Tiếp tục điều chỉnh – chứng khoán đang chịu những áp lực nào?

Tiếp nối những phiên giảm mạnh trong tuần trước, VN- Index tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần này (18-9-2023), cho thấy những áp lực điều chỉnh khá mạnh. Các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn cũng cho thấy bức tranh khá tiêu cực.

Thị trường chứng khoán có khả năng sẽ chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 9 này. Ảnh: LÊ VŨ

Thị trường chứng khoán có khả năng sẽ chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 9 này. Ảnh: LÊ VŨ

Tiếp tục điều chỉnh

Thị trường chứng khoán (TTCK) mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này khá bi quan, với chỉ số VN-Index giảm hơn 15,5 điểm còn 1.211,8 điểm, tương đương giảm gần 1,3%, trong khi chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,9% và UpCom-Index giảm hơn 0,6%. Đáng lưu ý VN-Index trong phiên đã có lúc ghi nhận lao dốc đến 23 điểm, về dưới mốc 1.204 điểm trước khi bật trở lại tại vùng hỗ trợ quan trọng ở đường trung bình động 50 ngày (MA 50).

Như vậy, tiếp nối những phiên giảm mạnh trong tuần trước và đóng cửa tuần giảm hơn 14 điểm, tương đương giảm 1,14%, TTCK đang cho thấy những áp lực điều chỉnh khá mạnh khi các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn cũng cho thấy bức tranh khá tiêu cực. Ắt hẳn nhiều nhà đầu tư đang lo ngại trước mô hình hai đỉnh. VN-Index phục hồi trở lại lên trên mốc 1.250 điểm trong tuần đầu tháng 9, nhưng đã không thể giữ được đà tăng và đi xuống trở lại, theo đó đã thiết lập đỉnh cao thứ 2 chỉ trong vòng một tháng qua.

Trong những phiên giảm tuần trước, khối lượng giao dịch tăng mạnh cùng với biên độ dao động lớn hơn, cho thấy sự giằng co quyết liệt giữa bên mua và bên bán, với lực mua từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước hấp thụ tốt lực bán ròng từ khối ngoại. Tuy nhiên, phiên giảm đầu tuần này chứng kiến thanh khoản sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá bi quan. Rủi ro điều chỉnh dường như vẫn đang lớn hơn, bất chấp những dự báo tích cực dành cho thị trường này trong xu hướng dài hạn. Không ít nhận định cho rằng TTCK có khả năng sẽ chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 9 này.

Diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn càng gây áp lực lên thị trường chung, với chỉ số VN-30 cũng giảm hơn 15,1 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này, trong đó 23/30 mã cổ phiếu đi xuống trong ngày hiệu lực cơ cấu danh mục của các quỹ FTSE ETF và VNM ETF. Ngoài nhóm Vingroup, nhóm cổ phiếu ngân hàng góp mặt đến 6 trong số 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến mức giảm của VN-Index, gồm VCB, BID, CTG, TCB, VPB và EIB. Nếu tính từ ngày 13 đến ngày 18-9, chỉ trong vòng bốn phiên VN-30 đã giảm gần 37 điểm, tác động chủ yếu lên tốc độ đi xuống của thị trường chung.

Trong số những dự báo dài hạn cho TTCK, mới đây ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối chứng khoán của Dragon Capital, cho rằng VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm trong năm tới, khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể vượt trội hơn trong năm sau, theo đó thậm chí thúc đẩy VN-Index tăng mạnh hơn dự báo. Cũng theo ông Tuấn, trong giai đoạn đáy tăng trưởng, lãi suất vẫn còn có dư địa đi xuống tiếp trong 3-6 tháng tới và nền kinh tế dần phục hồi, kênh đầu tư chứng khoán sẽ hồi phục rất tốt.

Áp lực ngắn hạn từ đâu?

Dù vậy, trước mắt TTCK vẫn đang chịu một số áp lực đã dẫn đến những phiên điều chỉnh gần đây.

Đầu tiên có lẽ là những biến động của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong những tuần qua đã tác động tiêu cực lên tâm lý của giới đầu tư. Trong ngày đầu tuần này, trong khi tỷ giá trung tâm tăng thêm 10 đồng, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh và đồng loạt vượt mốc 24.500 đồng/đô la ở chiều bán ra. Song hành với thị trường chính thức, giá đô la tự do tăng 70 đồng ở chiều mua và 90 đồng ở chiều bán so với cuối tuần trước, lên mức 24.250-24.350 đồng/đô la.

Diễn biến tỷ giá đi lên nhanh trở lại đã góp phần ảnh hưởng lên động thái bán ròng mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK trong thời gian qua. Trong tuần trước, khối ngoại đã bán ròng đến 2.100 tỉ đồng, mạnh nhất từ đầu tháng 6-2023, tập trung ở phiên bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng hôm 11-9 và bán ròng hơn 1.200 tỉ đồng hôm 13-9. Theo đó, dòng vốn ETFs tiếp rục bị rút ròng 824 tỉ đồng trong tuần, với đà rút ròng nối dài tại VFM VNDiamond (-450 tỉ đồng), Fubon (-213 tỉ đồng), SSIAM VNFinlead (-104 tỉ đồng) và VFM VN30 (- 94 tỉ đồng).

Các nhà đầu tư cũng đang lo ngại trước cuộc họp chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với kết quả sẽ được công bố vào ngày 21-9. Dù xác suất Fed tăng lãi suất trong cuộc họp lần này chỉ có 1% theo công cụ Fedwatch, nhưng với lạm phát tháng 8 của Mỹ công bố mới đây cao hơn dự báo, cộng thêm việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiếp tục nâng lãi suất hôm 14-9, đánh dấu lần tăng thứ 10 liên tiếp nhằm kìm hãm lạm phát, nhà đầu tư có lý do để lo ngại về một kịch bản tương tự ở Fed mà có thể khiến thị trường bất ngờ. Diễn biến chỉ số Dow Jones giảm gần 289 điểm, tương đương giảm hơn 0,8% đã phần nào thể hiện nỗi lo lắng này.

Trong khi đó, xu hướng giá cả nhiều loại hàng hóa tăng vọt gần đây, có thể kéo theo áp lực lạm phát quay trở lại, cũng trở thành yếu tố tác động tiêu cực lên TTCK. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Việt Nam tăng mạnh 0,88% so với tháng trước là một tín hiệu cảnh báo cần theo dõi. Rõ ràng khi các biến số vĩ mô quan trọng như lạm phát hay tỷ giá có diễn biến bất ổn, chính sách tiền tệ sẽ khó lòng nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn hơn, vì vậy TTCK cũng bị ảnh hưởng.

Điểm sáng gần đây nhất khiến không ít nhà đầu tư hào hứng là việc nâng tầm quan hệ với Mỹ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mà được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi tận dụng dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn Mỹ cũng như mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu vào nền kinh tế số 1 thế giới.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tiep-tuc-dieu-chinh-chung-khoan-dang-chiu-nhung-ap-luc-nao/