Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Sáng nay 12/4, tại Hà Nội, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia) tổ chức kỳ họp lần thứ nhất. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia Trần Hồng Hà chủ trì kỳ họp. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chủ trì tại điểm cầu Quảng Trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: NV

Tại kỳ họp, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình, kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng thực hiện đến năm 2030.

Theo đó, giai đoạn 2018 - 2022, tỉ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào GRDP toàn quốc đạt 50,93%. Điều kiện cơ sở hạ tầng của các địa phương vùng biển có sự thay đổi rõ nét, điều kiện tiếp cận dịch vụ cơ bản giữa các vùng, nhóm dân cư được thu hẹp so với mặt bằng chung, đời sống của người dân được cải thiện cả về vật chất, tinh thần.

Tại Quảng Trị, sau 5 năm thực hiện Thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đạt được nhiều kết quả. Theo đó, đã hoàn thành một số mục tiêu Chương trình hành động số 144 ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36 của Trung ương về kinh tế biển, về xã hội, về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực biển, về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, cơ chế chính sách, kiểm soát môi trường biển, quản lý khai thác hải sản cần được nhà nước tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ để triển khai các nội dung tiếp theo, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu vào năm 2030 của nghị quyết đề ra.

Trong đó, cần tập trung tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực ven biển đảo tỉnh Quảng Trị, tăng cường nguồn nhân lực trong quản lý biển, đảo; đa dạng hóa nguồn vốn khi nguồn lực tỉnh còn nhiều hạn chế.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, thời gian qua, Quảng Trị đã chủ động ban hành chương trình, kế hoạch hành động, theo đó trong quá trình triển khai đã gắn với phát triển KT-XH, cụ thể nhất là đã triển khai vào quy hoạch của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, các địa phương cần thành lập kênh thông tin liên lạc để truyền tải nhanh nhất sự chỉ đạo từ Ủy ban Chỉ đạo quốc gia, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế biển cũng như chia sẻ kinh nghiệm hay về cách làm giữa các bộ, ngành, địa phương.

Hiện nay, hầu hết các địa phương ven biển đều có khu kinh tế nằm ở vùng gần biển và có vai trò rất lớn trong phát triển KT-XH ở địa phương nên Ủy ban Chỉ đạo quốc gia, Chính phủ cần có sự đánh giá hiệu quả quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36, qua đó phát huy vai trò các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn để đẩy mạnh phát triển cũng như có cơ chế hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển để đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia...

Phát biểu kết luận kỳ họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phân tích nêu bật tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển đất nước, qua đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biển tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khắc phục tồn tại, hạn chế để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/tiep-tuc-day-manh-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien/184806.htm