Tiếng vọng của thời gian-Kỳ 1: Nhớ tiếng xe bò Phố núi

Bây giờ, Pleiku đã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Phố núi không còn đường đất bụi mù 'đi dăm phút đã về chốn cũ' như những năm 60-70 của thế kỷ trước mà nhiều đường phố đã là đại lộ. Nhiều cao ốc cao ngút mắt, những ngôi biệt thự ẩn mình giữa vườn cây xanh… Với những người gắn bó cùng Pleiku hàng nửa thế kỷ như tôi, những gì của Phố núi xưa giờ như tiếng vọng thời gian và tình cảm thì mãi không thay đổi.

Tôi sinh ra ở đất Bình Định nhưng lại có duyên nợ với Gia Lai và lên đây nhận công tác từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Cách nhau chỉ khoảng 170 km nhưng từ Quy Nhơn lên, tôi phải ngồi xe đò gần 1 ngày. Đường xấu và xe bắt khách dọc đường, nhét hàng lẫn vào các băng ghế đã đành lại còn phải qua Trạm Song An, lúc này như một “cửa khẩu” đa ngành: Quản lý thị trường, Thuế vụ, Công an. Ít thì cũng 30-40 phút, lâu thì hơn 1 giờ xe mới qua được trạm.

Tôi không quên cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Pleiku. Phố đón tôi trong không gian nhập nhòa lành lạnh giữa sương mù và đèn đường. Nhập nhòa là bởi suốt con dốc võng Hội Phú lên đến ngã ba Diệp Kính chỉ chừng chục trụ đèn, hắt ánh vàng yếu ớt xuống mặt đường. Có lẽ trước tôi, những năm 70-thời nhà thơ Vũ Hữu Định-chắc Pleiku cũng thế, nghĩa là cũng “phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Bấy giờ, mùa mưa Pleiku sao dữ dội, tầm tã, triền miên hết ngày này sang ngày khác, mưa đến đất đóng rêu xanh, bước đi trơn trượt. Những cây thông, long não cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo rêu bám đầy từ gốc lên đến ngọn.

Pleiku bấy giờ chỉ là một thị xã nhỏ, khu vực sầm uất tập trung ở chợ Mới và xung quanh nhà thờ Thăng Thiên, ngã ba Diệp Kính. Đứng trên đỉnh dốc nhìn về phía thung lũng Hội Phú cứ bềnh bồng trong làn sương bay nhè nhẹ, còn ngước lên những tàng thông cũng thấy huyền ảo trong sương. Đường hẹp, chỉ được mấy con phố rải nhựa như: Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trần Phú… còn lại đều là những con đường nhỏ lát đá xanh gập ghềnh hoặc vẫn nguyên đất đỏ lầy lội mùa mưa và ngập ngụa bụi mùa khô. Ở những đoạn phố như: Hùng Vương, Trường Chinh, mỗi khi xe lam lên dốc thì vài người phải nhảy xuống phụ đẩy xe bò lên. Thảng hoặc, vài chiếc cộ chở hàng vụt ào xuống dốc, những vòng ổ bi bánh xe quay nghe ro ro, người cầm lái một chân đặt lên nền ván, chân kia đè miếng lốp cao su ô tô làm phanh xuống lòng đường để hãm bớt đà.

Ngày ấy, quán cà phê ở Phố núi không nhiều như bây giờ. Vài quán cà phê nổi tiếng như: Kim Liên, Thu Hà... Thi thoảng, tôi mới vào thưởng thức, còn thì hay ngồi ở góc bến xe lam nội thị uống cà phê pha trong túi lưới. Và, trong khoảng không tĩnh lặng, ta thường nghe một thứ âm thanh quen thuộc: tiếng lộc cộc của những bánh xe bò lăn đều trên con phố.

