Tiếp tục mở rộng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở

Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để những cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tùy theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội; bảo đảm sự đồng bộ các dự án nhà ở với cơ sở hạ tầng xã hội, giao thông, văn hóa...

Ngày 31/7, tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự tháo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo Luật), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quá trình xây dựng pháp luật, giải trình, tiếp thu phải bảo đảm tính nhất quán về nguyên tắc, phương pháp, đồng thời, tạo động lực mới, tạo chính sách đột phá cho phát triển, “không đẽo cày giữa đường”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự tháo Luật Nhà ở sửa đổi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự tháo Luật Nhà ở sửa đổi

Tại cuộc họp, Bộ Xây dựng cho biết, đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và chỉnh lý các điều khoản liên quan đến chính sách sở hữu: Bảo hộ quyền sở hữu, thời điểm xác lập quyền sở hữu; quyền trách nhiệm của cơ quan đại điện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Trong phát triển nhà ở, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đã bỏ quy định địa phương lấy ý kiến Bộ Xây dựng trước khi ban hành Chương trình phát triển nhà ở địa phương để bảo đảm phân cấp, phân quyền.

Một số quy định chính sách phát triển nhà ở đã được tiếp thu, bổ sung liên quan đến phát triển nhà ở thương mại, hình thức sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại, phát triển nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư. Về chính sách nhà ở xã hội, Dự thảo luật bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp; chỉnh lý, làm rõ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang; ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội…

Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng dự kiến chỉnh lý, tiếp thu một số quy định về chính sách quản lý sử dụng nhà ở, nhà chung cư, giao dịch nhà ở… nhằm tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, phù hợp với thực tiễn.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong phát triển nhà ở xã hội cần thực hiện linh hoạt đối với từng dự án (dành quỹ đất ngay trong dự án, có khu đất riêng, hoặc đóng góp bằng tiền). Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Chung cũng đề nghị xem xét lại quy định xây dựng nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp do mâu thuẫn với các luật về quy hoạt, đất đai, đầu tư, môi trường…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để những cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tùy theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội; bảo đảm sự đồng bộ các dự án nhà ở với cơ sở hạ tầng xã hội, giao thông, văn hóa...

“Dự thảo luật cần có tầm nhìn về xu thế nhà ở trong tương lai mang thông điệp môi trường “trong nhà có vườn, trong đô thị có rừng, trong rừng có thành phố”, phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hiện đại, sử dụng các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu, cơ quan soạn thảo phải rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ so với thực tiễn quản lý lĩnh vực nhà ở; tiếp tục thể chế hóa hơn nữa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước về nhà ở.

Về quy định cải tạo, xây mới chung cư cũ, Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo luật cần thiết kế theo hướng, Nhà nước di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ để bảo đảm an toàn, còn hoạt động cải tạo, xây mới chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và các hộ dân.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu bất cập, xung đột trong hoạt động quản lý, vận hành, khai thác chung cư hiện nay; những vấn đề đặt ra trong bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường…

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến về việc tiếp tục huy động sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại trong phát triển quỹ đất nhà ở xã hội, xây dựng nhà cho các đối tượng chính sách xã hội…: “Trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội, dự thảo Luật cần đưa ra định hướng, chính sách ưu đãi về đất, thuế, lãi suất vay, trách nhiệm của nhà đầu tư trong quản lý các khu nhà ở xã hội. Đồng thời, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính”.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tiep-tuc-mo-rong-doi-tuong-duoc-ho-tro-ve-nha-o-post1036314.vov