Tiền thưởng nêu bật sự chênh lệch giữa bóng đá nam và nữ

Các đội bóng nam tham dự giải đấu lớn nhận về hàng chục triệu USD, trong khi con số này của đồng nghiệp nữ ít hơn rất nhiều.

Trong 47 năm qua, Asian Cup nữ là giải đấu hàng đầu cho các đội tuyển xuất sắc châu Á tranh tài để giành lấy vinh quang châu lục. Nhưng bất chấp lịch sử lâu đời và tầm quan trọng của Asian Cup, vốn đóng vai trò là vòng loại World Cup, các đội tham dự đã không được tặng bất kỳ khoản tiền thưởng nào cho những nỗ lực của họ.

Phải tới Asian Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) mới xác nhận tiền thưởng lần đầu tiên được trao cho các đội nữ có thành tích tốt nhất, theo ABC News.

Người phát ngôn của AFC cho biết: "AFC cam kết hướng tới sự phát triển của bóng đá nữ trên toàn châu Á ở mọi cấp độ, và Asian Cup đã đi đầu trong việc cung cấp nền tảng cho thế hệ ngôi sao hiện tại và mới nổi của châu Á tỏa sáng".

"Theo sứ mệnh của AFC trong việc nâng cao tiêu chuẩn thi đấu của mình, nhà vô địch Asian Cup nữ được phần thưởng trị giá một triệu USD, trong khi á quân nhận 500.000 USD và 2 đội thua bán kết nhận 150.000 USD".

Phải mất 47 năm để các đội tuyển nhận được những phần thưởng đầu tiên. Và tiền thưởng Asian Cup nói gì về sự bất bình đẳng của bóng đá nữ so với đồng nghiệp nam?

 Tuyển nữ Trung Quốc nhận 1 triệu USD tiền thưởng cho danh hiệu vô địch Asian Cup. Ảnh: Sina.

Tuyển nữ Trung Quốc nhận 1 triệu USD tiền thưởng cho danh hiệu vô địch Asian Cup. Ảnh: Sina.

Vấn đề tiền thưởng

Tiền thưởng đã trở thành chủ đề nhận nhiều quan tâm và luôn có trong các cuộc thảo luận về sự bất bình đẳng thể thao những năm gần đây.

Chẳng hạn, trước thềm World Cup nữ 2019, Hiệp hội Cầu thủ Australia đã phát động chiến dịch thu hút sự chú ý đến chênh lệch quá lớn giữa số tiền thưởng được cung cấp ở các kỳ World Cup nam và nữ.

Các đội tại World Cup nữ 2019 ở Pháp đã tranh tài với tổng giải thưởng là 30 triệu USD, so với 400 triệu USD được cung cấp cho World Cup nam tổ chức tại Nga một năm trước đó.

Lời kêu gọi "trả lương bình đẳng" xuất hiện khắp các khán đài trong trận chung kết World Cup nữ 2019. Khi đó, tuyển Mỹ đã giành chiến thắng và bảo vệ thành công ngôi vô địch. Đồng thời, họ thách thức liên đoàn quốc gia về các vấn đề đối xử bình đẳng, tiền lương và tiền thưởng.

World Cup 2019 là bước ngoặt đối với bóng đá nữ quốc tế về nhiều mặt. Nổi bật nhất là tiền thưởng, vốn đã trở thành "biểu tượng" lâu dài cho sự chênh lệch cơ cấu và làm cản trở sự phát triển của bóng đá nữ.

 Số tiền thưởng quá chênh lệch giữa World Cup nam và nữ. Ảnh: UN Women.

Số tiền thưởng quá chênh lệch giữa World Cup nam và nữ. Ảnh: UN Women.

Trong khi áp lực khiến FIFA cam kết đầu tư hơn nữa vào bóng đá nữ, bao gồm tăng tiền thưởng World Cup, thì những sáng kiến này lại nhạt nhòa so với nguồn kinh phí tiếp tục đổ vào bóng đá nam.

