Tiếp nối hào khí cách mạng Tháng Tám trên quê hương Lạng Sơn

Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2023), đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một trang sử mới, tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tìm hiểu các cuốn sách về ngày Quốc Khánh 2/9 tại Thư viện tỉnh – Ảnh: TUYẾT MAI

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tìm hiểu các cuốn sách về ngày Quốc Khánh 2/9 tại Thư viện tỉnh – Ảnh: TUYẾT MAI

Trong những ngày thu Tháng Tám lịch sử, những người con quê hương Lạng Sơn lại bồi hồi nhớ về một thời chiến đấu gian khổ, nhớ về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày Quốc khánh 2/9 hào hùng của dân tộc. Hào khí Cách mạng Tháng Tám đã, đang và sẽ mãi là động lực, hành trang để Lạng Sơn hôm nay vững bước trên chặng đường đổi mới.

Dấu ấn lịch sử mãi còn vang

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta chuẩn bị tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam. Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.

Chỉ trong vòng 15 ngày (14-28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi hoàn toàn. Từ vùng nông thôn miền núi, đồng bằng đến các thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn… toàn bộ chính quyền đã về tay Nhân dân.

Ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ở Lạng Sơn, việc giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 19/8, quân cách mạng giành chính quyền tại Ôn Châu và Tràng Định; ngày 22/8 châu Thoát Lãng được giải phóng. Ngày 24/8, tại Ba Xã, Tỉnh ủy họp đề ra chủ trương nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ Lạng Sơn. Ngay đêm 24/8, các lực lượng vũ trang tiến về giải phóng tỉnh lỵ, rạng sáng 25/8, lực lượng cách mạng tiến vào thị xã. Ngay chiều hôm đó, Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, công bố 10 chính sách của Việt Minh, kêu gọi Nhân dân đoàn kết bảo vệ quê hương, ủng hộ Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sau đó quần chúng diễu hành biểu dương lực lượng. Không khí vui mừng tràn ngập khắp thị xã. Cùng ngày, ở Cao Lộc cũng đã giành chính quyền về tay Nhân dân.

Sau khi thị xã được giải phóng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc xử lý với quân Tưởng đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật và điều động một số đơn vị vũ trang hỗ trợ các địa phương chưa giải phóng. Ngày 28/8, châu Lộc Bình giành chính quyền. Đầu tháng 9/1945, châu Đình Lập – huyện cuối cùng trong tỉnh giành thắng lợi.

Tháng 10/1945, một cuộc mít tinh lớn với hàng nghìn quần chúng cách mạng trong toàn tỉnh được tổ chức tại Khâm Nặm, Chợ Bãi (Bằng Mạc), UBND lâm thời tỉnh Lạng Sơn tuyên bố thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm Chủ tịch. Đây là mốc son đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Lạng Sơn.

Hòa vào dòng chảy của lịch sử, kể từ sau ngày lập nước 2/9/1945, quân và dân Lạng Sơn cùng với cả nước đã đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc…

Những dấu mốc, sự kiện lịch sử, khí phách hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sống mãi trong sự đoàn kết, đồng lòng của các thế hệ người dân xứ Lạng, là động lực, hành trang để hôm nay quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn vững bước trên chặng đường phát triển.

Với tiềm năng và lợi thế hiện có, cũng như những định hướng chiến lược phát triển phù hợp và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Lạng Sơn đã và đang vươn mình, tạo bứt phá mới, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước

Vững bước đi lên cùng đất nước

78 năm sau mùa thu Tháng Tám ấy, từ một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lạng Sơn đã vươn mình mạnh mẽ.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng được đầu tư; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 7,11%, cao hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2016 – 2020 (5,06%); GRDP bình quân đầu người tăng từ 44,34 triệu đồng năm 2020 lên 55,97 triệu đồng năm 2023.

Tỉnh Lạng Sơn định hướng phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu; tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi; xây dựng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”. Trong giai đoạn 2021- 2023, tỉnh hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực cửa khẩu như: đường phục vụ xuất nhập khẩu, đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu Cửa khẩu Chi Ma; đường nội bộ khu vực cửa khẩu Bình Nghi; mở rộng đường vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị… Cùng đó tỉnh tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư, tạo động lực phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế; phát triển các vùng trồng tập trung các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh gắn với áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Hiện nay, vùng rau các loại toàn tỉnh đạt trên 8.500 ha/năm; vùng thạch đen tại Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng đạt trên 3.300 ha; vùng na tại Chi Lăng, Hữu Lũng trên 4.300 ha; vùng quýt trên 1.500 ha; vùng hồng Bảo Lâm, hồng Vành khuyên trên 1.892 ha… Các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, cấp mã số vùng trồng được đẩy mạnh thực hiện.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp được chú trọng đầu tư, nâng cấp, nhiều dự án, công trình, năng lực mới được tăng thêm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua ước đạt 95,5 nghìn tỷ đồng.

Các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, các dự án giao thông quan trọng khác được đẩy nhanh tiến độ; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,2%. Công tác quy hoạch và thành lập các khu, cụm công nghiệp được quan tâm, tạo nền tảng phát triển công nghiệp quy mô, đồng bộ. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư Dự án Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn. Hiện tỉnh đã thành lập 3 cụm công nghiệp; chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, Cụm công nghiệp Đình Lập.

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế.

Công tác chuyển đổi số được tổ chức triển khai toàn diện và đạt kết quả tích cực. Năm 2021, Lạng Sơn xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI). Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được triển khai xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp, là tỉnh đầu tiên triển khai nền tảng “Lạng Sơn Cloud”, App “Công dân số Xứ Lạng”, thí điểm nền tảng cửa khẩu số đầu tiên trên toàn quốc với gần 300 chức năng; là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai gắn QR Code biển tên đường, phố, công trình công cộng và khu di tích danh thắng.

Công tác đối ngoại được tỉnh thực hiện tích cực, chủ động, hiệu quả; huy các cơ chế hợp tác ở các cấp, các ngành. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, qua đó duy trì hòa bình, ổn định khu vực biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cùng đó, tỉnh cũng tăng cường mở rộng quan hệ, xúc tiến hợp tác với các địa phương khác của Trung Quốc, các nước trong khu vực, các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài.

Trong những ngày này, cùng với không khí thi đua chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, tạo nền tảng cho việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2025 – 2030. Tự hào về đất nước, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh đã và đang tích cực thi đua lao động, học tập và công tác, cùng chung sức đồng lòng đưa tỉnh phát triển nhanh và vững chắc.

HỒ XUÂN HƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/607954-tiep-noi-hao-khi-cach-mang-thang-tam-tren-que-huong-lang-son.html