Tiếng lòng của những người yêu thơ

Nhiều người nói rằng, để viết được một bài văn hay không quá khó nhưng để viết được một bài thơ hay không đơn giản. Thơ là tiếng lòng của người viết nhưng lại được cách điệu bằng vần, tứ, thể loại.

Tác giả Nguyễn Lê Hằng đã sáng tác được hơn 1.000 bài thơ.

Chị Nguyễn Lê Hằng, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh là một trong những tác giả chăm chỉ cho ra đời những bài thơ mới và có nhiều tác phẩm chất lượng được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí từ địa phương đến trung ương.

Tôi yêu thơ từ bé và tập làm thơ từ những năm học cấp 2. Với tôi, thơ là để giãi bày tâm tư, tình cảm, suy nghĩ hoặc cảm nhận của bản thân về nhiều vấn đề trong cuộc sống, về con người, quê hương, đất nước. Tôi nghĩ rằng những vần thơ tôi làm cũng là để nói thay nỗi lòng của nhiều người nên đã cố gắng viết nhiều. Tính đến nay, tôi đã có hơn 1.000 bài thơ. Tôi thường xuyên gửi đăng trên Tạp chí Phansipăng, Báo Lào Cai cuối tuần và một số báo trung ương như Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh…

Chị Hằng tâm sự.

Thơ ra đời có thể trên cơ sở là sự ấp ủ ý tưởng từ lâu, cũng có thể là bật ra từ cảm xúc, cảm nhận tức thì trước sự vật, sự việc nào đó. Ngày nay, nhiều tác giả lựa chọn viết theo thể tự do để dễ bắt vần.

Theo chị Lê Hằng, viết thơ rất khó, bản thân mỗi ngày luôn phải đọc, phải học hỏi từ những người đi trước, các nhà thơ lớn để rút kinh nghiệm trong sáng tác. Chị thường lựa chọn viết theo thể tự do để được thoải mái thả vần theo ý thích. Thơ của chị ảnh hưởng bởi nghề báo (chị từng tốt nghiệp ngành báo chí, hiện làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở Sở Tư pháp) nên làm thơ cũng có tính thời sự và mang hơi thở thực tế cuộc sống.

Với tác giả Phạm Công Thế, thơ là một nửa tâm hồn văn chương của ông. Ông yêu thích thơ, văn, báo chí từ ngày đi lính. Mặc dù không được học qua trường lớp đào tạo ngành báo chí hay thơ, văn nhưng trong những năm tháng quân ngũ, ông đã viết báo, làm thơ và coi đây là niềm vui, động lực của cuộc sống.

Thơ làm cho tâm hồn tôi nhẹ nhàng, thư thái. Tôi tin rằng cứ yêu thơ, làm thơ thì dần dần con người ta sẽ bỏ được nhiều thói xấu, tâm hồn giàu nghị lực sống hơn. Bởi vậy, với tôi, mỗi tác phẩm ra đời giống như có thêm người bạn nâng đỡ bản thân vững tin hơn trong cuộc sống.

Tác giả Phạm Công Thế thổ lộ.

Bài thơ Ru tình Khau Vai của tác giả Phạm Công Thế được nhạc sĩ Bùi Minh Tấn phổ nhạc.

Và còn gì tuyệt vời hơn khi bài thơ dạt dào cảm xúc của mình được nhạc sỹ nào đó đồng cảm, chắp bút phổ nhạc thành bài hát. Trong số hàng nghìn bài thơ của mình, tác giả Phạm Công Thế tự hào vì có tập thơ mang tên “Mắt thời gian” với hơn 10 tác phẩm đã được các nhạc sỹ phổ nhạc. Tác phẩm được phổ nhạc có tiếng vang và được công diễn nhiều lần có thể kể đến như: “Thăm thẳm mắt Ban Mê” do nhạc sỹ Bùi Minh Tấn phổ nhạc, từng được chọn để thể hiện trong chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là bài thơ được lấy cảm xúc từ sự kiện hoa hậu H’Hen Niê của Việt Nam lọt tốp 5 hoa hậu hoàn vũ năm 2018 tổ chức tại Thái Lan. Phong thái và đôi mắt hút hồn của cô gái Êđê đến từ Tây Nguyên đã thôi thúc Phạm Công Thế viết nên những vần thơ miêu tả vẻ đẹp của cô và niềm tự hào của người dân Việt Nam. Hoặc bài thơ “Mùa hoa đỗ quyên” được Phu Ngọc Lan chắp bút cũng từng được nhiều ca sỹ biểu diễn - một tác phẩm góp phần quảng bá du lịch Lào Cai nói riêng và vùng cao Tây Bắc nói chung. Ngoài ra, “Ru tình Khau Vai”, “Về xứ núi Mường Khương” cũng là những tác phẩm được Bùi Minh Tấn phổ nhạc và nhiều ca sỹ thu âm, biểu diễn, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt người nghe.

Đối với những người yêu thơ và thích sáng tác thơ, những trang thơ trên các báo, tạp chí là “mảnh đất màu mỡ” để họ thỏa nguyện trải lòng bao tâm tư, vui buồn qua những vần thơ, đồng thời nuôi dưỡng tâm hồn và mạch cảm xúc.

Tạp chí Phansipăng của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh định kỳ xuất bản mỗi tháng 1 số là một trong những nơi nâng bút giúp các tác giả thơ Lào Cai nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung được thỏa lòng yêu thơ. Mỗi số Tạp chí Phansipăng có khoảng 100 trang, trong đó khoảng 10 trang dành cho các tác giả thơ, mỗi trang là 1 bài thơ được đăng tải trọn vẹn. Như vậy, mỗi năm sẽ có hơn 100 bài thơ được đăng trên tạp chí của hội. Đây chưa phải là con số lớn so với hàng trăm bài thơ được gửi đến hòm thư điện tử của hội mỗi tháng, tuy nhiên với các tác giả thơ thì đó là sự động viên để họ thỏa lòng và chia sẻ những vần thơ mà bản thân sáng tác tới người dân.

Mỗi tháng, chúng tôi nhận được hàng trăm thư điện tử và thư tay của các tác giả thơ (gồm cả của hội viên và cộng tác viên) gửi về hội. Tuy nhiên, do giới hạn về số trang nên chúng tôi không thể đăng tải hết trên Tạp chí Phansipăng. Thời gian tới, trang thông tin điện tử của hội sẽ đăng tải nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu đưa tác phẩm tới gần công chúng của các tác giả.

Anh Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết.

Thơ thể hiện tâm trạng của người viết. Vì thế, có những câu thơ, bài thơ có thể tẻ nhạt với người này nhưng với người khác lại chất chứa nỗi lòng, niềm chia sẻ. Hành trình thơ ca của mỗi tác giả ở mỗi thời kỳ sẽ khác nhau, do đó các tác phẩm thơ nói riêng và văn học - nghệ thuật nói chung cũng không ngừng đổi mới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tieng-long-cua-nhung-nguoi-yeu-tho-post381597.html