Ngã ba Diệp Kính, TP. Pleiku. Ảnh: Ngọc Thu

Ngã ba Diệp Kính, TP. Pleiku. Ảnh: Ngọc Thu

Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ tầm 10 giờ là xuất hiện đoàn xe bò khoảng 5-6 chiếc từ hướng Đồi 37 pháo binh theo đường Nguyễn Văn Cừ xuống phố, bên trên chất đầy củi, qua khỏi ngã tư Hùng Vương-Lý Thái Tổ, đoàn xe ngoặt về hướng chợ Mới. Xe chở nặng, đường phố còn gồ ghề, lồi lõm nên cứ phát ra âm thanh lộc cộc, lộc cộc sau mỗi vòng quay. Hỏi ra thì tôi được biết, đây là xe bò của đồng bào kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc vào ở quanh thị trấn huyện và xã Ia Hrung, huyện Chư Păh (nay là huyện Ia Grai). Bấy giờ, rừng còn nhiều cây, chỉ ra khỏi thị trấn một chút về hướng làng Mít hoặc ngược lên dốc Ia Châm là đã có thể hạ đủ gỗ căm xe, cà chít mang về làm nhà, làm chuồng heo. Cứ vậy mà đến mùa khô, sân nhà nào cũng chất đầy ắp củi, củi cây dâu đất, lành ngạnh, bằng lăng…

Khác với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là sử dụng xe bò bánh gỗ và thùng xe lớn do 2 con bò kéo, bà con kinh tế mới dùng xe nhỏ hơn, ngắn hơn và chỉ 1 con bò kéo, vỏ bánh bọc cao su như xe cải tiến. Người ngồi ngay trên càng xe. Đoàn xe cứ chậm rãi lăn bánh, vậy mà khoảng gần 10 giờ là đã có mặt trước cổng chợ Mới, phía đường Trần Phú. Khu vực này bấy giờ dân cư vẫn còn thưa thớt, từ cổng chợ ngược lên trước trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh nhiều chỗ mọc đầy cỏ dại và dã quỳ. Chủ buộc bò cho ăn cỏ quanh đấy còn mình thì bán củi. Củi gỗ rừng đã cứng lại khô nẻ, lửa cháy đượm nên người dân rất thích mua. Bán xong chủ vào chợ mua sắm rồi chừng 14-15 giờ, đoàn xe bò lại lộc cộc từ thị xã kéo về huyện. Thùng xe đã trống nên xe nào cũng căng tấm bạt che nắng rồi người cứ vậy khoanh tròn trong xe nằm ngủ, mặc cho bò nhớ đường kéo xe về. Đã không ít lần, có người tinh nghịch đi qua nắm dây mũi chú bò đầu đàn quay ngược ra Pleiku, đoàn xe bò cứ thế quay theo, mãi đến gần nghĩa trang thị xã, chủ mới thức giấc.

Bây giờ, Pleiku đã là đô thị loại I, người dân hầu hết đều dùng bếp gas, bếp điện là chính. Hàng ngàn quán cà phê lớn nhỏ trên các con đường. Khu vực trước cổng chợ Mới xưa nay là Trung tâm Thương mại nổi lên những tòa nhà cao tầng, cao ốc như Đức Long Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai. Đường phố trải nhựa mở rộng 2 chiều, dải phân cách xanh cây, đủ sắc hoa và hai bên vỉa hè lát đá. Không còn những lùm cỏ dại và dã quỳ. Không còn những con đường gập ghềnh. Phố cũng ít sương mù. Mưa cũng ít hơn xưa. Tất cả đã thay đổi. Bạn bè, đồng nghiệp cùng lên Tây Nguyên với tôi năm ấy đã trở về quê khá nhiều, riêng tôi vẫn còn nặng nợ với Phố núi nên cứ ở lại đây. Thi thoảng có dịp qua ngã tư Hùng Vương-Lê Thánh Tôn, ngược lên dốc phố Nguyễn Văn Cừ, trong một buổi sáng đầy nắng gió cao nguyên bên tai tôi như vẫn còn nghe đâu đây tiếng lộc cộc của xe bò chầm chậm bò lên dốc Đồi 37 pháo binh rồi âm thanh lộc cộc ấy cứ gõ đều đều, chậm rãi lan về phía hàng phố…

THANH PHONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12532/202210/tieng-vong-cua-thoi-gian-ky-1-nho-tieng-xe-bo-pho-nui-5794369/