Tiếng hát Hà Nội: Bất ngờ về chất lượng nghệ thuật

Vòng sơ khảo 1 của cuộc thi Tiếng hát Hà Nội do Đài Hà Nội tổ chức, diễn ra trong 5 ngày (từ 20 đến 24/9) đã mang đến nhiều bất ngờ từ chất lượng nghệ thuật đến phong cách biểu diễn.

Sau chưa đầy 1 tháng công bố, đã có 514 thí sinh từ mọi miền đăng kí dự thi trên ứng dụng HANOI ON. Vòng sơ khảo 1 diễn ra trong 5 ngày (từ 20 đến 24/9). Điều bất ngờ lớn nhất đó chính là chất lượng nghệ thuật và sự đầu tư, làm mới trong cách thể hiện ca khúc của các thí sinh. Nhiều thí sinh trẻ được đào tạo từ môi trường nghệ thuật, nên chất lượng tốt, đồng đều. Độ tuổi của các thí sinh tham gia từ 18 đến 32, nhưng số lượng các thí sinh trẻ vẫn tham gia đông đảo hơn cả.

Chất lượng nghệ thuật

Đây là cuộc thi thanh nhạc chuyên nghiệp nên nhận được sự quan tâm của các nhạc sĩ, ca sĩ, sinh viên đến từ các cơ quan chuyên môn, các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp và cả những thí sinh tự do với 3 dòng nhạc đều được thể hiện qua các ngày thi.

BGK vòng sơ khảo 1 cuộc thi Tiếng hát Hà Nội

Theo nhận xét của NSƯT Hoàng Tùng – Trưởng Ban giám khảo, thì dòng nhạc nhẹ được các thí sinh đăng kí nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và đây là xu thế chung của các bạn trẻ. Thí sinh Chu Đức Tùng gây ấn tượng với ca khúc “Cỏ mềm” của Đỗ Bảo với giọng ca ấm, truyền cảm. Đặng Đức Duy lại đem đến một phong cách lạ từ trang phục cho đến cách hát ca khúc “Đông “ của Vũ Cát Tường. Nguyễn Quang Hưng với ca khúc “Mơ” ( Vũ Cát Tường) cũng gây ấn tượng mạnh. Phạm Thị Thanh Huyền với “Cơn mưa ngang qua” (Sơn Tùng M-TP) có chất giọng dày, xử lý âm thanh tốt. Nguyễn Ngọc Tân không chỉ có lợi thế về hình thức mà còn có chất giọng đẹp, cảm xúc khi thể hiện ca khúc “Vệt buồn” (Hồ Quang Minh – Giáng Son). Đặng Thị Mỹ Tiên có một chất giọng dày, nhiều nội lực với ca khúc “Trăng dưới chân mình” (Hà An Huy)

Nhiều thí sinh được đào tạo trong môi trường nghệ thuật nên tự tin trên sân khấu

Dòng âm nhạc dân gian và thính phòng có một số thí sinh khá nổi bật như thí sinh Phạm Thị Huyền với ca khúc “Chiếc khăn piêu” ( Doãn Nho) thể hiện kỹ thuật thanh nhạc và xử lý ca khúc tốt, những quãng lên cao xuống thấp được Huyền hát một cách nhẹ nhàng mà không hề bị chênh phô. Hay thí sinh Đoàn Thị Linh toát lên sự chuyên nghiệp từ giọng hát đến trang phục khi thể hiện ca khúc “Trăng khuyết” (Huy Thục – Phi Tuyết Ba). Nguyễn Thị Ngọc Anh với “Khúc hát sông quê” (Nguyễn Trọng Tạo). Đinh Thị Thùy Dương thể hiện kỹ thuật thanh nhạc tốt với “Đá trông chồng” (Lê Minh Sơn). Trịnh Thị Quỳnh Anh với ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), hay Hoàng Khánh Ly với “Chim báo tin vui” (Đàm Thanh). Thí sinh A King Lứu với chất giọng khỏe, sáng thể hiện cuốn hút ca khúc “Người đàn bà mang gùi” (Y Cel Nie).

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh trẻ mạnh dạn lựa chọn những ca khúc truyền thống, những ca khúc cách mạng, về quê hương đất nước, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những bản tình ca nổi tiếng. Để không bị hát theo cách hát của các ca sĩ nổi tiếng đi trước, nhiều thí sinh đã sáng tạo để ca khúc trở nên mới mẻ và ấn tượng hơn.

