TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 ĐẾN NGÀY 31/12/2023

Sáng 09/01/2023, thực hiện chương trình Kỳ họp bất tường lần thứ 2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.

TỔNG THUẬT SÁNG 09/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH VỐN VAY LẠI NĂM 2022 CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Nghị quyết 30 - sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, nội dung các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp; là quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết; đồng thời, bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách khi đại dịch COVID-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp; đặc biệt, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, chủ động, sáng tạo, áp dụng linh hoạt, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bệnh kịp thời, đúng đắn tại thời điểm quyết định, góp phần kiểm soát dịch bệnh, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế, dịch bệnh đã được kiểm soát, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả này thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Lãnh đạo Quốc hội bấm nút biểu quyết tại phiên họp

Lãnh đạo Quốc hội bấm nút biểu quyết tại phiên họp

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết xác định rõ, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do COVID-19 là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trên thế giới và Việt Nam nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thực hiện trong bối cảnh cấp bách, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; một số nơi thực hiện giãn cách kéo dài chưa bảo đảm an sinh xã hội; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch bệnh có diễn biến phức tạp; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa một số Bộ, ngành, chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả; một số thủ tục hành chính còn chưa phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đến ngày 31/12/2023

Về các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023, Nghị quyết nêu rõ, các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15) và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết

Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15), Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Đối với việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024, Nghị quyết quy định giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, trừ các trường hợp: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược; Thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược; Thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 03 năm theo quy định của pháp luật về dược.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72267