Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Chưa bao giờ giáo dục khó khăn như bây giờ

'Từ cái nhìn của người trong nghề và cũng là người có chút nghiên cứu về lịch sử, tôi cho rằng chưa có thời kỳ nào mà giáo dục khó khăn như bây giờ'. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng mở đầu cuộc trò chuyện với Người Đô Thị về hiện tình của nền giáo dục nước nhà.

Hệ thống giá trị đã bị đảo lộn

Khó khăn theo nghĩa rằng…

Tôi nghĩ không có chữ nào đúng hơn của Giáo sư Hoàng Tụy là “một nền giáo dục lạc lối”. Sự lạc lối của giáo dục cộng với tình hình xã hội có những phức tạp riêng. Phức tạp không do lỗi của ai hết. Do khách quan thế giới ngày nay hỗn loạn, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn, nhiều trật tự không còn được duy trì, chiến tranh bùng nổ chỗ này chỗ nọ, đủ thứ vấn đề về môi trường, rất nhiều điều khoa học chưa có lời giải kịp thời… Đây là các vấn đề toàn cầu nhưng có vẻ như ở Việt Nam trầm trọng hơn.

Nếu cho rằng “lạc lối”, vậy thế nào gọi là giáo dục, thưa bà?

Có những sự thật không thể phủ nhận. Thứ nhất, con người sinh ra phải học. Vậy đáng lý ra học đối với con người là chuyện thiên phú, nếu được dạy không tốt thì đó là thảm họa. Người ta học để biết dùng hết mức năng lực giác quan. Não không phải chỉ để nhớ thuộc lòng, dù đó là một năng lực quan trọng. Cao hơn phải là năng lực phân tích, tổng hợp, tư duy, phân biệt đúng sai, phải trái, đánh giá lập luận nào thuyết phục, chưa thuyết phục… tóm gọn là năng lực tư duy, cũng phải học!

Dạy tốt chính là để trí tuệ con người có thể phát minh, sáng chế, đẩy nhanh sự tiến bộ chung của tri thức loài người theo hướng phong phú, vững chắc. Nhưng bây giờ cái học không giúp cho người ta có được những hiểu biết cần thiết trong thời đại mình sống, không biết sử dụng năng lực tư duy với trình độ xã hội cần. Đó là cái khó hiện nay.

Có những phụ huynh hỏi tôi, họ có con học hết phổ thông, nhưng cháu không biết ngành nào ở đại học hết. Bản thân học sinh không biết mình muốn cái gì? Cả lớp thi vào kinh tế mà hầu hết đều không biết tại sao chọn ngành đó! Theo phụ huynh, từ đó tới giờ, con không quan tâm gì đến xã hội xung quanh và cha mẹ thì đã buông tay để cho nhà trường làm gì thì làm, kết quả như vậy.

Thứ hai, sống trong xã hội có tổ chức, con người phải học sống với người khác. Nho giáo dạy làm người theo hai chữ nhân ghép lại, có nghĩa là tính người, nhân tính hay nhân đạo. Nghĩa là học để mình biết sống với người khác, làm sao tồn tại được một cách tự do trong tập thể, cộng đồng, xã hội. Đó mới là học.

Mục tiêu phải đạt đến của giáo dục là để mở trí người dân, cho người ta biết cái chưa biết khi đi học, khôn ngoan hơn, dùng tư duy, lý trí tốt hơn. Còn giáo dục để biến người ta thành công cụ của đồng tiền hay khuất phục quyền lực, không giáo dục để làm người, chỉ dạy cách ra đời để có lương cao hơn người khác, để thượng đội hạ đạp... thì không thể là giáo dục.

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ trước cổng trường. Đằng sau hành động cúi đầu chào bác bảo vệ là câu chuyện về nề nếp của ngôi trường lâu đời bậc nhất Sài Gòn. Ảnh tư liệu: Dân Trí

Giáo dục gia đình: chiếc phao cứu sinh

Nhiều người có cùng một băn khoăn rằng nếu dạy cho trẻ những điều lương thiện tốt đẹp như bà đề cập, liệu rằng các con có bị “thiệt thòi” trong thực tế khắc nghiệt hôm nay?

Rất nhiều người đặt câu hỏi này với tôi. Tôi hiểu trong hoàn cảnh này, gia đình như cái ghe nhỏ đi giữa sóng gió, bão bùng. Người lái lại không có la bàn, không gì cả. Tôi hiểu sự bối rối, lo âu, thậm chí cả sự tuyệt vọng của một số phụ huynh đang không biết phải làm sao? Nói thật, tôi cũng không có lời khuyên thần diệu nào trước một tình hình đầy khó khăn như thế. Thành ra, những gì tôi có thể nói chỉ là kể lại những chọn lựa cách đây trên dưới 30 năm khi con cái cũng đang tuổi đi học.