FIFA sẽ tăng gấp đôi số tiền thưởng cho World Cup nữ lên 60 triệu USD vào năm 2023, nhưng tổng số tiền thưởng cho World Cup nam 2022 tại Qatar đã được tăng thêm 40 triệu USD, với đội vô địch bỏ túi 50 triệu USD. Con số này gần bằng toàn bộ số tiền thưởng ở giải nữ, sẽ phân phối cho 32 đội tranh tài.

Những bất bình đẳng tương tự đang ngày càng trở nên rõ ràng ở bóng đá châu Á. Tại Asian Cup nam 2019 ở UAE, tổng giải thưởng được chia cho các đội là 14,8 triệu USD. Đội chiến thắng nhận 5 triệu USD, trong khi á quân nhận 3 triệu USD. 24 đội đã nhận được 200.000 USD khi giành quyền tham dự. Những con số này đã tăng chóng mặt kể từ khi giải đấu bắt đầu năm 1956.

Trong khi đó, Asian Cup nữ 2022 mới là lần đầu tiên các đội top 4 được nhận tiền thưởng, như động lực để họ quyết tâm hơn. Với các đội không vào bán kết, họ nhận được khoản tiền khiêm tốn do AFC tài trợ.

Giải quyết khoảng cách

Khi được hỏi về sự khác biệt tiền thưởng Asian Cup, một người phát ngôn của Hiệp hội Cầu thủ Australia đã nói với ABC News: "Sự chênh lệch giữa tiền thưởng trao cho nữ và nam là trường hợp rõ ràng về việc phân biệt giới tính của AFC. Bằng cách trao tương đương 13% số tiền thưởng của nam cho các cầu thủ nữ, AFC đang làm gia tăng bất bình đẳng giới và phá hoại sự phát triển của bóng đá châu lục".

"Những cầu thủ hay nhất trong châu lục có hơn 4,5 tỷ người đang cạnh tranh để giành danh hiệu cao quý nhất châu Á cho đất nước của họ, đồng thời hướng tới việc đủ điều kiện tham dự World Cup. Mặc dù vậy, những cầu thủ này lại được AFC đối xử như những công dân hạng hai".

 Cần bình đẳng giữa bóng đá nam và nữ. Ảnh: ABC News.

Cần bình đẳng giữa bóng đá nam và nữ. Ảnh: ABC News.

Sự thiếu phân bổ nguồn lực rộng rãi hơn cho bóng đá nữ châu Á có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách, ngay giữa các đội trong châu lục.

Khi các quốc gia phát triển như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục nâng cao trình độ, các quốc gia được hỗ trợ kém hơn như Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Iran, nếu không có sự hỗ trợ đáng kể từ AFC. Khoảng cách trình độ giữa các đội dễ nhận thấy nhất là tại Asian Cup vừa rồi.

Các liên đoàn khác trên thế giới cũng đang tích cực giúp bóng đá nữ phát triển. Gần đây, UEFA cho biết trong các giải đấu lớn như Champions League của nữ, các đội bóng mới sẽ được đảm bảo để không bị bỏ lại phía sau.

Tiền thưởng chỉ là một trong nhiều khía cạnh mà AFC có thể giải quyết, trong sự mệnh đã nêu là phát triển bóng đá nữ trên toàn châu Á.

Cải thiện mức lương của câu lạc bộ nữ, nâng cao tiêu chuẩn đi lại và ăn ở, tăng cường tài trợ và tiếp thị, ủng hộ các giải đấu toàn thời gian và giới thiệu các giải đấu châu lục mới, chẳng hạn như Asian Champions League nữ đều là một phần của cách tiếp cận toàn diện, để phát triển rộng rãi không chỉ bóng đá nữ, mà cả môn bóng đá nói chung.

Tuyển nữ Việt Nam ăn mừng khi được dự World Cup Sau trận thắng đội Đài Loan (Trung Quốc) chiều 6/2, tuyển nữ Việt Nam đã có màn ăn mừng cảm xúc khi chính thức giành vé dự VCK World Cup nữ 2023.

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tien-thuong-neu-bat-su-chenh-lech-giua-bong-da-nam-va-nu-post1294711.html