Tiếp tục phản biện nên cấm hay nên quản thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử

Theo các chuyên gia, đề xuất của Bộ Công Thương với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử là dung hòa, hợp lý trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế, đồng thời khá tiệm cận với quan điểm của Bộ Y tế.

Ông Tạ Văn Hạ. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Tạ Văn Hạ. (Ảnh: quochoi.vn)

Cấm hay quản lý các loại thuốc lá mới, gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là vấn đề chính trong Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ngày 4/5 vừa qua.

Tại Phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt ra 2 vấn đề lớn là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử có phải là sản phẩm thuốc lá hay không, vì sao đề xuất cấm các sản phẩm này trong khi thuốc lá điếu đang được quản lý bởi Luật Đầu tư và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Khái niệm “các dạng khác” của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Hiểu thế nào cho đúng

Trong phiên giải trình, bà Trần Kim Yến, thành viên Ủy ban Xã hội nêu quan điểm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và các văn bản luật hiện tại chưa có quy định về thuốc lá mới, nên có thể hiểu các sản phẩm này không bị cấm.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định về “các dạng khác” của sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá. Vậy, cần hiểu rõ về “các dạng khác” của sản phẩm thuốc lá.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Công tác Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến nghị Bộ Y tế đưa bằng chứng khoa học dẫn đến các ứng xử khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, so với thuốc lá truyền thống.

Theo ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề xuất cấm hay không cấm, cần nhận diện sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có phải thuốc lá hay không.

Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét khoản 1 đến khoản 4, Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có định nghĩa về sản phẩm và cách sử dụng.

Trích dẫn quy định của Luật về “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”; “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”; cách sử dụng được xác định “Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá,” ông Tạ Văn Hạ cho rằng “có thể nhận diện được các sản phẩm thuốc lá mới là sản phẩm thuốc lá, vì nó có đủ những thành phần của thuốc lá.”

“Nguyên liệu thuốc lá”: Cơ sở để xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá

Trong khi khái niệm “các dạng khác” trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn là vấn đề đang được bàn cãi, thì theo định nghĩa “nguyên liệu thuốc lá” thuộc khoản 3 Điều 2 của luật lại có thể giúp các cơ quan quản lý xác định một sản phẩm là thuốc lá.

 Bà Phan Thị Thắng. (Ảnh: quochoi.vn)

Bà Phan Thị Thắng. (Ảnh: quochoi.vn)

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Nghị định 67/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 106/2017/NĐ-CP) quy định: “Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”

Tại phụ lục III Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định sản phẩm thuốc lá thuộc Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu theo giấy phép thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Về vai trò và trách nhiệm các bộ đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng khẳng định: “Vấn đề phân cấp nguyên liệu thuốc lá, mua bán, chế biến, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, hoặc kinh doanh các loại hàng hóa trên thị trường, đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương.”

Trong phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, báo cáo của Bộ Công Thương có phân biệt rõ giữa thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử. Thuốc lá làm nóng chứa sợi thuốc lá tương tự như thuốc lá điếu, còn thuốc lá điện tử chứa dung dịch nicotine. Đây là cơ sở để xác định rõ phạm vi quản lý của từng cơ quan.

Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, Bà Phan Thị Thắng cho biết Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ đề xuất đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý theo các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, và sẽ xây dựng cơ chế thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất giữa các bộ, ngành.

Còn thuốc lá điện tử, quan điểm của Bộ Công Thương là "chưa cho lưu hành," "giao lại Bộ chuyên ngành để tiếp tục nghiên cứu."

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, nếu thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì đây là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư cũng quy định: mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vậy, nếu cấm các sản phẩm này thì cần sửa Luật Đầu tư.

Các ý kiến tại phiên giải trình kỳ vọng sẽ thống nhất được phương án quản lý với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử trong năm 2024.

Theo các chuyên gia, đề xuất của Bộ Công Thương với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử là dung hòa, hợp lý trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế, đồng thời khá tiệm cận với quan điểm của Bộ Y tế.

Mới đây, Công điện 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được Thủ tướng ký ban hành ngày 13/5/2024, cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với vấn đề này./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-phan-bien-nen-cam-hay-nen-quan-thuoc-la-lam-nong-va-thuoc-la-dien-tu-post950952.vnp