Hồi con đầu lòng của tôi chuẩn bị vào mầm non. Trên nguyên tắc cháu sẽ được nhận vào trường mẫu giáo trong phường theo tuyến. Nhưng không may trường gần nhà là một nhà trẻ “điểm” được người ta ưa chuộng. Tôi đi hỏi hàng xóm vì biết nộp đơn “bình thường” khó vô lắm. Chị hàng xóm nói phải cho con đi học hè. Bản thân nhà giáo, tôi biết việc một đứa trẻ mới 3 tuổi phải đi học hè là hoàn toàn trái sư phạm, nhưng cũng đành. Đi học hè, rồi “nhờ” cô giáo nộp đơn, tức là đưa thẳng cho cô thay vì văn phòng trường. Một bữa tình cờ tôi thấy con chơi trò lớp học với trẻ trong xóm. Con khoanh tay chào “cô” khi mới đến, rồi thưa “cô” ra về. Tôi khen và hỏi xem vô trường con có làm vậy với cô không? Nó bảo không. Sao vậy? Vì con chào cô giáo mà cô đâu có trả lời! Tôi ráng dạy con: “Con ơi, ở nhà mẹ có mình con, còn ở trường cô có tới 30 bạn lận. Có khi cô không thấy con thôi”.

Bà Bùi Trân Phượng tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa lịch sử Đại học Paris I năm 1972, lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Paris VII năm 1994, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh UBI năm 2003 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Lyon II năm 2008.

Và giải pháp của bà là…

Suốt quá trình hai đứa con đi học trường công, tôi phải luôn xem chừng nhà trường có làm gì tổn thương đến nhân cách, đạo đức của các con không, có đi ngược với giáo dục gia đình không? Đó là quan tâm gần như duy nhất của tôi. Tôi không quan tâm nó đứng hạng mấy, được bao nhiêu phần thưởng, mà hoàn toàn chỉ để ý con có bị nhà trường làm hư cái gì không. Tôi cho rằng hiện nay chỉ có thể tận dụng tối đa thế mạnh của giáo dục gia đình. Thứ nhất, nhờ phạm vi nhỏ chỉ liên quan đến một, hai đứa người con. Thứ hai, phụ huynh thương yêu và mong muốn điều tốt lành cho con cái mãi tương lai về sau thì có toàn quyền sắp đặt lựa chọn đúng cho chúng...

Còn tiếp...

Quốc Ngọc thực hiện

Đôi dòng tự sự của nhà giáo Bùi Trân Phượng

“Tôi xuất thân trong một gia đình truyền thống giáo chức. Ông ngoại là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Mỏ Cày, Bến Tre. Ba tôi là học sinh giỏi của ngôi trường đó và sau này nên duyên với con gái ngài hiệu trưởng. Nói chung gia đình tôi là dân nhiều đời làm giáo viên, thành ra từ hồi tôi còn nhỏ tôi đã nghĩ mình sẽ làm nghề dạy học rồi.

Trước 1975, tôi đi học ở Sài Gòn cho đến Tú Tài năm 1968. Tôi đi Paris du học bằng học bổng của Chính phủ Pháp năm 18 tuổi. Ba tôi tham gia cách mạng, bị bắt dưới chế độ Ngô Đình Diệm, rồi bị tù mấy năm. Sau đó ba không hoạt động nữa nhưng vẫn hướng về cách mạng. Cho nên khi tôi qua bên đó, tôi nói với ba là tôi muốn đi tìm cách mạng và mong muốn về nước sẽ ra Bắc chứ không về Nam cho đến khi nào đất nước thống nhất mới về. Ba tôi là người cho tôi địa chỉ của tổ chức cách mạng ở Pháp. Đó là một nhà sách. Tôi đến đó tham gia cách mạng.

Năm 1972, tôi tốt nghiệp đại học, đang chuẩn bị vào cao học thì bỏ ngang tự nguyện về tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nhưng thay vì về Bắc theo sở nguyện, cách mạng đưa tôi về hoạt động mật nội thành cho đến 1975. Trong thời gian làm công tác trí vận của khu Sài Gòn - Gia Định, tôi đi dạy ở Marie Curie là trường trung học hồi trước của tôi và thỉnh giảng ở Trường Đại học Cần Thơ.

Sau năm 1975, cách mạng đưa tôi về Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Sau một số năm, tôi cảm thấy không thể làm nghề sử được nữa mà chỉ đi dạy sử ở vài lớp buổi tối mà thôi. Năm 1991, tôi đi làm ở trường Hoa Sen và những chuyện khác vẫn trong ngành giáo dục. Tất cả các học vị sau này, từ cao học cho tới tiến sĩ, tôi đều học ở Pháp một cách rất vất vả. Vì tôi không còn thời gian để học toàn thời gian nữa mà phải vừa học vừa làm…”.

Quốc Ngọc thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tien-si-bui-tran-phuong-chua-bao-gio-giao-duc-kho-khan-nhu-bay-gio-41524.html