Tiếp tục nâng cao các chỉ số hành chính cấp tỉnh

Trong tháng 4/2024, Bộ Nội vụ lần lượt công bố xếp hạng năm 2023 của 3 chỉ số cấp tỉnh trên toàn quốc, gồm: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Kết quả thật đáng mừng đối với tỉnh Quảng Trị là thứ bậc xếp hạng cả 3 chỉ số này của tỉnh đều tăng so với năm 2022.

Theo đó, chỉ số SIPAS tăng 2 bậc, PAR INDEX tăng 11 bậc; đặc biệt chỉ số PAPI tổng điểm đạt 42,7705 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh thành, tăng 11 bậc trong bảng xếp hạng của cả nước, thuộc nhóm các tỉnh có điểm trung bình cao. Dưới đây là một số nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần của các chỉ số tăng cao đáng chú ý.

Đối với chỉ số PAR INDEX, nội dung Cải cách thủ tục hành chính đạt 12,45/13 điểm, đạt 95,76%, xếp 3/6 tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 27/63 tỉnh thành, tăng 33 bậc so với năm 2022; nội dung Cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 9,78/10,5 điểm, đạt 93,14%, xếp 1/6 tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 17/63 tỉnh thành; nội dung Cải cách chế độ công vụ đạt 13,20/15 điểm, đạt 88%, xếp thứ 2/6 tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 9/63 tỉnh thành, tăng 29 bậc so với năm 2022.

Đối với chỉ số SIPAS, tiêu chí Kết quả đo lường nhận định, đánh giá của người dân cho thấy, tình trạng tiêu cực trong giải quyết công việc cho người dân giảm so với năm 2022. Theo đó, 93% cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu (năm 2022 là 87,32%); 6,1% cho rằng có một số công chức gây phiền hà, sách nhiễu (năm 2022 là 11,25%); 91,22% cho rằng không có người dân nào đưa tiền ngoài quy định (năm 2022 là 89,30%); 6,81% cho rằng có một số người dân phải đưa tiền ngoài quy định (năm 2022 là 9,26%).

Về tiêu chí Kết quả sự hài lòng của người dân, năm 2023, mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, cung ứng dịch vụ công nói chung của tỉnh đều tăng so với năm 2022.

Đối với chỉ số PAPI được xác định theo 8 nội dung, thì có đến 6 nội dung tăng điểm, trong đó đáng chú ý là nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,1662 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm cao, tăng 29 bậc so với năm 2022.

Ba chỉ số về hành chính nói trên có liên quan mật thiết với nhau, được các tổ chức khác nhau khảo sát, đánh giá với phương pháp, góc tiếp cận khác nhau nhưng cho ra kết quả là cả 3 chỉ số của tỉnh năm 2023 đều tăng; đặc biệt, kết quả ở chỉ số SIPAS cho thấy tình trạng tiêu cực trong giải quyết công việc cho người dân giảm và mức độ hài lòng của người dân tăng, phù hợp với nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (thuộc chỉ số PAPI) tăng.

Điều này thể hiện sự thống nhất hay tính logic của các nội dung liên quan đến quản trị hành chính của tỉnh thực tế đạt được trong năm 2023, khẳng định kết quả khảo sát, đánh giá của các tổ chức có độ tin cậy cao.

Nhìn lại các chỉ số này những năm gần đây cứ bị sụt giảm, thì kết quả năm 2023 là quá phấn khởi. Tuy nhiên, cũng cần thấy bên cạnh những gì đạt được, vẫn còn một số nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần điểm số chưa cao, thậm chí có trường hợp bị giảm.

Chẳng hạn, nội dung Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương và Trách nhiệm giải trình với người dân (thuộc Chỉ số PAPI), tuy nằm trong nhóm trung bình cao nhưng bị giảm điểm so với năm 2022; mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, cung ứng dịch vụ công nói chung tăng nhưng mới tiệm cận với mức trung bình của cả nước.

Ngoài ra, có 3 nội dung mà người dân mong muốn chính quyền cải thiện nhiều, đó là: nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân trong giải quyết công việc cho người dân (61,11%); nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân (60,75%); nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân (60,32%). Việc biết được chính xác những hạn chế cũng như mong muốn để có biện pháp khắc phục hiệu quả hay đáp ứng nhu cầu của người dân là điều cần thiết của công tác cải cách hành chính.

Để nâng cao các chỉ số, ngày 22/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2024. Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương; phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước năm 2024 của tỉnh ban hành vào cuối năm 2023, nhưng đến tháng 4/2024 Bộ Nội vụ mới công bố các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, chỉ ra mức độ đạt được của các nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần của tỉnh.

Do vậy, theo chúng tôi, để công tác cải cách hành chính nhà nước hiệu quả hơn nữa, tới đây UBND tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị các sở, ngành, địa phương để phân tích, đánh giá sâu đối với từng vấn đề, tìm nguyên nhân, nhất là đối với những nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần kết quả còn thấp, bị giảm điểm, giảm thứ bậc so với năm trước, trách nhiệm thuộc địa phương, đơn vị nào... Từ đó đưa ra giải pháp khắc phục sát thực, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới.

Tùng Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tiep-tuc-nang-cao-cac-chi-so-hanh-chinh-cap-tinh-185289.htm