Những giọng ca trẻ trẻ nổi bật và tiềm năng: Thí sinh Trần Thị Vân Anh sinh năm 2005 (18 tuổi) người dân tộc Tày đến từ Hà Tĩnh, hát ca khúc “Hồ trên núi” (Phó Đức Phương) có chất giọng đẹp, sáng, làm chủ sân khấu và kỹ thuật thanh nhạc rất tốt. Nguyễn Hải Anh, 18 tuổi, hát ca khúc "Vết mưa" (Vũ Cát Tường), thí sinh Ninh Trịnh Quang Minh trẻ nhất (sinh tháng 12/2005) có chất giọng tốt, đầy nội lực khi thể hiện ca khúc “Nửa thập kỷ” (Hoàng Dũng)…..

Đáng tiếc cho một số thí sinh có chất giọng tốt nhưng lại lựa chọn ca khúc không có đất để thể hiện nên bị mờ nhạt. Bên cạnh đó có những bạn chưa sẵn sàng, lên hát còn chênh phô, chưa tự tin. Một số thí sinh có chất giọng tốt nhưng chọn bài và xử lý bài lại chưa tốt, nên đoạn đầu có thể hát tốt nhưng đoạn sau lại bị rơi xuống và lạc giọng hoặc những quãng cao lại không vững âm thanh.

Đầu tư về trang phục và phong cách biểu diễn

Điều nhìn thấy rất rõ chính là sự chỉn chu, đầu tư về trang phục của hầu hết các thí sinh. Ban Giám khảo đánh giá cao những thí sinh có ý thức đầu tư về trang phục vì hầu hết những thí sinh đầu tư về trang phục, chỉn chu trên sân khấu, sẽ hát tốt hơn, bởi thí sinh đó đã xác định được đây là một cuộc thi nghiêm túc.

Nhiều bộ trang phục độc đáo xuất hiện trong 'Tiếng hát Hà Nội'

Sau vòng sơ khảo 1, Ban giám khảo đã lựa chọn được 120 thí sinh có số điểm cao nhất tham gia dự thi Vòng sơ khảo 2 trong các ngày 29 và 30/9/2023. Tại vòng này, các thí sinh sẽ đăng kí ca khúc và dòng nhạc mình lựa chọn thi. Vòng 1 là vòng thử giọng và phong cách biểu diễn, nên nhiều thí sinh chưa thể hiện hết sở trường của mình. Vòng sơ khảo 2 hứa hẹn một cuộc cạnh tranh khá cam go khi 120 thí sinh đều hát tốt và có kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Việc này đòi hỏi mỗi thí sinh cần xác định rõ dòng nhạc, sở trường và lựa chọn ca khúc phù hợp để dự thi. Việc lựa chọn trang phục để biểu diễn cũng là yếu tốt góp phần tạo nên sức hút cho từng tiết mục dự thi.

Tiếng hát Hà Nội 2023 đang nóng lên từng ngày vì sự hấp dẫn của cuộc thi, sự cạnh tranh giữa các giọng hát. Sau vòng Sơ khảo 2, mỗi thí sinh sẽ được Ban Tổ chức tạo kênh YouTube cá nhân theo nhận diện của cuộc thi để đăng tải hành trình tham dự cuộc thi của mình.

Các thí sinh lựa chọn phong cách biểu diễn không trùng lặp với các ca sĩ đi trước

Theo ban tổ chức, điểm mới này của chương trình nhằm giúp thí sinh không chỉ chú trọng về mặt chuyên môn, kỹ thuật trình diễn, mà còn có ý thức về việc xây dựng và hoàn thiện hình ảnh của mình trước khán giả. Qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn tìm kiếm được những tài năng âm nhạc chuyên nghiệp, như Ông Nguyễn Kim Khiêm – Tổng Giám đốc Đài PT&TH Hà Nội – Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi đã chia sẻ trong buổi họp báo trước đó: “Cuộc thi hướng tới tính chuyên môn cao hơn là chiêu trò", với mục đích tìm kiếm ra những tài năng trẻ, đóng góp vào đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô cũng như ngành công nghiệp văn hóa đang được thành phố rất quan tâm đầu tư. Điều đó đang thấy rất rõ từ cuộc thi này.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tieng-hat-ha-noi-bat-ngo-ve-chat-luong-nghe-thuat-194806.htm