Tiếp sức cho sản xuất công nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng 7 - 8%

Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024.

Tháng 1, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức hai con số

Báo cáo củaBộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng trên diện rộng ở 60/63 địa phương. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, dần lấy lại vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp.

Chỉ số sản xuất tháng 1/2024 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả tích cực này tiếp nối đà phục hồi sản xuất từ quý IV/2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2023 giúp tăng năng lực sản xuất trong nước và sự phục hồi của thị trường thế giới.

Chỉ số sản xuất tháng 1/2024 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức hai chữ số như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất thuốc lá tăng 34,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 66,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 24%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm tăng cao ở mức hai chữ số như: Khí hóa lỏng LPG tăng 16,8%; xăng dầu các loại tăng 25,8%; thép cán tăng 59,6%; ô tô tăng 14,6%; xe máy tăng 18,6%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%; giầy dép da tăng 13,6%; phân NPK tăng 40,7%...

Đáng chú ý, chỉ số IIP tháng 1/2024 tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng.

Đây là điểm sáng tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều thách thức thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp thể hiện sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc lấy lại đà tăng trưởng, bổ sung lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2024 là sự nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã cụ thể hóa được các giải pháp giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Đạt được kết quả này, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiệp hội, ngành hàng đã tích cực tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Dành hơn 870 tỷ đồng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025

Căn cứ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ, Quốc hội đề ra cho năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2023.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm. Hơn nữa, trong nước sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục. Việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.

Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp đòi hỏi những lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn để hồi phục trong năm 2024. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự báo năm 2024 sản xuất công nghiệp sẽ vẫn sẽ gặp khó khăn, cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.

Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.

Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 7 - 8%, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành Công Thương, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...

Ngoài ra, Hiệp hội, ngành hàng cũng theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam qua đó kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg (ngày 18/1/2017) về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Để thực hiện chương trình, cần hơn 870 tỷ đồng.

Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện: kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Các hoạt động chính của chương trình gồm: khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước...

Quyết định số 71/QĐ-TTg nêu rõ, kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện dự kiến là 870,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2024, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-suc-cho-san-xuat-cong-nghiep-dat-muc-tieu-tang-truong-7-8-302704.html