Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngày 14-12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI 'Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...'.

Điểm cầu Thái Nguyên.

Điểm cầu Thái Nguyên.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có lãnh đạo GD&ĐT, Đại học Thái Nguyên và một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác GD&ĐT, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chỉ thị, nghị quyết, trong đó Nghị quyết số 29-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng. Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, việc đổi mới căn bản, đổi mới toàn diện GD&ĐT đã gắn phát triển quy mô trường, lớp với việc nâng cao chất lượng, đưa sự nghiệp GD&ĐT phát triển nhanh và bền vững theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo...

Tại Hội nghị, đại biểu các địa phương phát biểu ý kiến, tập trung đánh giá kết quả đạt được; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW và quan điểm, định hướng phát triển GD&ĐT theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị thống nhất tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi GD&ĐT là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về GD&ĐT còn thiếu, chưa đồng bộ và sớm xây dựng Luật Nhà giáo; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục. Đồng thời tập trung các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202312/tiep-tuc-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-d64139b/