn khôi phục phát triển thêm diện tích trồng quýt hồng; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đối với tất cả các vườn đã tham gia đề án. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây quýt hồng, trọng tâm của năm 2024 là hướng dẫn kỹ thuật xử lý ra hoa và chăm sóc trái non nhằm góp phần gia tăng năng suất.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lai Vung tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để sử dụng hết số lượng cây giống quýt hồng ghép hiện còn tồn đọng gửi lại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chăm sóc; tiếp tục thực hiện hợp đồng về việc cung cấp nấm Trichoderma cho các hộ tham gia đề án; phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để hỗ trợ nhà vườn thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác theo đề án, nhất là thời điểm chuẩn bị xử lý cho cây ra hoa...

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, cho biết: “Trong năm 2024, đề án phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo tồn trên 500ha quýt hồng. Vùng trồng quýt hồng sẽ tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt hồng Lai Vung”. Qua đó, góp phần bảo tồn nguồn gen cây quýt hồng bản địa, phục vụ công tác nhân giống và duy trì sản xuất bền vững, gắn với phát triển du lịch, phát huy giá trị loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của Đất Sen hồng...”.

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/tiep-tuc-trien-khai-nhieu-giai-phap-khoi-phuc-quyt-hong-lai-vung-121859.aspx