Tiền vào ồ ạt, nhà đầu tư cá nhân lại đua nhau mở hơn 163.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 3

Nhà đầu tư cá nhân mở mới 163.524 tài khoản con số này tăng 44,5% so với tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 đến nay...

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 163.621 tài khoản trong tháng 3/2024.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 163.524 tài khoản con số này tăng 44,5% so với tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 đến nay trong khi đó nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 97 tài khoản. Tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam có hơn 7,6 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,6% dân số.

Số tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong bối cảnh hoạt động giao dịch sôi động trong tháng 3 tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch trung bình hàng ngày lên mức cao kỷ lục là 26,7 nghìn tỷ đồng tăng 28% so với tháng trước, đạt đỉnh kể từ tháng 1/2022.

Các phiên tăng điểm trong tháng 3 đã được củng cố bởi sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhóm này đã mua vào hơn 11,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 3, nâng mức mua ròng kể đầu năm là 16,2 nghìn tỷ đồng, đánh dấu tháng mua ròng lớn nhất của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước kể từ tháng 11/2021.

Ngược lại, khối ngoại đã bán ra gần 11,3 nghìn tỷ đồng, nâng giá trị bán ròng kể từ đầu năm lên 13,8 nghìn tỷ đồng; qua đó đánh dấu tháng bán ròng mạnh mẽ nhất của nhóm này kể từ tháng 05/2021.

Nhận định về dòng vốn nhà đầu tư trong nước, theo ông Lã Giang Trung CEO Passion Investment, dòng vốn nội đã đổ ồ ạt vào thị trường trong thời gian gần đây, thanh khoản trung bình trên thị trường hơn 30.000 tỷ mỗi phiên. Với mặt bằng lãi suất thấp hơn cả giai đoạn Covid, thị trường sẽ sớm chứng kiến những phiên thanh khoản bùng nổ quay với đỉnh thanh khoản của năm 2021 tương đương hơn 2 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể là quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Tuệ Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tien-vao-o-at-nha-dau-tu-ca-nhan-lai-dua-nhau-mo-hon-163-000-tai-khoan-chung-khoan-trong-thang-3.htm